.

Nâng cánh du lịch Quảng Trạch

.
11:27, Thứ Hai, 19/02/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Với đường bờ biển dài hơn 20km và nhiều cảnh quan đẹp, di tích văn hóa lịch sử như khu vực Vũng Chùa-Đảo Yến, Hoành Sơn Quan, Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Quảng Trạch hội đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa và tâm linh... Đây còn là vùng đất với nhiều làng nghề nổi tiếng, những sản phẩm ẩm thực độc đáo rất dễ níu chân du khách.

Tài nguyên phong phú

Nói đến du lịch Quảng Bình, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến hệ thống hang động kỳ vĩ ở khu vực Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng ở hai huyện Bố Trạch, Minh Hóa hay bờ biển dài với những bãi cát đẹp trải dài ở thành phố Đồng Hới. Nhưng ít ai biết được rằng, vùng đất Quảng Trạch có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa cũng là nơi hội tụ đa dạng các tiềm năng để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Vịnh Hòn La nhìn từ đỉnh Hoành Sơn Quan trên Đèo Ngang.
Vịnh Hòn La nhìn từ đỉnh Hoành Sơn Quan trên Đèo Ngang.

Tuy là một huyện đồng bằng nhưng Quảng Trạch có điều kiện tự nhiên đa dạng. Với đường bờ biển dài hơn 20km, có vịnh nước sâu Hòn La với nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp biển và các dịch vụ phục vụ cho nghề biển. Ngư trường Quảng Trạch có nguồn hải sản phong phú, có giá trị cao. Ven bờ biển với nhiều bãi tắm đẹp thích hợp để xây dựng các khu nghĩ dưỡng, dịch vụ du lịch.

Bên cạnh đó, ở khu vực đồi núi có nhiều thác ghềnh, suối được hình thành tự nhiên có cảnh quan đẹp như suối Xai (Quảng Thạch), thác Tam Cấp (Quảng Kim)... phù hợp để phát triển du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm. Quảng Trạch còn có nhiều cảnh quan đẹp như khu vực Vũng Chùa – Đảo Yến mà điểm nhấn là khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp; khu Hoành Sơn Quan trên đỉnh đèo Ngang; Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh; lăng mộ danh nhân văn hóa Nguyễn Hàm Ninh... rất thuận lợi để phát triển du lịch văn hóa và tâm tinh.

Ngoài những giá trị do thiên nhiên ban tặng, Quảng Trạch còn được biết đến với những sản phẩm văn hóa ẩm thực nổi tiếng, như: bánh xèo, bánh đúc (Quảng Tùng), bánh đa Tân An (Quảng Thanh); lươn đùm (Quảng Phương), sò huyết sông Loan... và các loại đồ uống làm say lòng người đã tạo nên thương hiệu như rượu Quảng Châu, rượu Quảng Đông. Nếu ai có dịp về Quảng Trạch, xuôi theo dòng sông Loan, nếm thử rượu Quảng Châu với những đặc sản được khai thác từ dòng sông Loan, đặc biệt là món sò huyết nức tiếng thì thật khó mà quên được.

Ngoài ra, Quảng Trạch còn có nhiều làng nghề truyền thống như đan lát, mây tre đan ở Quảng Phương, làm nón Quảng Xuân không chỉ tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân mà còn là nét văn hóa rất riêng của con người vùng đất này, cũng là điều kiện tốt để phát triển du lịch gắn với các loại hình dịch vụ. 

Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp là điểm nhấn trong chiến lược phát triển du lịch Quảng Trạch.
Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp là điểm nhấn trong chiến lược phát triển du lịch Quảng Trạch.

Quảng Trạch còn là vùng đất văn vật, có truyền thống cách mạng, con em học hành đỗ đạt, nhiều danh nhân văn hóa và anh hùng dân tộc. Hiện tại, toàn huyện có 12 di tích được xếp hạng, trong đó có 3 di tích cấp Quốc gia và 9 di tích cấp tỉnh. Hàng năm, có 9 lễ hội văn hóa độc đáo được tổ chức thường xuyên.

Nhiều loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống cũng được chính quyền và người dân nơi đây bảo tồn và phát huy tốt như hát ca trù ở Quảng Phương, hát kiều Quảng Kim, hát ru, hò chèo cạn ở Cảnh Dương... Đáng chú ý, ca trù hiện nay đang được huyện Quảng Trạch chủ trương tiếp tục sưu tầm, lưu giữ và trao truyền một cách có hiệu quả.

Có thể khẳng định rằng Quảng Trạch là một trong những địa phương hội tụ đầy đủ các tiềm năng để phát triển ngành du lịch. Và nếu được khai thác, quản lý một cách có hiệu quả, tương lai đây sẽ là ngành kinh tế chủ lực trong chiến lược phát triển kinh tế của huyện Quảng Trạch.

Để khơi dậy tiềm năng du lịch

Những năm gần đây, huyện Quảng Trạch đã chủ động đầu tư hệ thống cơ ở hạ tầng, tạo điều kiện để khuyến khích các làng nghề phát triển cũng như bảo tồn giá trị nhiều loại hình văn hóa văn nghệ dân gian để phát triển ngành nghề du lịch.

Trong văn kiện Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV cũng đã xác định cần phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển du lịch thành ngành kinh tế trọng điểm. Tuy nhiên, trên thực tế hiệu quả từ ngành "công nghiệp không khói" mang lại vẫn chưa tương xứng với tiềm năng du lịch vốn có của huyện.  

Theo thống kê cho thấy, từ lúc Đại tướng Võ Nguyên Giáp về yên nghỉ tại khu vực Vũng Chùa – Đảo Yến, số lượng khách đến thăm viếng ước khoảng hơn 5 triệu lượt người; Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh hằng năm cũng thu hút khoảng 15.000 lượt khách đến thắp hương, bái tế. Nhưng doanh thu từ du lịch hằng năm của toàn huyện hầu như không đáng kể.

Các bãi tắm đẹp như Vũng Chùa, Mũi Độc... hay hệ thống suối, thác chỉ phục vụ nhu cầu của người dân địa phương mà chưa thu hút và níu chân được du khách. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn nhân lực đầu tư cho du lịch chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả từ công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng còn nhiều hạn chế dẫn đến việc khai thác tiềm năng du lịch còn mang tính tự phát, mất cân đối. Vì vậy, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Quảng Trạch cần một chiến lược lâu dài, mang tính bền vững.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết, để khai thác tiềm năng du lịch của Quảng Trạch, huyện đang xây dựng đề án chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn 2030 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 xây dựng được hình ảnh điểm đến du lịch Quảng Trạch và phát triển thành điểm du lịch phía Bắc tỉnh Quảng Bình.

Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh hứa hẹn trở thành điểm du lịch tâm linh của huyện Quảng Trạch.
Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh hứa hẹn trở thành điểm du lịch tâm linh của huyện Quảng Trạch.

Theo đó, bên cạnh việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, huyện tiếp tục kêu gọi và tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư các loại hình dịch vụ du lịch trên địa bàn. Mặt khác, huyện tổ chức các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức về quản lý và văn hóa kinh doanh du lịch cho đội ngũ lao động du lịch trên địa bàn; nâng cao chất lượng hoạt động thông tin, quảng bá du lịch, tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch theo hướng có lựa chọn, mang tính chuyên nghiệp.

Huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân địa phương, nhất là vùng dân cư làng nghề, địa điểm du lịch để thu hút du khách nhằm phát triển du lịch hướng tới sự bền vững.

"Với những kế hoạch đã và đang được xây dựng và triển khai, hy vọng trong thời gian tới, ngành du lịch Quảng Trạch sẽ xây dựng được thương hiệu mang đặc trưng riêng của huyện, góp phần đưa du lịch thành ngành kinh tế trọng điểm của địa phương", ông Anh cho biết.

Tiềm năng du lịch ở Quảng Trạch là rất lớn, tuy nhiên để khai mở và phát triển được nguồn tiềm năng đó, cần sự chung tay của các cấp, các ngành và người dân địa phương. Trong xu thế và định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh nhà, tin tưởng rằng, trong tương lai gần, Quảng Trạch sẽ trở thành điểm sáng trong bức tranh du lịch của Quảng Bình.

Xuân Phú






 

,