.

"Cho biển rừng liền nhau..."

.
11:29, Thứ Bảy, 17/02/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa", đó là những yếu tố tiên quyết để Quảng Ninh hoạch định một chiến lược dài hơi về phát triển kinh tế- xã hội, trong đó chú trọng đến du lịch- ngành công nghiệp không khói. Năm 2017, Quảng Ninh đã hình thành được những lợi thế về du lịch”, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Phạm Trung Đông khẳng định trước thềm năm mới, trong một chuyến du xuân "kéo" rừng xích lại gần hơn với biển.

1. Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Phạm Trung Đông nói: "Quảng Ninh được biết đến là một huyện thuần nông. Thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất và con người vốn dung dị, thân thiện, mến khách nhiều phong cảnh hữu tình. Tiềm năng rừng và biển như một bản tình ca giao hòa đang dần được khám phá. Tương lai, Quảng Ninh như một nốt nhạc thăng hoa, làm gạch nối các điểm đến du lịch giữa hai đầu nam-bắc Quảng Bình".

Di tích danh thắng cầu Long Đại, núi Thần Đinh.
Di tích danh thắng cầu Long Đại, núi Thần Đinh.

Khởi hành từ Di tích lịch sử bến phà Quán Hàu, "tọa độ lửa" anh hùng trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước, con thuyền nhỏ đưa chúng tôi ngược dòng Nhật Lệ, bắt đầu chuyến hành trình đầy lý thú.

Qua hết địa giới thị trấn Quán Hàu là tới ngã ba Trần Xá, nơi hợp lưu hai dòng Kiến Giang, Đại Giang, Chủ tịch Phạm Trung Đông như một hướng dẫn viên thực thụ: "Sông Kiến Giang phía tả ngạn băng qua phá Hạc Hải, ghi dấu trong câu ca: "Thần Đinh vi bút. Hạc Hải vi nghiên. Trường Sa vi bản", đây là dòng sông của điệu hò khoan Lệ Thủy và lễ hội đua thuyền truyền thống nổi tiếng hàng năm vào ngày Tết Độc lập.

Sông Kiến Giang gắn liền với những danh nhân lịch sử nổi tiếng như Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật, Sư bảo Nguyễn Đăng Tuân, Tuy Lộc hầu Đặng Đại Lược, Thạc Đức hầu Đặng Đại Độ và là quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngược lên phía trước, dòng Long Đại hay còn gọi là Đại Giang sẽ đưa chúng ta đến với xã biên giới Trường Sơn.

Dọc hành trình xuôi chảy về biển Đông, Đại Giang đi qua các bản làng trù phú của đồng bào dân tộc Vân Kiều cùng rất nhiều thắng cảnh, di tích lịch sử... Khi tuyến du lịch đường thủy này đưa vào khai thác sẽ tạo ra sự kết nối của rất nhiều cung bậc, địa danh, vùng miền".

Với riêng huyện Quảng Ninh, theo dòng Long Đại, du khách sẽ ghé thăm Di tích lịch sử phà Long Đại trên đường Hồ Chí Minh, thắp nén nhang tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ tại Đền tưởng niệm. Bắt đầu từ chân cầu Long Đại, chúng ta thấy danh thắng núi Thần Đinh.

Theo hướng sông Rào Đá, du khách vãn cảnh núi Thần Đinh, chùa Kim Phong với những huyền tích "Đầu Mâu đa tiên. Thần Đinh đa phật". Đi sâu vào hơn nữa sẽ đến với hồ thủy lợi Rào Đá, được ví như "bầu sữa ngọt" cung cấp nguồn nước mát cho hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy. Sâu hơn nữa, trên những con thuyền độc mộc, khách tham quan chạm đến quần thể du lịch khe Nước Lạnh đang thành hình hài.

Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng khe Nước Lạnh (Trường Xuân) đang dần hình thành.
Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng khe Nước Lạnh (Trường Xuân) đang dần hình thành.

Hành trình ngược dòng Đại Giang tiếp tục giữa khung cảnh yên bình, đẹp như tranh vẽ mà đích của chuyến du hành đầu xuân mới là thác Tam Lu thuộc địa giới hành chính xã Trường Sơn. Tam Lu là con thác lớn nhất ở đây, độ chênh so với mực nước đến gần 20 mét trải qua 3 cung bậc, mặc nhiên tung bọt trắng trời.

2. Gắn liền với hàng trăm di tích, địa danh, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp mà Quảng Ninh đang "sở hữu" là những lễ hội, làng nghề dần phục hồi như lễ hội rằm tháng giêng ở các xã Lương Ninh, Vĩnh Ninh, thị trấn Quán Hàu; lễ hội cầu ngư ở xã biển Hải Ninh; lễ hội đua thuyền truyền thống Tết Độc lập trên sông Nhật Lệ...

Đây được coi là những thế mạnh của huyện Quảng Ninh khi phát triển du lịch, cùng các đặc sản, ẩm thực đặc trưng như cháo hàu, khoai deo, dưa hấu Hàm Ninh, mực Hải Ninh, rượu Võ Xá, ngô Hiền Ninh... sẽ đủ sức thu hút, níu kéo du khách đến trải nghiệm và lưu trú, khám phá dài ngày.

Giấc mơ nối rừng liền với biển đang trở thành hiện thực khi huyện Quảng Ninh chú trọng đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, khuyến khích nâng cấp hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, nghỉ dưỡng; phát triển cơ sở vui chơi giải trí, thể thao, hệ thống cơ sở dịch vụ ăn uống, các cơ sở thương mại dịch vụ; khôi phục phát triển các làng nghề thủ công truyền thống, tập trung đầu tư, phát triển giao thông đường bộ, đường thủy, chú trọng những trục giao thông chính kết nối tour, tuyến du lịch địa phương; các bến đường thủy tại các điểm tham quan du lịch; bảo đảm công tác vệ sinh, thân thiện môi trường...

Huyện Quảng Ninh phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng du lịch, dịch vụ giai đoạn 2016-2020 trên13%/năm; tốc độ tăng trưởng khách du lịch giai đoạn 2016-2020 là 20%/năm; đến năm 2020, lượng khách du lịch đến huyện đạt 400.000 lượt người; toàn huyện có 25 cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ- du lịch; tạo việc làm cho 5.000 lao động, trong đó 50% lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch qua đào tạo, bồi dưỡng đúng chuyên môn, nghiệp vụ.

Hiện tại, trên địa bàn huyện đang triển khai các dự án du lịch trọng điểm: Khu du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, thương mại và giải trí cao cấp FLC (gọi tắt là dự án FLC) tại xã biển Hải Ninh; quần thể Di tích danh thắng núi Thần Đinh; Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng khe Nước Lạnh (xã Trường Xuân)...

Với quy mô trên gần 2.000 ha, Dự án FLC đang xây dựng đồng bộ khu quần thể resort khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, hệ thống sân golf, khu vui chơi giải trí, công viên vườn thú, thể thao. Với tổng mức đầu tư trên 8.400 tỷ đồng, Dự án FLC sẽ hoàn thiện trong giai đoạn 2016-2020. Khi đi vào hoạt động, Dự án trở thành điểm nhấn kích cầu du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng cao cấp tại Quảng Bình.

 Trên công trình đang xây dựng của Dự án FLC (xã biển Hải Ninh).
Trên công trình đang xây dựng của Dự án FLC (xã biển Hải Ninh).

Ông Vũ Trọng Hùng, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và Thương mại Đại Hùng, một trong những doanh nghiệp được huyện Quảng Ninh mời gọi đầu tư, cho biết: "Công ty đang triển khai thực hiện dự án đầu tư Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng khe Nước Lạnh. Dự án nhằm phát triển đồng bộ các loại hình sản phẩm du lịch, đáp ứng xu hướng mới về nhu cầu đa dạng của các đối tượng du khách.

Trên cơ sở khai thác lợi thế về tiềm năng tự nhiên sẵn có gần khu vực huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Khi dự án hoàn thành sẽ kết nối chuỗi các điểm đến trong vùng như Khu nghỉ dưỡng suối Bang, Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Lăng mộ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, sân golf FLC, chùa Hoàng Phúc, núi Thần Đinh... Tiến độ thực hiện dự án từ nay đến năm 2019, tổng vốn đầu tư trên 51 tỷ đồng. Khi hoàn thành, Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng sẽ tiếp đón khoảng 700 khách/ngày và giải quyết việc làm cho trên 150 lao động".

Thời cơ đã đến và đồng hành với ngành công nghiệp không khói của huyện Quảng Ninh. Kéo rừng và biển xích lại gần nhau sẽ đưa Quảng Ninh trở thành một "địa chỉ đỏ" trên bản đồ du lịch Quảng Bình, trong nước và quốc tế.

Hương Trà




 

,