.
Xã Hưng Trạch:

Du lịch sinh thái từ mô hình trồng ổi

Thứ Hai, 11/12/2017, 08:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm qua, người dân xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch đang dần chuyển đổi vùng đất gò đồi bạc màu thành những vùng trồng ổi phục vụ khách du lịch, tạo thu nhập và nâng cao đời sống.

Trồng vườn cây ăn quả để phục vụ du lịch miệt vườn đã được thực hiện từ lâu nay ở các tỉnh Đông Nam Bộ. Ở tỉnh ta, mô hình này đang “manh nha” ở xã Hưng Trạch, bằng cách phát triển vườn ổi, vừa phục vụ tại chỗ cho du khách khi tới tham quan các điểm du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng, vừa bày bán cho người đi đường, nhiều hộ gia đình nơi đây có thu nhập khá ổn định.

Là xã miền núi, đất đai chủ yếu là gò đồi, các loại cây ăn quả được trồng nhiều nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2002, khi đang là Bí thư Đảng ủy xã Hưng Trạch, ông Trần Văn Thái, ở thôn Khương Hà 3, đã mạnh dạn đưa giống ổi lê Đài Loan về trồng và khuyến khích bà con Hưng Trạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất gò đồi.

Một mình ông mạnh dạn trồng 1 sào thử nghiệm, sau 8 tháng, ổi đã cho ra trái đầu mùa. Đến nay, vườn ổi nhà ông đã được 15 năm, nhưng trái vẫn sai trĩu quả, thu về hàng chục triệu đồng mỗi năm cho gia đình.

Sau khi mô hình trồng ổi của gia đình ông Thái đã chứng minh được hiệu quả kinh tế, nhiều người dân trong xã đã trồng theo, đặc biệt là người dân ở dọc hai bên đường Hồ Chí Minh. Đến nay, toàn xã Hưng Trạch có 200 hộ trồng ổi, tổng diện tích trên 7ha.

Trồng ổi phục vụ khách du lịch là hướng đi mới của người dân xã Hưng Trạch hiện nay.
Trồng ổi phục vụ khách du lịch là hướng đi mới của người dân xã Hưng Trạch hiện nay.

Điển hình có hộ ông Phạm Ngọc Phấn, thôn Khương Hà 4, từ 6 sào đất bỏ hoang, ông mạnh dạn trồng 6 sào ổi lê Đài Loan. Mặc dù mới thu hoạch năm đầu tiên, nhưng ông cũng đã thu về được hơn 40 triệu đồng, ông Phấn khẳng định rằng cây ổi cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác.

Được biết, bà con nơi đây trồng chủ yếu giống ổi lê Đài Loan. Đây là giống ổi dễ trồng, thời gian sinh trưởng ngắn, tỷ lệ đậu trái và năng suất cao, thu hoạch quanh năm, nhưng cây cho nhiều quả nhất là tháng 1, 2, 3 và 7, 8, 9; thân cây cứng, khỏe mạnh, khả năng chống bão tốt hơn các loại cây trồng khác, như: cây keo, tràm, cao su...Ổi ở đây như hợp với chất đất nên có vị ngọt mát, ít hạt, mùi thơm; cùng với cách trồng bảo đảm an toàn, ổi Hưng Trạch có tiếng ngon, sạch nên được nhiều người ưa chuộng.

Khi hỏi về kinh nghiệm trồng ổi lê Đài Loan, ông Trần Văn Thái chia sẻ, cây ổi là loại cây ăn trái gần như dễ trồng nhất, không kén đất. Song không nên trồng ở nơi có địa hình quá trũng dễ bị ngập về mùa mưa, nhưng phải bà con nguồn nước để tưới về mùa khô. Cây trồng sau 8 tháng thì bắt đầu ra hoa, kết trái. Khi quả to bằng ngón tay cái thì phải dùng túi bọc chuyên dụng để bọc quả.

Việc bọc quả sẽ giúp tránh được côn trùng gây hại và giúp cho quả ổi được thơm ngon, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Nếu côn trùng gây hại quá nhiều, bà con có thể nấu hỗn hợp các loại lá sả, chanh, ớt bột... hoặc lấy mù tạt pha với nước rồi phun lên cây để đuổi côn trùng. Làm như vậy mới tạo ra sản phẩm sạch và an toàn. Vườn ổi tuyệt đối không để cỏ, vì có cỏ rễ ổi sẽ ăn sâu, xuống đất, không lợi dụng được màu mỡ trên đất mặt, khi bón phân kém tác dụng...

Ở Hưng Trạch, khi ổi đến mùa, người mua, đặc biệt là du khách đi tham quan các điểm du lịch ở Phong Nha-Kẻ Bàng vào tận vườn hái và mua với mức giá ổn định 30.000 đồng/kg. Với 1 sào ổi trên 2 năm tuổi cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng/năm và mức thu tăng dần theo thời gian, vì cây càng lớn thì quả càng nhiều. Khi ổi chín, người dân thường tháo bọc để lộ ra những chùm ổi căng mọng cho khách du lịch tham quan, chụp ảnh. Đây cũng là hình thức thu hút khách tới mua ổi của bà con nơi đây. Không chỉ thu nhập từ quả, người dân nơi đây còn chiết cành, nhân giống để bán cho khách qua đường với giá 25.000 đồng/1 cây.

Ông Trần Văn Diên, Phó chủ tịch UBND xã Hưng Trạch cho biết, hiện nay, người dân trồng ổi ngày càng nhiều nhưng lượng ổi người dân bán ra cũng không đủ cho người mua. Hiện, xã đang khuyến khích bà con chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng ổi nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Mặc dù vậy, do đây là việc làm tự phát cho nên địa phương và các hộ vẫn còn lúng túng trong cách làm và quản lý hoạt động, nếu diện tích phát triển quá nhanh, sản lượng lớn thì lại thêm nỗi lo đầu ra cho sản phẩm.

Trồng ổi phục vụ khách du lịch có thể coi là một mô hình mới, một hướng đi mới trên vùng đất gò đồi bạc màu. Cách làm này cần được tổng kết và nhân rộng, không chỉ vườn ổi mà các cây ăn quả khác, như: cam, bưởi, mít, chuối..., cũng có thể áp dụng vì nó không chỉ tạo ra thu nhập mà còn đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái trên quê hương di sản.

Thanh Hoa