.
Bố Trạch:

Nỗi lo người trồng sắn

Thứ Sáu, 08/12/2017, 10:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Được xem là “lãnh địa” của cây sắn với diện tích trên 4.000 ha, chiếm khoảng 60% diện tích trồng sắn toàn tỉnh, những năm qua, mặc dù phải đối mặt với không ít thăng trầm, cây sắn Bố Trạch vẫn mang lại nhiều khởi sắc cho đời sống kinh tế của người nông dân. Vụ sắn năm 2016-2017, với giá thu mua 1.900 – 2.000đ/kg, bên cạnh niềm vui vì mức giá khá cao, người trồng sắn ở Bố Trạch hiện đang phải đối mặt với nỗi lo thiếu cây giống cho vụ sau khi bão số 10 đã làm gãy đổ và ảnh hưởng đến hơn 50% giống sắn, tương đương 2.000ha.

“Thiếu 50% giống sắn”

Đó là khẳng định của hầu hết những hộ trồng sắn mà chúng tôi đã gặp gỡ và trao đổi. Thời điểm này, nông dân Bố Trạch đang thu hoạch những diện tích sắn cuối cùng và bắt tay chuẩn bị cho vụ sắn mới. Có mặt tại cánh đồng thôn Đông Thành (xã Nam Trạch, Bố Trạch), chúng tôi bắt gặp hình ảnh những hộ trồng sắn nơi đây đang hối hả thu gom những chuyến sắn cuối.

Anh Hoàng Văn Tân, thôn Đông Thành cho biết: “Gia đình tôi trồng 2ha sắn. Những năm trước, sau khi thu hoạch xong, chúng tôi cũng đồng thời chuẩn bị cây giống cho vụ sau. Về cơ bản, gia đình tự túc được cây giống, thậm chí có nhiều năm còn thừa để mang bán. Riêng năm nay, số sắn bị gãy đổ do bão số 10 quá lớn. Thời điểm bão đổ, cây còn non nên không thể làm giống được. Dự kiến gia đình tôi sẽ thiếu khoảng 1 ha cây giống trong vụ tới”.

Cũng như gia đình anh Tân, chị Võ Thị Hằng, người cùng thôn, đang phải đối mặt với tình trạng thiếu giống cho 2ha sắn. Chị Hằng cho biết, khi bão số 10 đổ bộ, sắn nhà ai phát triển càng tốt, cành lá càng sum suê thì càng bị gãy đổ nhiều bởi phải hứng chịu gió nhiều hơn so với những diện tích phát triển cằn cỗi.

Nông dân thôn Đông Thành (xã Nam Trạch) thu hoạch những diện tích sắn cuối cùng.
Nông dân thôn Đông Thành (xã Nam Trạch) thu hoạch những diện tích sắn cuối cùng.

“Nhà tôi thiếu khoảng một nửa, còn có nhiều nhà trắng tay vì cây đổ sạch trong bão. Bòn mót được ít củ nhập cho nhà máy cũng không ăn thua vì thu hoạch sớm nên chất lượng củ không cao. Chưa kể vụ sắn tới xác định phải mua 100% cây giống nên mặc dù giá sắn năm nay tạm ổn nhưng nhà nào cũng lo!”, chị Hằng chia sẻ.

Dẫn đầu về diện tích cây sắn của huyện Bố Trạch là thị trấn Nông trường Việt Trung với 710ha, tiếp theo là xã Phú Định 487ha, Nam Trạch 467ha... Tại bản Khe Ngát, thị trấn Nông trường Việt Trung, nhiều hộ trồng sắn nơi đây cũng rơi vào cảnh tương tự.

Bí thư chi bộ bản Khe Ngát, anh Hồ Văn Phần chỉ cho chúng tôi xem nương sắn với những hàng cây gãy đổ nay đã khô. Gia đình anh Phàn trồng 2 ha sắn và gần như mất trắng. “Cả 2 ha mà năm nay chỉ thu hoạch được khoảng hơn 2 xe sắn, không ăn thua. Tiếc một phần nhưng lo hai phần, vì giờ không có cây giống mà trồng. Mà không trồng sắn thì biết trồng cây chi?”, anh Phần tâm sự.

Xã Tây Trạch cũng là một trong những địa phương có diện tích sắn khá lớn của huyện Bố Trạch với 360ha. Không nằm ngoài quy luật của thiên tai, người dân nơi đây phải thu hoạch sớm những diện tích bị gãy đổ do bão số 10, cây non nên không đạt tiêu chuẩn làm giống. Bí thư Đảng uỷ xã, ông Nguyễn Tiến Hùng cũng là một trong những người trồng sắn của Tây Trạch cho biết, nhiều lắm thì xã cũng chỉ đủ giống cho khoảng một nửa diện tích, mà chất lượng giống cũng sẽ không bằng những năm trước đây!

Còn ông Trần Công An, Chủ tịch UBND xã Nam Trạch cho biết thêm, thiếu 50% giống sắn cho diện tích cũ là chắc chắn. Bên cạnh đó, một số diện tích cao su gãy đổ do bão số 10 không thể phục hồi, người dân sẽ chuyển sang trồng sắn. Do đó, tỷ lệ giống sắn bị thiếu tại Nam Trạch sẽ lớn hơn 50%.

Đâu là giải pháp?

Hầu hết các hộ dân chúng tôi gặp gỡ và trao đổi đều cho biết sẽ vào Quảng Trị để mua cây giống. Chị Võ Thị Hằng chia sẻ: “Mấy năm trước, tôi còn đi bán giống, mà năm nay phải đi mua. Nhưng sống trên đất sắn mà không trồng sắn thì biết trồng cây chi?”

Còn Chủ tịch UBND xã Nam Trạch, ông Trần Công An cho biết, hiện địa phương đã báo cáo tình hình với Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện, đồng thời liên hệ với Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư Long Giang Thịnh đề nghị Công ty cho bà con tạm ứng cây giống. “Tuy nhiên, việc này cần có sự can thiệp của UBND huyện để bảo đảm những yếu tố ràng buộc giữa nhà máy và người nông dân trong việc thu mua sắn vụ sau!”, ông An cho biết thêm.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết: “Hiện, huyện đang chỉ đạo các địa phương rà soát và tận dụng tối đa nguồn giống, thống kê chính xác số liệu cây giống còn thiếu để có phương án.

Trước mắt, huyện sẽ làm việc với các doanh nghiệp và cơ sở thu mua sắn lớn trên địa bàn, trong đó, có Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư Long Giang Thịnh, bởi đây là một doanh nghiệp tiềm năng, đề nghị tạm ứng giống cho bà con để bảo đảm cả số lượng và chất lượng cây giống cho vụ tới.

Về kinh phí tạm ứng giống, huyện sẽ làm việc với doanh nghiệp yêu cầu cho bà con được thanh toán vào thời điểm thu hoạch thông qua việc bán sản phẩm cho nhà doanh nghiệp”. Đây cũng là phương án mà Sở Nông nghiệp – PTNT đang chỉ đạo các địa phương triển khai nhằm bảo đảm nguồn giống sắn nói riêng, các loại giống trong sản xuất nói chung, đồng thời tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa người nông dân và doanh nghiệp.

“Thực tế một số năm gần đây cho thấy, có khá nhiều hộ trồng sắn và một số loại nông sản khác khi khó khăn thì kêu gọi sự hỗ trợ của các doanh nghiệp cho tạm ứng vốn, giống và bao tiêu sản phẩm, nhưng khi giá thu mua của tư thương nhỉnh hơn một ít là bà con quay lưng lại với doanh nghiệp để thu lợi cao hơn khiến không ít doanh nghiệp lao đao!”, ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT cho biết.

Trên đây là những giải pháp cấp bách cho giống sắn trong vụ 2017-2018. Về lâu dài, với diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, người nông dân cần chủ động để đối phó với mưa lũ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. Ông Nguyễn Tiến Hùng, Bí thư Đảng uỷ xã Tây Trạch cho biết, nếu dự báo thời tiết chính xác, trước khi bão đến, người dân chủ động chặt ngọn sắn, sẽ giảm thiệt hại rất nhiều bởi cây sắn sẽ bớt bị gãy đổ.

Tuy nhiên, một phần do người dân chủ quan, phần nữa trong thời gian ngắn, nhiều gia đình không đủ nhân lực để triển khai việc này nên vẫn bị thiệt hại. Còn Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT Phan Văn Khoa khẳng định, đến thời điểm này, KM94 vẫn là giống sắn phù hợp nhất với Quảng Bình và hiện chưa có giống nào thay thế được. Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai thì chỉ có cách bố trí luồn lách thời vụ phù hợp để có thể thu hoạch trước khi mùa mưa lũ đến mà thôi!

Với sự chủ động của người nông dân, sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền địa phương, các ban, ngành và doanh nghiệp, hy vọng “bài toán” giống sắn cho vụ mùa tới của nông dân Bố Trạch sẽ được tháo gỡ, để cây sắn tiếp tục là “bạn đồng hành” hữu ích của người dân nơi đây.

Ngọc Mai