.

APEC giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế khu vực

Thứ Năm, 02/11/2017, 17:29 [GMT+7]

APEC có khả năng thích ứng với những môi trường thương mại phức tạp bởi bản thân diễn đàn này là một hiệp ước linh động và mang tính tự nguyện.

(Nguồn: SlideShare)
(Nguồn: SlideShare)

Đây là nhận định của Giám đốc điều hành Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) Alan Bollard trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với Tân Hoa xã.

Phát biểu trước thềm Hội nghị cấp cao APEC dự kiến diễn ra tại thành phố Đà Nẵng tới đây, nhà kinh tế Bollard nhấn mạnh APEC là một khu vực chiếm gần một nửa dân số thế giới, đóng góp hơn 50% Tổng sản phẩm toàn cầu (GDP).

Với việc tập hợp 21 nền kinh tế khác nhau và kết nối họ xung quanh vành đai Thái Bình Dương, APEC có những lợi thế trong việc thích ứng với những thay đổi có tính ràng buộc về mặt pháp lý.

Theo ông Bollard, nếu như xảy ra bất đồng thì một nhóm kinh tế dẫn đường có thể nỗ lực để giải quyết vấn đề. Thông qua việc quy tụ hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc cùng một số nền kinh tế nhỏ hơn lại với nhau, APEC có thể hưởng lợi từ những gì mà các nền kinh tế khác nhau có thể đem lại. Thực tế là khối này đã hỗ trợ sự tăng trưởng kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống trong khu vực.

Bên cạnh đó, sự kết nối cũng là một trong bốn ưu tiên hàng đầu mà Việt Nam đã đề ra trong hội nghị thượng đỉnh APEC tới đây về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu.

Theo ông, do đa số người dân các nền kinh tế APEC đều sinh sống rất gần bờ biển và vùng châu thổ ven sông, nên họ rất dễ bị ảnh hưởng bởi những biến đổi khí hậu.

Chính vì vậy, APEC cần cẩn trọng đối với bất cứ sự tác động nào của các sự kiện khí hậu lớn. Thêm vào đó, còn có nhiều thực phẩm bị lãng phí do vận chuyển chưa thích hợp hoặc điều kiện bảo quản không tốt.

Về những chủ đề ưu tiên hàng đầu liên quan đến việc hiện đại hóa các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) thông qua nền kinh tế số, Giám đốc điều hành APEC chỉ ra rằng Trung Quốc và Mỹ đã cho thấy một số hình mẫu về hướng đi này, khi Trung Quốc hiện dẫn đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử trên điện thoại di động còn Mỹ dẫn đầu về thương mại điện tử trên máy tính xách tay.

Ông nhận định việc thổi thêm luồng sinh khí cho các SMEs thông qua thương mại điện tử sẽ đem lại tiềm năng “phát triển một cuộc cách mạng trong APEC.”

Ông cho rằng nhiều dây chuyền cung ứng hiện có khả năng đảm bảo chất lượng, tài chính và thanh toán và sự tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp nhỏ.

Đối với các Mục tiêu Bogor được đặt ra tại Indonesia vào năm 1994 nhằm tạo ra thương mại mở cửa và tự do giữa các nền kinh tế phát triển từ đó đến năm 2010 và các nền kinh tế đang phát triển đến năm 2020, ông Bollar thừa nhận rằng các tiến bộ đã diễn ra tích cực tại một số khu vực song lại chậm hơn ở một số nơi khác.

Mặc dù năm 2020 đang đến rất gần, ông Bollard vẫn cho rằng APEC sẽ quyết định xem có nên tiếp tục nỗ lực đạt Mục tiêu Bogor sau năm 2020 hay không, hoặc là tìm ra một hướng đi mới.

Theo TTXVN/Vietnam+