.
Kỷ niệm 15 năm thành lập Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Bố Trạch (2003-2017):

Phát triển bền vững từ nguồn vốn ưu đãi

Thứ Tư, 23/08/2017, 08:53 [GMT+7]

(QBĐT) - Bố Trạch hiện có 30 xã, thị trấn, trong đó có 10 xã miền núi, 5 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Với 47.575 hộ và 195.760 khẩu đang sinh sống trên địa bàn, thì tỷ lệ hộ nghèo chiếm 9,85% và hộ cận nghèo chiếm 8,82%. Qua 15 năm hoạt động, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Bố Trạch đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội của địa phương.

Được thành lập trên cơ sở hoạt động phục vụ người nghèo, Phòng Giao dịch (PGD) NHCSXH huyện Bố Trạch đang thực hiện cho vay 14 chương trình tín dụng cho vay các đối tượng gồm: hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, XKLĐ, giải quyết việc làm, NS và VSMTNT,  cho vay hộ sản xuất kinh doanh, vùng khó khăn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn... Sau khi được thành lập, PGD NHCSXH huyện đã tập trung mọi nguồn lực để thực hiện hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch, góp phần trong việc thúc đẩy kinh tế-xã hội các huyện.

Các phiên giao dịch lưu động được PGD NHCSXH huyện Bố Trạch duy trì đều đặn, đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng tại các xã, thôn, bản.
Các phiên giao dịch lưu động được PGD NHCSXH huyện Bố Trạch duy trì đều đặn, đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng tại các xã, thôn, bản.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Anh Toàn, Giám đốc PGD NHCSXH huyện Bố Trạch, chia sẻ, trong 15 năm qua, từ nguồn vốn tín dụng của NHCSXH, PGD NHCSXH huyện thông qua việc đầu tư vốn cho vay giải quyết việc làm đã phân bổ cho 1.849 dự án vay, thu hút và tạo cho 10.543 lao động có việc làm thường xuyên.

Đặc biệt, nhờ những chương trình này, đã có 41.029 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn, trong đó, có 7.724 hộ nghèo, hộ cận mới thoát nghèo đang có dư nợ tại NHCSXH. Qua khảo sát hiệu quả vốn đầu tư hàng năm cho thấy, một số hộ tuy chưa thoát nghèo nhưng nhờ vay vốn NHCSXH đã chuyển biến trong nhận thức, kinh nghiệm làm ăn (2.685 hộ); có 9.308 hộ có cuộc sống cải thiện hơn trước...

Tính đến thời điểm này, dư nợ bình quân cho vay hộ nghèo của 1 xã từ 1.129 triệu đồng năm 2002 lên 3.757 triệu đồng năm 2017. Có trên 3.978 lượt hộ gia đình vay vốn hỗ trợ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn với số tiền là 139.918 triệu đồng, trong đó có 467 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã Tân Trạch, Thượng Trạch và Sơn Trạch..

Sau 15 năm hoạt động, tính đến 6 tháng đầu năm 2017, tổng nguồn vốn cho vay của Phòng giao dịch huyện đạt 490.344 triệu đồng, tăng 458.721 triệu đồng (tăng 1.450,6%) so với năm 2002. Tổng dư nợ đạt 431.342 triệu đồng, tăng so với năm 2002 là 399.719 triệu đồng.

Ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, Trưởng Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tại huyện Bố Trạch, cho biết: NHCSXH ra đời và hoạt động có hiệu quả trong 15 năm qua thể hiện chủ trương đúng đắn của Đảng và Chính phủ. Trong quá trình hoạt động, Chính phủ, các ban, ngành cũng như NHCSXH luôn có những điều chỉnh cơ chế chính sách phù hợp nhằm tạo thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Có thể nói, hoạt động của NHCSXH đã góp phần ổn định xã hội, đem lại niềm tin cho hộ nghèo và hộ chính sách vào chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước ta; góp phần cải thiện đời sống của người nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo tại địa phương, hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu của người dân về đời sống sinh hoạt, ổn định và phát triển kinh tế.

Đi đôi với việc cho các hộ chính sách vay đầu tư kinh tế giảm nghèo, PGD NHCSXH huyện đã tích cực hỗ trợ cho 10.970 học sinh sinh viên con hộ nghèo, cận nghèo, hộ có khó khăn về tài chính có điều kiện theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; 12.607 lượt hộ gia đình vay vốn NS và VSMTNT để xây dựng 12.580 công trình nước sạch, 12.328 công trình vệ sinh, góp phần nâng cao đời sống, sinh hoạt, sức khỏe...

Tại huyện Bố Trạch, các đối tượng chính sách dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH để mở rộng sản xuất, nâng cao đời sống kinh tế gia đình.
Tại huyện Bố Trạch, các đối tượng chính sách dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH để mở rộng sản xuất, nâng cao đời sống kinh tế gia đình.

Bên cạnh đó, với ưu điểm thời hạn cho vay dài, lãi suất cho vay thấp, không phải thế chấp, thủ tục vay khá thuận lợi, đơn giản, phương thức cho vay chủ yếu ủy thác thông qua các hội đoàn thể (chiếm 99,5%), vốn tín dụng từ NHCSXH tạo điều kiện để các đối tượng chính sách dễ dàng tiếp cận và sử dụng vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống sinh hoạt, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Các chương trình tín dụng đã góp phần tích cực củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, khẳng định vai trò, vị thế của NHCSXH trong công tác giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội. Mặt khác, hoạt động cho vay của NHCSXH đã gắn kết chặt chẽ với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư và chuyển giao ngành nghề phù hợp; nhất là với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Phát huy những thành quả đạt được trong 15 năm qua, mục tiêu PGD NHCSXH huyện Bố Trạch hướng tới là sẽ tiếp tục bảo đảm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tới 100% người nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn trên địa bàn huyện...

Hiền Phương