.

Hướng đi mới từ nuôi cá lăng chấm

Thứ Bảy, 08/07/2017, 17:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Cuối năm 2014, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học - Công nghệ và các cơ quan chức năng, gia đình anh Hoàng Văn Minh là 1 trong 4 hộ ở thôn Kinh Châu, xã Châu Hoá được hỗ trợ giống cá lăng chấm để nuôi thử nghiệm trong lồng bè. Sau một thời gian thử nghiệm, hiệu quả kinh tế mà mô hình mang lại vượt trội so với việc nuôi cá trắm lồng ở địa phương.

Cá lăng chấm rất giàu chất dinh dưỡng, thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng nên giá thành cao. Theo nhiều tài liệu, cá lăng chấm là loài cá có giá trị kinh tế cao và là đặc sản nước ngọt hàng đầu ở miền Bắc. Loài cá quý hiếm hoang dã này vốn chỉ sống ở hệ thống sông Hồng, sau đó từng bước được nhân rộng ra một số địa phương khác trong cả nước...

Anh Hoàng Văn Minh cho biết, ngày 14-8-2014, gia đình anh chính thức đưa 270 con cá lăng chấm về thả vào lồng bè ở sông Gianh để nuôi. Thời điểm đó, ngoài 4 hộ ở thôn Kinh Châu, xã Châu Hoá được chọn nuôi thử nghiệm mô hình cá lăng chấm ở lồng bè, tại xã Sơn Hoá cũng có một số hộ khác được chọn nuôi thí điểm loài cá này ở ao hồ. Trước khi thả nuôi giống cá lăng chấm, các hộ được chọn thí điểm trong thôn đều được các cơ quan chuyên môn ở tỉnh, huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật nuôi.

Người dân thôn Kinh Châu, xã Châu Hoá kỳ vọng mô hình nuôi cá lăng chấm ở lồng bè sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Người dân thôn Kinh Châu, xã Châu Hoá kỳ vọng mô hình nuôi cá lăng chấm ở lồng bè sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong quá trình nuôi thử nghiệm, cơ quan chuyên môn còn tích cực phối hợp với các gia đình theo dõi tình hình sinh trưởng và phát triển của cá. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuyên Hoá tổ chức cho các hộ nuôi cá lăng chấm ở Kinh Châu đến xã Sơn Hoá tham dự hội thảo sơ kết về hiệu quả của mô hình.

Quá trình so sánh cho thấy, sau 1 năm thả nuôi cá lăng chấm ở lồng, cá sinh trưởng và phát triển rất tốt, tỷ lệ sống khoảng 80%, trong đó trên 60% số cá đạt trọng lượng khoảng 1,4 - 2kg/con. Nhiều con đạt trọng lượng lên tới 2,4 kg.

Trong khi đó, trọng lượng cá lăng chấm nuôi ở ao hồ chỉ đạt khoảng 0,7 đến 0,9 kg/con. Với giá bán trung bình từ 130.000 đến 200.000 đồng/kg, trừ chi phí, người nuôi cũng thu lãi cao hơn nhiều lần so với việc nuôi các loại cá truyền thống ở địa phương, như: trắm, chép, mè, rô phi...

So sánh lợi ích của việc nuôi cá trắm lồng và cá lăng chấm, anh Minh cho biết, cá trắm lồng chủ yếu ăn cỏ và rong rêu. Tỷ lệ sống của cá trắm lồng từ khi thả nuôi đến khi xuất bán chỉ đạt bình quân 50%, trong khi đó, cá lăng chấm đạt tỷ lệ sống cao hơn nhiều. Nếu một gia đình nuôi khoảng 1.000 con cá trắm lồng thì phải cần tới 4 lao động thường xuyên đi vớt rong rêu, lấy thức ăn cho cá. Cũng thả nuôi chừng đó giống cá lăng chấm, người nuôi chỉ cần 1 lao động là có thể đảm nhận được hết công việc.

Tính ra thì chi phí nuôi cả hai loại cá trên cơ bản là ngang nhau. Tuy nhiên, nhờ tỷ lệ sống vượt trội, bán ra thị trường dễ, giá thành cao nên việc nuôi cá lăng chấm cho hiệu quả kinh tế vượt trội so với nuôi cá trắm lồng cũng như nhiều loại cá truyền thống khác...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi nuôi thử nghiệm cá lăng chấm ở lồng thành công, 4 hộ dân ở thôn Kinh Châu đã đề nghị chính quyền xã Châu Hoá đề xuất với cấp trên để cung cấp giống cá lăng chấm cho các hộ tiếp tục nuôi. Và trong quá trình chờ đợi, anh Hoàng Văn Minh đã lên mạng Internet tra cứu về địa điểm cung cấp con giống cá lăng chấm. Sau một thời gian tìm hiểu, anh đã liên hệ được với một đơn vị trung gian để mua được 250 con giống cá lăng chấm về thả nuôi ở lồng cá đợt 2 vào ngày 6-6-2016.

Đến nay, hầu hết số cá nói trên của gia đình đều đạt trọng lượng trên 1,4 kg. Đầu năm 2017, nhận thấy việc nuôi cá lăng chấm cho giá trị kinh tế cao, 12 hộ dân ở thôn Kinh Châu, xã Châu Hoá đã tìm gặp anh Minh đăng ký mua giống cá lăng chấm về thả nuôi. Đến cuối tháng 6-2017, anh Minh đã cung cấp giống cá lăng chấm cho 12 hộ (mỗi hộ từ 200 đến 250 con giống).

Cá lăng chấm được nuôi thành công ở lồng bè trên sông Gianh (đoạn qua xã Châu Hoá, huyện Tuyên Hoá) không chỉ mở ra một hướng làm giàu mới cho các hộ nuôi trồng thủy sản ở địa phương mà còn góp phần bảo tồn giống cá lăng chấm quý hiếm hoang dã đang dần cạn kiệt. Tuy là loài mới, thị trường chưa quen sử dụng nhưng cá lăng chấm lại có giá trị dinh dưỡng cao và mang lại nhiều lợi ích cho người nuôi, cung cấp sản phẩm chất lượng cao cho người tiêu dùng.

Thiết nghĩ, việc hỗ trợ để nhân rộng mô hình nuôi cá lăng chấm ở lồng bè tại xã Châu Hoá sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân, đa dạng hình thức nuôi, bảo tồn được giống cá quý hiếm hoang dã, đặc biệt sẽ góp phần cung cấp thực phẩm chất lượng cao, phục vụ phát triển du lịch ở tỉnh ta trong những năm tới...

Văn Minh