.

Đổi thay vùng "rốn lũ"

Thứ Bảy, 24/06/2017, 09:21 [GMT+7]

(QBĐT) - Thôn Phúc Tùng, xã Đức Hoá (huyện Tuyên Hóa) là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của trận lũ lịch sử vào tháng 10-2016. Đây được xem là một trong những “rốn lũ” của huyện miền núi Tuyên Hóa. Lũ đi qua, Phúc Tùng chỉ còn lại hoang tàn, đổ nát, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Sau gần một năm cơn lũ đi qua, bằng nỗ lực của chính quyền và người dân, Phúc Tùng đang từng bước khôi phục nhịp tăng trưởng, kinh tế ngày một đi lên, diện mạo nông thôn đã thực sự đổi khác.

Còn nhớ, sau trận lũ lịch sử năm 2016, 100% ngôi nhà ở Phúc Tùng bị ngập, 1 nhà sập hoàn toàn, 4 nhà xiêu vẹo, hoa màu bị hư hỏng nặng, đường sá bị phá nát, xói mòn, sạt lở. Tổng thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng. Công sức gây dựng của người dân đều bị lũ cuốn theo dòng nước.

Nghề trồng dâu nuôi tằm góp phần giúp nhiều hộ dân ở thôn Phúc Tùng cải thiện đời sống.
Nghề trồng dâu nuôi tằm góp phần giúp nhiều hộ dân ở thôn Phúc Tùng cải thiện đời sống.

Hôm nay, diện mạo địa phương đang thực sự đổi khác từng ngày. Những con đường bùn đất ngày nào nay đã được bê tông cứng cáp. Trên bãi bờ, ngút ngàn màu xanh của những đồi cọ, nương ngô, lạc.

Ông Nguyễn Đỗ Mười, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận thôn cho biết: “Sau lũ, chính quyền và người dân địa phương đã rất nỗ lực để vượt qua khó khăn. Tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ, chúng tôi đã động viên bà con mạnh dạn đầu tư khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển các ngành nghề thế mạnh để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Với bản tính cần cù, chịu khó của người dân cộng với hướng đi đúng, kinh tế của thôn đã được khôi phục và phát triển nhanh chóng”.

Nông nghiệp là mặt trận hàng đầu trong việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của địa phương, vì vậy bà con thôn Phúc Tùng đã nắm chắc những lợi thế sẵn có, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa.

Bên cạnh đó, chính quyền và các đoàn thể địa phương đã quan tâm đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, hỗ trợ tạo việc làm, vận động vay vốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm giúp người nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm trong thực tế sản xuất.

Nhờ vậy, cơ cấu mùa vụ trên địa bàn có sự chuyển biến rõ rệt. Nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất, như: lạc, ngô, các loại đỗ... Nhờ thực hiện tốt công tác thủy lợi, chọn giống, phòng trừ sâu bệnh, mạnh dạn áp dụng tiến bộ KHKT, nên trong vụ mùa đông-xuân của thôn, năng suất lúa đạt 56 tạ/ha, ngô đạt 48 tạ/ha, lạc 25 tạ/ha.

Nhằm thực hiện đề án chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu nông nghiệp, thôn Phúc Tùng đã chỉ đạo người dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, mạnh dạn đầu tư xây dựng, nâng cấp chuồng trại, chú trọng chất lượng con giống, mở rộng các mô hình chăn nuôi có hiệu quả. Nhờ vậy, tổng đàn gia súc của thôn hiện có 396 con, trong đó lợn 121 con, trâu 125 con, bò 150 con và tổng đàn gia cầm là 1.397 con.

Đặc biệt, những năm gần đây, nhiều hộ dân ở thôn Phúc Tùng đã biết tận dụng lợi thế sẵn có đầu tư trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập đáng kể. “Toàn thôn có 209 hộ, trong đó có đến 130 hộ nuôi tằm với hơn 6,5ha đất trồng dâu. Tính sơ sơ, thu nhập từ nghề trồng dâu nuôi tằm cao hơn nhiều so với trồng lúa.

Người dân Phúc Tùng chú trọng công tác bảo vệ môi trường.
Người dân Phúc Tùng chú trọng công tác bảo vệ môi trường.

Theo thống kê, bình quân mỗi năm tổng các hộ nuôi tằm trong thôn có khoảng 200 vòng trứng tương đương với 2.400 kén. Với giá bán mỗi vòng (12 kén) là 960.000 đồng thì tổng thu nhập từ nghề trồng dâu nuôi tằm của Phúc Tùng ước tính khoảng 190 triệu đồng/năm, góp phần đáng kể trong việc cải thiện, nâng cao mức sống cho người dân địa phương. Nhiều hộ nhờ nghề này mà có của ăn của để, chăm lo cho con cái ăn học nên người, tiêu biểu, như: anh Nguyễn Ngọc Hải, chị Nguyễn Thị Hiền, Lê Thị Lan...”.

Có thể nói nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có hiệu quả nên đời sống người dân thôn Phúc Tùng được nâng lên rõ rệt, số hộ khá, giàu ngày càng tăng, số hộ nghèo giảm xuống còn 82/209 hộ (chiếm 39,2%), thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng/người/năm. Kinh tế phát triển, Phúc Tùng có điều kiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh tốc độ xây dựng nông thôn mới. Hiện tại, thôn đã hoàn thành 12/19 tiêu chí, góp phần cùng với các thôn khác đẩy nhanh tốc độ xây dựng nông thôn mới của xã Đức Hóa.

Mặc dù phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng những kết quả mà Phúc Tùng đạt được hôm nay đã chứng minh được sự đồng lòng, chung sức của chính quyền và người dân nơi đây. Đó sẽ là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục vượt qua khó khăn, hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Đ.V