.

Sản phẩm lưu niệm và quà tặng cho khách du lịch - Kỳ 1: Để không bỏ lỡ tiềm năng

Chủ Nhật, 14/05/2017, 07:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Các sản phẩm lưu niệm, quà tặng dành cho khách du lịch chẳng những mang thông điệp về văn hóa, vùng đất và con người, mà còn là cơ hội quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương. Tuy nhiên, ở tỉnh ta, các sản phẩm này còn quá đơn điệu và thiếu...

Chưa đủ sức hấp dẫn

Chị Lê Thị Thu Thủy, một vị khách du lịch đến từ TP.Hồ Chí Minh chia sẻ, mảnh đất và con người Quảng Bình, với Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng hút lấy chị, gia đình chị từ các phương tiện truyền thông, sách báo.

Các sản phẩm lưu niệm, quà tặng dành cho khách du lịch của tỉnh ta còn đơn điệu.
Các sản phẩm lưu niệm, quà tặng dành cho khách du lịch của tỉnh ta còn đơn điệu.

Tuy nhiên, khi thực sự đặt chân đến động Phong Nha, động Thiên Đường, dù có tưởng tượng, chính chị cùng không thể hình dung được ở trên mảnh đất gió lào, cát trắng này lại sở hữu được những vẻ đẹp tráng lệ và huyền hoặc đến thế. Chuyến du lịch trong những ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5 ở đây đã làm gia đình chị hài lòng, song điều đáng tiếc và chưa trọn vẹn đó là chị không tìm thấy một món quà lưu niệm nào ưng ý cho chuyến đi này.

Chị Thủy đã đến TP.Hội An (Quảng Nam), những chiếc đèn lồng đủ màu sắc, kiểu cách đầy hấp dẫn, bởi mang trong mình hình ảnh, hồn cốt của một phố cổ. Và chị đã mua rất nhiều mà không chút phân vân, đắn đo, góp thêm chút “sắc màu” phố cổ vào “bộ sưu tập” quà lưu niệm về các chuyến du lịch của gia đình. Còn đến với Quảng Bình, quê hương của Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng, dù có tìm “đỏ mắt”, chị cũng không biết mua gì, ngoài khoai deo, món đặc sản riêng có của vùng đất này.

Nói “đỏ mắt”, theo như cách dùng từ của chị là bởi, quà lưu niệm không chỉ đơn giản là cái áo, cái mũ có in chữ Phong Nha-Quảng Bình. Nó không đủ sức hấp dẫn.Theo chị, hàng lưu niệm là thứ mà chỉ cần nhìn vào là người ta biết mình đã từng đặt chân đến mảnh đất đó.

Sự tiếc nuối đó không chỉ riêng với chị Thủy, một vị khách du lịch, mà còn là sự chờ đợi, mong mỏi của những người làm du lịch ở Quảng Bình. Chị Nguyễn Huyền Trang, một hướng dẫn viên du lịch tâm sự: “Nhiều đoàn khách du lịch đến với Quảng Bình, ngoài việc khám phá 1 số địa điểm nổi tiếng, họ còn muốn tìm đến những sản phẩm du lịch khác, đơn giản chỉ để trải nghiệm, khám phá thêm về vùng đất, con người và văn hóa nơi đây.

Thế nhưng, chính chúng tôi, những hướng dẫn viên du lịch cũng không biết đưa họ đi đâu. Khách muốn thưởng thức và mua các loại hải sản nổi tiếng tươi ngon về làm quà, thế nhưng không biết địa chỉ. Để chiều lòng du khách, chúng tôi phải tự liên hệ và dẫn họ đến một số nhà dân để tìm mua.

Ngoài ra, khách du lịch cũng rất thích các mặt hàng mỹ nghệ cao cấp và yêu cầu được đến các cơ sở sản xuất, chế tác mỹ nghệ. Nhiều lúc, chúng tôi đành phải tiếc nuối lơ đi vì không biết cơ sở nào và ở đâu. Trong khi tại các địa điểm bán hàng lưu niệm trên địa bàn tỉnh ta lại gần như vắng bóng, thay vào đó chỉ một số mặt hàng mỹ nghệ “thường thường bậc trung”.

Đơn điệu, thiếu và yếu

Đó là đánh giá của những người làm du lịch ở Quảng Bình. Thậm chí, nếu theo đúng nghĩa hàng lưu niệm, thì ngành du lịch tỉnh ta gần như không có gì. Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng hiện có 25 quầy hàng lưu niệm. Hầu hết các quầy lưu niệm này được bố trí ở vị trí trung tâm, là nơi khách du lịch “buộc” phải dừng chân, như: bến thuyền Phong Nha-Kẻ Bàng, nơi trung tâm đón khách; cửa động Phong Nha.

Tuy nhiên, dường như chỉ chừng ấy yếu tố chưa đủ để các mặt hàng, các sản phẩm được bày bán ở đây thu hút và níu bước du khách. Ngoài các tranh ảnh về Phong Nha-Kẻ Bàng, thì gần như không có sản phẩm lưu niệm nào ghi dấu hình ảnh, con người, văn hóa Quảng Bình. Hiếm hoi lắm mới có một số mặt hàng của Quảng Bình, như: các sản phẩm mây xiên của Hợp tác xã sản xuất-kinh doanh mây xiên Quảng Phương, sản phẩm kết đính hạt cườm của Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh, rượu Võ Xá, khoai deo...

Có đến đây mới thấy, khách du lịch dường như không mấy quan tâm đến các quầy hàng này, vì mặt hàng chiếm số lượng rất lớn ở đây chính là quần áo. Theo các nhân viên bán hàng, số áo quần này được nhập từ các tỉnh thành khác, còn dòng chữ Phong Nha-Kẻ Bàng thì họ tự mang đi in lấy rồi đem bán. Một sản phẩm khác bán khá chạy ở đây, đó là khoai deo. Lẽ dĩ nhiên, khoai deo là của riêng Quảng Bình rồi.

Thế nhưng, việc đóng gói, mẫu mã, nhãn mác sản phẩm lại quá sơ sài, tùy tiện. Một nhân viên ở đây cho biết, họ lấy theo cân ở một cơ sở ở TP.Đồng Hới đưa lên, rồi tự đóng gói, to nhỏ tùy theo ý thích ở khách. Nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ thì chỉ là một vuông giấy nhỏ ghi vài thông tin rất đơn giản là khoai deo Quảng Bình. Gói nhỏ 30.000 đồng, gói lớn 60.000 đồng. Cứ thế mà bán. Các nhân viên bán hàng cho hay, khách du lịch đến đây thường hỏi mua các sản phẩm lưu niệm của Quảng Bình, nhưng không có.

Lý do khiến các sản phẩm của tỉnh ta không có mặt ở đây là bởi Quảng Bình không có sản phẩm đặc trưng gì. Nếu có chăng nữa, chưa nói đến chất lượng, thì giá của các sản phẩm sản xuất ở tỉnh ta quá cao. Trong khi cùng một mặt hàng đó ở các tỉnh khác lại có giá thấp hơn rất nhiều.

Sản phẩm nón lá dành cho khách du lịch của HTX Sản xuất-Dịch vụ nón lá Mỹ Trạch là một trong số ít những sản phẩm được ưa chuộng xuất hiện tại các điểm du lịch.
Sản phẩm nón lá dành cho khách du lịch của HTX Sản xuất-Dịch vụ nón lá Mỹ Trạch là một trong số ít những sản phẩm được ưa chuộng xuất hiện tại các điểm du lịch.

Ông Lê Chiêu Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng thừa nhận: “Các mặt hàng được bày bán tại các quầy hàng ở đây na ná giống nhau, như: áo quần, một số loại sản phẩm nhập từ các nơi khác về. Trung tâm luôn khuyến khích và mong muốn có càng nhiều sản phẩm của Quảng Bình xuất hiện ở đây càng tốt, nhưng thực tế là không có. Trước đây, cũng có một số sản phẩm trong tỉnh xuất hiện khá rầm rộ, như: nón Ba Đồn, rượu Vạn Lộc, Rượu Gia Hưng,... thế nhưng, chỉ tồn tại được một thời gian, rồi không hiểu sao cũng vắng bóng”.

Theo ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch: “Hàng lưu niệm, quà tặng du lịch là yếu tố cần thiết đối với sự phát triển của du lịch. Bởi, chẳng những nó là biểu trưng về văn hóa, vùng đất và con người, mà còn là cơ hội quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương. Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận là  các mặt hàng này ở tỉnh ta còn đơn điệu, thiếu và yếu”.

Dù chỉ là yếu tố nhỏ trong tổng thể ngành du lịch, song rõ ràng, câu chuyện thiếu và yếu của các sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch, đã tác động và ảnh hưởng lớn đến chất lượng hình ảnh và các giá trị của ngành du lịch tỉnh. Chính vì vậy, việc phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm này, chẳng những góp phần xây dựng một ngành du lịch chuyên nghiệp, mà còn là động lực để biến “ngành công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như định hướng phát triển đã đề ra.

Dương Công Hợp

Kỳ 2: Bao giờ có hàng lưu niệm theo đúng nghĩa?