.

Rừng trồng, "lá chắn" cho rừng tự nhiên - Bài cuối: Tư duy mới trên những cánh rừng

Chủ Nhật, 30/04/2017, 16:49 [GMT+7]

(QBĐT) - Qua những bài viết trong các số báo trước với cùng một chủ đề: “Rừng trồng, “lá chắn” cho rừng tự nhiên”, chúng tôi đã phản ánh một thực tế xuyên suốt: nhờ rừng trồng, người dân sống gần rừng đã bớt đi phần lớn việc “phá phách” rừng tự nhiên và có nhiều nơi chấm dứt hẳn. Công tác bảo vệ rừng đã vơi đi gánh nặng và rừng ít bị xâm hại hơn... Nhưng, để rừng trồng có đẳng cấp hơn, khai thác hiệu quả tiềm năng đất rừng và người dân thực sự khá lên từ rừng trồng, vẫn cần phải có tư duy mới, mạnh mẽ hơn những gì đã có trên những cánh rừng.

Theo ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (CCKL) tỉnh, rừng trồng của tỉnh ta hiệu quả chưa cao, tiềm năng đất rừng còn lãng phí lớn. Lý giải cho nhận định của mình, ông Thái đưa ra những con số. Thứ nhất là năng suất rừng chúng ta chưa cao. Hiện tại phần lớn diện tích trồng rừng là cây keo, mỗi ha ở cơ sở thu được khoảng 60-80 tấn gỗ. Trong khi nhiều tỉnh khác con số đó là 100-120 tấn /ha. Thứ hai, đầu ra cho rừng trồng chủ yếu là gỗ dăm, thị trường lại thiếu bền vững, giá cả bấp bênh, chưa tận dụng được lao động tại chỗ vì xuất thô.

Một vấn đề khác, rừng trồng chúng ta manh mún, nhỏ lẻ; hệ lụy của nó là không kinh tế trong chăm sóc, thu hoạch, huy động vốn khó, chưa tạo thành vùng nguyên liệu hấp dẫn khách hàng...

Bài toán quy hoạch và tích tụ đất rừng

Khai thác nhựa thông ở Đồng Hới.
Khai thác nhựa thông ở Đồng Hới.

Để giải quyết những vấn đề trên cần phải làm gì? Ông Thái cho biết, chúng ta phải thực hiện một loạt vấn đề liên quan. Điều đầu tiên là phải tập trung quy hoạch lại vùng rừng trồng. Với diện tích 120 nghìn ha như hiện nay và những diện tích có thể trồng rừng khác, cần chỉ rõ vùng nào có thể trồng được cây gì, vùng nào trồng rừng nguyên liệu, vùng nào cây gỗ lớn, diện tích mỗi vùng là bao nhiêu...

Trên cơ sở quy hoạch của tỉnh, huyện, xã, các hộ gia đình cũng cần có kế hoạch phát triển phù hợp với quy hoạch chung. Có như vậy, khi người dân bắt tay vào trồng rừng hoặc chuyển loại cây rừng cũng yên tâm, đồng thời tạo được vùng nguyên liệu chuyên cây giống.

Vấn đề tích tụ đất trồng rừng hiện đang diễn ra, tuy nhiên đang ở mức khiêm tốn và tự phát. Thực tế ở các địa phương cho thấy có nhiều hộ gia đình tập trung được 50-70 ha đất trồng rừng. Đấy là những hộ gia đình năng động, có điều kiện về kinh tế... Nhìn chung, những hộ này tổ chức sản xuất rất tốt và họ giàu lên từ rừng, giàu bền vững.

Tuy nhiên, hiện nay, đất rừng phần lớn được chia  cho các hộ gia đình và  mỗi hộ chỉ vài ha. Vì vậy, nói tích tụ đất rừng để có diện tích lớn phục vụ cho sản xuất, cần phải hiểu như thế nào và phải làm gì? Chúng tôi lại đặt câu hỏi với ông Thái. Ông Thái nêu rõ:  “Nếu chỉ nói đến tập trung đất rừng cho số ít hộ gia đình hoặc doanh nghiệp là không thực tế, không phổ biến. Mà để có diện tích lớn phải là liên kết các hộ gia đình lại.

Điều đó cũng có nghĩa là phải hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) trong lĩnh vực lâm nghiệp. Tất nhiên là HTX kiểu mới...”. Và ông Thái giải thích thêm, khi có diện tích lớn thì công tác quản lý sản xuất sẽ thuận lợi hơn, phân công lao động hợp lý hơn và điều quan trọng nữa là tạo thành vùng nguyên liệu rộng lớn. Khi đó, việc huy động vốn cũng dễ dàng hơn bởi tư cách pháp nhân của HTX, tổ hợp tác sẽ “mạnh” hơn.

Rừng trồng, “lá chắn” cho rừng tự nhiên

Với tỉnh ta, việc hình thành các HTX lâm nghiệp, tổ hợp tác lâm nghiệp là cần thiết và đó là đòi hỏi của phát triển. Ông Thái đưa ra một ví dụ cụ thể, như trong một thôn có diện tích rừng thông chừng 80-90 ha, nếu diện tích trên là của 100 hộ gia đình, bình quân chưa đến 1ha/hộ và khi đó công việc của từng gia đình sẽ rất lích kích, đặc biệt việc phòng chống cháy sẽ rất khó.

Nhưng, nếu hình thành HTX chắc chắn việc phân công lao động theo từng công đoạn như chăm sóc, khai thác nhựa thông, vận chuyển và tiêu thụ nhựa... sẽ thuận lợi hơn, tiết kiệm nhân công hơn, việc triển khai bảo vệ rừng sẽ có hiệu quả hơn rất nhiều...

Trăn trở về vấn đề này, vừa qua chi cục kiểm lâm tỉnh đã có văn bản đốc thúc các địa phương sớm hình thành các HTX, tổ hợp tác nghề rừng. Nhưng tiếc rằng, đến nay vẫn chưa thấy địa phương nào có động tĩnh gì, ông Thái cho biết. Trong khi đó, Chi cục cũng đã chuẩn bị sẵn nguồn vốn hơn 300 triệu đồng, để địa phương nào có khởi động là hỗ trợ kịp thời. Ông Thái nói rõ. Đây là một bước quan trọng trong phát triển rừng bền vững, vì vậy, chúng tôi đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh sớm tổ chức xây dựng mô hình HTX lâm nghiệp trên địa bàn".

Kêu gọi đầu tư vào lâm nghiệp

Nhìn qua thì “đầu ra” cho sản phẩm rừng trồng khá bình lặng. Nghĩa là bao nhiêu gỗ rừng trồng người dân thu hoạch đều bán được cả. Nhưng đi sâu vào mới thấy có nhiều điều cần suy nghĩ.

Theo ông Thái, có mấy vấn đề: Thứ nhất là chúng ta đang bán nguyên liệu thô, nghĩa là tự cắt đi nguồn lao động đáng kể ở khâu chế biến. Thứ hai, giá cả phập phồng mà ngay những ngày đầu tháng tư vừa rồi người dân trồng rừng trong tỉnh đang phải chịu (đầu tháng giá trên một triệu/tấn đến giữa tháng tụt xuống 8 trăm nghìn/tấn). Và, cái thị trường tiêu thụ xa xôi bên kia biên giới không biết họ mua mãi hay đến lúc nào đó nổi hứng lên là không mua nữa?

Có thể nói rằng “đầu ra” cho sản phẩm rừng trồng được tỉnh ta quan tâm từ rất sớm. Một bằng chứng là năm 1998, tỉnh đã cho phép một doanh nghiệp Nhà nước là Công ty LCN Long Đại “tậu” một nhà máy chế biến nhựa thông về để tiêu thụ sản phẩm từ rừng thông. Tuy “mua lại”, nhưng đây là một nhà máy hiện đại "Made in JAPAN” chính hiệu, có công suất 3 nghìn tấn sản phẩm/năm là colophan và nhựa thông đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Nhưng đó mới chỉ là đầu ra cho một sản phẩm của rừng trồng. Những nhà máy chế biến gỗ khác nhìn chung thuộc loại “cò con”, chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ thị trường gỗ rừng trồng. Mãi đến đầu năm 2011, dự án nhà máy chế biến gỗ MDF được coi là hiện đại, có công suất lớn được khởi động. Nhưng chỉ khởi động một ý tưởng rồi sau đó thì... lịm dần và mất hút.

Phải nói rằng với diện tích rừng trồng như tỉnh ta, sự hiện diện của nhà máy MDF là cần thiết, là điểm tựa vững chắc cho rừng trồng. Vì vậy, theo ông Thái: "Với tỉnh ta hiện nay, thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy hiện đại, công suất lớn chế biến gỗ rừng trồng là vấn đề “nóng” cần phải đẩy mạnh. Vì nó đụng chạm thiết thực đến một bộ phận rất lớn nông dân nghèo tại những vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa”.

Những ngôi nhà “mọc” lên giữa rừng trồng ở Bố Trạch.
Những ngôi nhà “mọc” lên giữa rừng trồng ở Bố Trạch.

Điều dễ hiểu là các nhà máy sẽ tác động lại vùng nguyên liệu, thúc đẩy quá trình hình thành vùng nguyên liệu có quy mô lớn. Và chỉ có doanh nghiệp mới đủ năng lực tìm kiếm, mở rộng thị trường sang các vùng khó tính, như: châu Âu, các nước phát triển. Điều mà người nông dân không thể làm được.

Có lẽ, cũng dễ hình dung ra cái “chuỗi” trong sản xuất lâm nghiệp cần phải thiết lập mà trong buổi trao đổi với chúng tôi về rừng trồng ông Thái đã đề cập đến. Từ công tác quy hoạch đến giống cây trồng, rồi đến tích tụ đất rừng bằng cách hình thành các HTX, tổ hợp tác về lâm nghiệp, vai trò của doanh nghiệp trong khâu chế biến và cuối cùng là thị trường tiêu thụ.

Đó là xu thế tất yếu, đòi hỏi bức thiết của phát triển. Mà mục đích không gì khác là nâng cao hiệu quả trong sản xuất lâm nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. Mỗi “điểm đến” đều có những điều phải trăn trở để tìm ra phương án tối ưu. Có những “điểm đến” cần sự nỗ lực của người dân, nhưng cũng có nhiều “điểm đến” quyết định là ở chính quyền, cơ quan chức năng, là doanh nghiệp.

Rừng trồng sẽ là “lá chắn” vững chắc để rừng tự nhiên khỏi bị xâm hại như quá khứ nó từng chịu đựng. Không những thế, người dân trồng rừng chỉ thực sự giàu lên khi rừng trồng có những chuyển biến cả về lượng và chất.

Văn Hoàng-Nguyễn Tâm