.

Rừng trồng, "lá chắn" cho rừng tự nhiên - Bài 1: Thăng trầm cửa rừng

Thứ Hai, 24/04/2017, 08:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Đóng cửa rừng tự nhiên là yêu cầu bức thiết của cuộc sống. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ra lệnh đóng cửa rừng và các địa phương, các ngành đang triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ thị này. Thực tế lâu nay ở nhiều địa phương cho thấy, có một bộ phận dân cư khá lớn đang sống nhờ rừng với nhiều hình thái khác nhau… Bởi vậy, để đóng cửa rừng có hiệu quả cần giải bài toán với người dân sống gần rừng.

Theo báo cáo của Chi cục kiểm lâm tỉnh, đến cuối năm 2016, Quảng Bình có 647 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó diện tích có rừng là 539 nghìn ha... Điều quan trọng là chất lượng rừng đã giảm sút bởi sự “tỉa thưa” có chọn lọc của... lâm tặc. Cuộc chiến bảo vệ rừng hiện tại và cả trong tương lai vẫn đang khá gian nan...

 Lực lượng chức năng tuần tra bảo vệ rừng ở Bố Trạch.
Lực lượng chức năng tuần tra bảo vệ rừng ở Bố Trạch.

Tỉnh ta có rừng, có biển, có đồng bằng... Có thể nói, thiên nhiên ưu ái cho tỉnh một điều kiện tự nhiên phong phú để phát triển. Đặc biệt rừng có diện tích khá lớn, phân bố  khắp các huyện, thị xã trong tỉnh. Nhưng, trong những năm chiến tranh, rừng đã bị tàn phá nặng nề. Một phần vì bom đạn, phần nữa do mưu sinh và một phần do kém hiểu biết, coi rừng là vô tận nên khái niệm quản lý, bảo vệ rừng chưa được hình thành, hoặc chỉ chiếu lệ.

Những năm  sáu mươi của thế kỷ trước, dù còn rất bé, nhưng tôi cũng đã nhớ như in những trận cháy rừng vì thời tiết và cả những trận đốt cháy rừng để lấy củi xảy ra triền miên. Còn khai thác gỗ thì... tự do, tùy sức. Quê tôi ( có lẽ cả tỉnh) làng nào mà chẳng có một đội sơn tràng chuyên đi khai thác gỗ. Những bè gỗ dài dằng dặc xuôi dòng Kiến Giang in đậm trong ký ức... Rồi chiến tranh, những trận bom rải thảm làm tan nát cả những cánh rừng trước đó còn xanh ngút ngát...

Cả một thập kỷ, bom đạn quân xâm lược trút xuống Quảng Bình trùng trùng, lớp lớp. Trong đó, bom đạn vãi xuống những cánh rừng chiếm tỷ lệ áp đảo bởi “rừng che bộ đội...”, kho tàng cũng ở trong rừng, rồi những tuyến đường chiến lược tiếp sức cho chiến trường hầu hết đều đi qua những cánh rừng trên vùng đất Quảng Bình. Hiển nhiên, đấy là mục tiêu số 1 của máy bay, tàu chiến Mỹ... Có những lúc máy bay hủy diệt cả cánh rừng vì nghi có bộ đội đóng quân hoặc kho tàng trong đó là chuyện thường.

Rừng bị tàn phá đến mức chúng tôi cảm nhận được rừng đang lùi về phía tây qua mỗi mùa hái củi, bước đi phải xa hơn qua cả một vạt đồi...

Ngay sau chiến tranh, công tác bảo vệ rừng đã được đặt ra, nhưng những thực tế nghiệt ngã đã làm cho hiệu quả bảo vệ rừng trong giai đoạn “hậu chiến” gần như bằng không. Đấy là thói quen coi rừng là vô tận, nó được khai thác triệt để nhằm giải quyết những khó khăn trước mắt. Một bộ phận khá lớn dân cư trong tỉnh đang sống nhờ vào rừng. Thói quen và cũng là cách phổ biến nhất của “toàn dân” lúc bấy giờ là dùng gỗ rừng làm chất đốt đã góp phần hủy hoại rừng... Chỉ chừng ấy lý do cũng đủ để rừng tiếp tục bị tàn phá dữ dội và thu hẹp nhanh chóng.

Tại xã Thái Thủy, theo ông Trần Đức Phong, Chủ tịch UBND xã, trước năm 2000, phần lớn người dân địa phương sống nhờ vào rừng với đủ thứ việc từ kiếm củi đun, củi bán đến gỗ làm nhà, gỗ để bán và thậm chí phá rừng thuê cho các “đầu nậu”... Nguyên nhân cơ bản của tình hình trên là do đời sống quá khó khăn, thiếu việc làm tại địa phương... Có lẽ, Thái Thủy cũng là điển hình cho các địa phương gần rừng trong giai đoạn này.

Khi cuộc sống khi được nhích lên chút ít, việc phá rừng cũng bắt đầu thay đổi về “chất”. Có nhiều tổ chức, cá nhân chuyên khai thác rừng trái phép để kiếm lợi. Sau chia tỉnh (1989), nhu cầu xây dựng trong tỉnh tăng đột biến, trong đó, nhu cầu về gỗ xây dựng cũng đã tạo ra một “cầu” khổng lồ.

Những năm đầu 90, khi đang dạy học ở thị trấn Nông trường Lệ Ninh, tôi đã mua khá nhiều gỗ lim, gõ ở đây để chuẩn bị cho việc xây nhà ở Đồng Hới. Giá những thứ gỗ quý hiếm này khá rẻ và rất nhiều mối hỏi bán, cần là có ngay. Gỗ lim, gõ chất đầy trong nhà những người đi khai thác. Việc mua bán, vận chuyển hoàn toàn công khai.

Riêng tôi, gỗ được xẻ thành xà gồ đưa ra tàu chợ về ga Thuận Lý (ga Đồng Hới bây giờ)... Chỉ vài năm sau trở lại vùng đất này thì mọi chuyện đã khác, gỗ lim, gõ không còn nhiều như lúc trước, mà như các đầu nậu cho biết, để tìm được những loại gỗ này phải đi xa lắm. Câu chuyện của những người đi gỗ ở đây cũng đã thể hiện rõ nét: rừng đang “nghèo” đi trông thấy!

Có lẽ, đến những năm cuối thế kỷ 20 trở đi, cuộc chiến chống lâm tặc mới thực sự quyết liệt. Giai đoạn đầu có thể nói rằng cuộc chiến giữa lực lượng chức năng và các tổ chức, cá nhân phá rừng ở vào thế giằng co. Nói cách khác, rừng vẫn bị xâm hại nghiêm trọng, mà đó là rừng có chất lượng cao. Những con số thống kê số vụ vi phạm lâm luật hàng năm đã phản ánh khá rõ điều đó.

Rừng nguyên sinh ở tỉnh ta.
Rừng nguyên sinh ở tỉnh ta.

Chẳng hạn, năm 2001, huyện Tuyên Hóa đã bắt và xử lý  260 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu 508 m3 gỗ các loại, trong đó có 147,4 m3 gỗ quý hiếm... Những vụ án phá rừng nổi cộm được phanh phui. Trong đó, nổi bật là vụ phá rừng Tuyên Hóa. Cuộc chiến chống lâm tặc cũng đã làm “bay” hơn chục cán bộ kiểm lâm, trong đó có cả chức sắc kiểm lâm cấp tỉnh.

Trong những năm qua, công tác bảo vệ rừng được xiết chặt hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, theo báo cáo Quy hoạch rừng giai đoạn 2008-2020 của UBND tỉnh thì: “Diện tích rừng tuy tăng ( chủ yếu là rừng trồng) nhưng chất lượng rừng vẫn tiếp tục giảm sút, nhất là rừng tự nhiên. Nạn khai thác, vận chuyển, buôn bán và chế biến gỗ rừng tự nhiên trái phép vẫn ở trong tình trạng khó kiểm soát...”.  Và theo báo cáo của Chi Cục Kiểm lâm tỉnh, năm 2015 số vụ vi phạm quy định của nhà nước về bảo vệ rừng là 1408 vụ, năm 2016 là 1.138 vụ...

Để bảo vệ rừng hiệu quả và bền vững cần phải làm gì? Ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng, có nhiều vấn đề được đặt ra tập trung vào 3 nhóm sau đây. Thứ nhất là giải quyết khó khăn cho bộ phận dân cư sống gần rừng mà biện pháp mạnh nhất, hiệu quả nhất là đẩy mạnh trồng rừng để người dân sống được với rừng trồng.

Thứ hai, phải đổi mới hoạt động của lực lượng kiểm lâm theo hướng phải vào tận rừng để bảo vệ rừng tận gốc đi đôi với tăng dày kiểm tra, kiểm soát. Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ rừng.

Trong ba nhóm vấn đề trên, theo ông Thái vấn đề cốt lõi nhất và cần được sự quan tâm lớn của xã hội là tổ chức lại sản xuất trên đất lâm nghiệp, nâng cao chất lượng rừng trồng để người dân gần rừng sống tốt từ rừng trồng.

Văn Hoàng-Nguyễn Tâm

Bài 2: Sự tăng trưởng ngoạn mục