.

Lệ Thủy: Chú trọng phát triển kinh tế vùng cát

Thứ Sáu, 28/04/2017, 14:35 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong những năm qua, huyện Lệ Thủy đã có chủ trương và triển khai nhiều biện pháp, tập trung cải tạo, khai thác lợi thế vùng cát để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Thực tế cho thấy, với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, người dân không ngại khó, ngại khổ, có ý chí quyết tâm cao đã tạo ra được nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi trên vùng cát mang lại giá trị thu nhập lớn.

Xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy có tổng diện tích đất cát rất lớn, chiếm trên 60%, do khí hậu khắc nghiệt, đất đai nghèo chất dinh dưỡng nên trước đây phần lớn bỏ hoang. Trước thực trạng đó, xã đã sớm có chủ trương và các giải pháp phù hợp để khai thác vùng cát, biến những vùng đất khô cằn trở thành lợi thế để phát triển sản xuất, chăn nuôi.

Cùng với việc tranh thủ các nguồn vốn từ các chương trình, dự án và sự hỗ trợ của huyện, xã đã ưu tiên xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông, thủy lợi. Bên cạnh đó, xã cũng đã có chính sách hỗ trợ và khuyến khích các hợp tác xã, người dân lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp, xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi mang lại giá trị kinh tế cao. Theo đó, đến nay, toàn xã có 187ha cho thu nhập trên 70 triệu đồng/ha/năm.

Cũng như ở Hưng Thủy, trong những năm qua, các xã vùng cát đều được huyện Lệ Thủy đầu tư nguồn vốn xây dựng các công trình phục vụ cho phát triển kinh tế, đặc biệt quy hoạch, thành lập các làng kinh tế mới, khai hoang, cấp đất, hỗ trợ tiền làm nhà ở, giống cây trồng, vật nuôi, tạo điều kiện cho hàng chục hộ gia đình giãn dân lập nghiệp lâu dài. Đồng thời, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng về cùng với các xã sớm hoàn thành công tác quy hoạch, mở các lớp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn cho người dân quy trình trồng, chăm sóc các loại cây trồng cũng như nâng cao số lượng và chất lượng đàn gia súc, gia cầm.

Cho đến nay, ở vùng cát Lệ Thủy, người dân đã mở rộng diện tích các loại cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày, như: dưa hấu, ngô, khoai lang, hành, ớt, mướp đắng và rau đậu các loại, bình quân thu nhập mỗi ha từ 50 - 60 triệu đồng/năm, có nơi gần 100 triệu đồng. Cùng với đó, phong trào đào ao thả cá, tận dụng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, đào hồ nuôi tôm, xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển mạnh, thu hút hàng ngàn gia đình, nhóm hộ tham gia, đem lại nguồn thu nhập cao.

Tuy đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng hiện tại, diện tích đất cát hoang hóa vẫn còn lớn. Do đó, năm 2017 và những năm tới, ngoài việc tiếp tục tìm các biện pháp cải tạo, phát triển kinh tế nông lâm kết hợp chăn nuôi, huyện có chủ trương thu hút đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp đến tìm hiểu, triển khai các dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch để tạo ra giá trị kinh tế lớn và thu hút, giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân trong vùng.

Vân Anh
 (Đài TT-TH Lệ Thủy)