.

Quảng Ninh: Nỗ lực giảm nghèo bền vững

Thứ Năm, 23/03/2017, 16:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2015-2020, đưa địa phương phát triển nhanh và bền vững, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Ninh đã xây dựng Chương trình hành động về giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm giai đoạn 2016-2020; trong đó, huyện xác định giúp người nghèo tăng thu nhập và tiếp cận đầy đủ hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo là nhiệm vụ trọng tâm.

Trong những năm qua, công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Quảng Ninh quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong 5 năm (2011-2015), tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm bình quân 3,8%/năm; trung bình mỗi năm giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động.

Chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai thực hiện hiệu quả đã có tác động tích cực, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi; việc làm cho người lao động cơ bản được ổn định; đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện.

Tuy nhiên, theo đồng chí Phan Mạnh Hùng, Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh, dù đã có nhiều nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhưng kết quả giảm nghèo của huyện chưa thực sự bền vững, đời sống người nghèo nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là ở xã miền núi và xã bãi ngang ven biển; nguy cơ tái nghèo còn cao, nhất là khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra và vẫn còn một bộ phận người nghèo có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa tích cực, chủ động vươn lên thoát nghèo; sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền một số cơ sở chưa thực sự quyết liệt; công tác giải quyết việc làm vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ lao động có việc làm mới vẫn còn thấp...

Nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả là một trong những giải pháp giảm nghèo bền vững của huyện Quảng Ninh.
Nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả là một trong những giải pháp giảm nghèo bền vững của huyện Quảng Ninh.

Do đó, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, góp phần đưa huyện Quảng Ninh phát triển toàn diện và bền vững, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng chương trình hành động về giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của huyện bình quân mỗi năm 2,0%, riêng các xã nghèo bình quân giảm trên 4%/năm. Đến năm 2020, duy trì tỷ lệ hộ nghèo của huyện thấp hơn tỷ lệ bình quân chung của tỉnh và dưới 5%.

Hàng năm, Quảng Ninh nỗ lực giải quyết việc làm cho trên 3.200 lao động; trong đó, tạo việc làm mới trên 1.800 lao động, xuất khẩu lao động trên 300 người; giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống dưới 2,4%, khu vực nông thôn dưới 1,7% và nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn lên trên 85% vào năm 2020. Đến năm 2020, toàn huyện phấn đấu có 65% lao động qua đào tạo; trong đó, đào tạo nghề đạt 55%, lao động có tay nghề cao đạt 15%.

Đồng chí Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh cho biết, để Chương trình hành động về giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm của huyện đi vào cuộc sống, Ban Thường vụ Huyện ủy đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, cụ thể, chỉ đạo quyết liệt các cấp ủy đảng, ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội và các địa phương thực hiện.

Trước hết, các cấp ủy đảng, ban, ngành, Mặt trận, tổ chức đoàn thể ở địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm đến các cấp, các ngành, nhân dân, đặc biệt là người nghèo, nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên; vận động nhân dân cùng góp sức thực hiện công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm.

Trong triển khai chương trình hành động, các địa phương chú trọng lồng ghép việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo nói chung và các chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, với chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án phát triển kinh tế- xã hội góp phần đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo bền vững.

Huyện sẽ ưu tiên hỗ trợ đầu tư nguồn lực cho các vùng khó khăn, nhất là 2 xã miền núi, xã bãi ngang ven biển bị ảnh hưởng trực tiếp do sự cố môi trường biển; tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách phát triển sản xuất, đất sản xuất, chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chính sách đào tạo nghề và chuyển đổi nghề nghiệp nhằm tạo thu nhập ổn định, bền vững cho hộ nghèo, người nghèo.

Đồng thời, Quảng Ninh khuyến khích, thu hút, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư, đặc biệt là tại các vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp do sự cố môi trường biển; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, trang trại thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù theo quy định nhằm tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo; thực hiện có hiệu quả chính sách liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân để người dân yên tâm sản xuất; tập trung các giải pháp để cùng với tỉnh và các nhà đầu tư triển khai nhanh có hiệu quả các dự án về du lịch, dịch vụ, may công nghiệp, sản xuất vật liệu, chế biến... nhằm góp phần giải quyết việc làm ổn định cho người dân.

Cùng với đó, huyện chú trọng chỉ đạo các ban, ngành chức năng nâng cao chất lượng, số lượng đào tạo nghề, tập trung đào tạo các nghề gắn với định hướng phát triển dịch vụ, du lịch, các ngành nghề truyền thống và ưu tiên dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động tại vùng bị ảnh hưởng trực tiếp do sự cố môi trường biển trên địa bàn, chú trọng các nghề mới và gắn với chương trình xuất khẩu lao động; gắn đào tạo nghề với việc dự báo, xác định được nhu cầu việc làm, thị trường lao động sau đào tạo.

Ngoài ra, huyện cũng thực hiện đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả các cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo, như: bảo hiểm y tế, giáo dục-đào tạo, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin, trợ giúp pháp lý...

“Với các chính sách hỗ trợ đắc lực của Trung ương, của tỉnh, các giải pháp triển khai có hiệu quả của các cấp, các ngành địa phương, cùng với sự nỗ lực vươn lên của người dân, Chương trình hành động về giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm giai đoạn 2016-2020 của Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Ninh sẽ sớm được hiện thực hóa.

Từ đó, giúp người nghèo không những tăng thu nhập mà còn tiếp cận đầy đủ hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo, góp phần đưa Quảng Ninh phát triển nhanh và bền vững.”- đồng chí Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh khẳng định.

Hương Trà