.

Mô hình tổ tiết kiệm vay vốn ở bản Khe Ngang: Giúp phụ nữ Vân Kiều phát triển kinh tế

Thứ Năm, 23/03/2017, 16:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhằm giúp phụ nữ dân tộc Vân Kiều ở bản Khe Ngang, xã Trường Xuân (Quảng Ninh) biết tiết kiệm và có nguồn vốn phát triển kinh tế, một mô hình tổ tiết kiệm vay vốn thôn bản đã được thành lập. Sau một thời gian hoạt động, mô hình đã giúp nhiều gia đình thoát được nghèo và vươn lên phát triển kinh tế.

Nói về quá trình thành lập của mô hình tổ tiết kiệm vay vốn thôn bản ở Khe Ngang mà mình đang làm tổ trưởng, chị Nguyễn Thị Quyên cho biết: mô hình này được thành lập từ năm 2013 do Dự án Plan tài trợ, với mục đích giúp chị em phụ nữ Vân Kiều ở bản Khe Ngang biết cách tiết kiệm, chi tiêu hợp lý trong gia đình, từ đó có nguồn vốn để phát triển kinh tế. Bản Khe Ngang có 80% là đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống, hộ nghèo và cận nghèo trước đây chiếm tỷ lệ khá cao.

Khi được giao làm tổ trưởng của mô hình, chị lo lắng và nghĩ việc này chắc không thể thực hiện được, bởi đồng bào Vân Kiều ở đây miếng ăn còn chưa đủ no thì lấy đâu ra mà tiết kiệm. Thế nhưng, với sự động viên của chị em phụ nữ trong xã và được tham dự các  buổi tập huấn về mô hình của Dự án Plan, chị cũng mạnh dạn thử sức.

Để tạo sự tin cậy với bà con, ban đầu, chị đã vận động những người có ảnh hưởng và uy tín cao trong bản tham gia vào mô hình như: trưởng bản, công an viên, đảng viên, những người làm kinh tế giỏi... Được sự hỗ trợ của các thành viên này, chị đã cùng mọi người đến từng nhà, vận động chị em tham gia vào mô hình tổ tiết kiệm vay vốn thôn bản.

Nhờ mô hình tổ tiết kiệm vay vốn thôn bản, phụ nữ Vân Kiều ở bản Khe Ngang, Trường Xuân đã biết cách tiết kiệm và chi tiêu hợp lý hơn.
Nhờ mô hình tổ tiết kiệm vay vốn thôn bản, phụ nữ Vân Kiều ở bản Khe Ngang, Trường Xuân đã biết cách tiết kiệm và chi tiêu hợp lý hơn.

Chị em và các thành viên trong gia đình của họ biết cách tiết kiệm, chi tiêu hợp lý để có tiền bỏ vào két sắt của nhóm. Nếu trước đây, chị em đi chợ mua 1kg cá thì bây giờ mua lại nửa cân mà bổ sung thêm rau, hay vận động chồng bớt uống rượu, hút thuốc để dành tiền tiết kiệm sau này mua sắm các đồ dùng trong nhà. Chị cũng cho biết thêm, việc đi vận động đồng bào Vân Kiều tham gia vào mô hình tổ tiết kiệm vay vốn thôn bản gặp rất nhiều khó khăn, bởi nhận thức của đồng bào còn hạn chế. Với họ, quan niệm tích lũy phòng khi ốm đau hay để phát triển kinh tế là không có, nên làm được đồng nào là tiêu đồng đó.

Chính vì vậy, nhiều gia đình nghe nói về mô hình thì tỏ ra thờ ơ và cười nói: “Tiền của miềng thì miềng bỏ túi cho êm, lúc mô cần thì đem ra tiêu chứ đi bỏ tiết kiệm chi cho mệt”. Tuy nhiên,  nhờ sự kiên trì và khả năng thuyết phục, thời gian đầu, chị Quyên cũng đã vận động thành lập được 3 nhóm tiết kiệm vay vốn thôn bản tại bản Khe Ngang, với 45 thành viên, trong đó có 25% là nam giới.

Hình thức hoạt động của mô hình là hàng tháng, mỗi thành viên tiết kiệm đóng góp vào két sắt của nhóm 50.000 đồng, mỗi lần đóng tương đương bằng một con dấu. Tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình mà số lượng con dấu nhiều, ít khác nhau ở từng tháng. Số tiền tiết kiệm này sau đó sẽ được quay vòng cho các chị em có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế. Định kỳ 1 năm, mô hình lại tổng kết và chia tiền cho các thành viên trong nhóm. 

Chị Quyên cho biết: Ngoài việc đi tuyên truyền, vận động chị em tiết kiệm, biết chi tiêu hợp lý trong gia đình, chị và các thành viên chủ chốt của nhóm còn giới thiệu, tuyên truyền cho chị em trong bản những mô hình hay, những cách làm ăn phát triển kinh tế hiệu quả. Nhờ vậy, nhiều chị em trong bản đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư kinh doanh hay phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Nhiều chị, từ  hộ nghèo hay hộ cận nghèo phải lo ăn từng bữa đã thoát nghèo và mua sắm được tivi, xe máy, tủ lạnh...

Đến thăm gia đình chị Hồ Thị Quý, chị tâm sự: Trước đây gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Được các chị em trong bản tư vấn, chị đã vay 3 triệu đồng, với lãi suất 1% từ mô hình tổ tiết kiệm vay vốn thôn bản. Với số vốn vay này, chị đầu tư mua lợn giống để phát triển chăn nuôi. Trung bình mỗi năm, gia đình chị nuôi và xuất bán 14-15 con lợn.

Nhờ vậy, kinh tế gia đình chị đã khấm khá hơn trước nhiều. Ngoài ra, hàng tháng chị cũng là một trong những thành viên tích cực tham gia đóng tiền tiết kiệm vào mô hình tổ tiết kiệm vay vốn thôn bản và vận động chồng mình cùng tham gia. Không chỉ riêng gia đình chị Hồ Thị Quý, nhiều chị em phụ nữ dân tộc Vân Kiều sau khi thoát được nghèo nhờ vốn vay thôn bản cũng đã tích cực tham gia vào mô hình.

Chị Nguyễn Thị Quyên vui mừng cho hay: Sau một thời gian hoạt động, thấy mô hình có hiệu quả và uy tín, rất đông chị em đã đến xin đăng ký được tham gia vào nhóm mà không cần chị phải đi vận động từng nhà như trước đây nữa. Nhiều gia đình, có đến 3- 4 thành viên cùng tham gia, tức ngoài vợ chồng thì họ vận động thêm cả con cái. Tính đến thời điểm hiện tại, mô hình tổ tiết kiệm vay vốn thôn bản ở bản Khe Ngang đã có 6 nhóm với 70 thành viên.

Đặc biệt, bây giờ phụ nữ ở Khe Ngang đã biết tiết kiệm, biết chi tiêu và biết làm ăn kinh tế hơn trước. Không những tuyên truyền, vận động chị em dân tộc Vân Kiều ở bản Khe Ngang tham gia vào mô hình, chị Nguyễn Thị Quyên còn giúp đỡ các thôn bản khác của xã Trường Xuân cùng phát triển mô hình này như bản Khe Dây, thôn Rào Trù, Kim Sen, Rào Đá.   

Có thể nói, sau một thời gian ra đời, mô hình tổ tiết kiệm vay vốn thôn bản đã tạo ra một phong trào thi đua sôi nổi về cách tiết kiệm, phát triển kinh tế cho chị em phụ nữ ở bản Khe Ngang và các thôn bản lân cận. Nhờ tham gia vào mô hình, nhiều chị em đã vươn lên thoát nghèo bền vững, đời sống của họ vì thế đang từng ngày khởi sắc.

Đ.Nguyệt