.

Để du lịch Bố Trạch phát triển tương xứng với tiềm năng

Thứ Hai, 13/02/2017, 08:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Bất kì ai đã từng đặt chân đến Bố Trạch cũng đều có chung một cảm nhận rằng: đây là vùng đất có nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng với nhiều danh thắng đặc trưng và những di tích lịch sử văn hóa giá trị. Cũng chính vì lẽ đó, thời gian qua, bằng những giải pháp đồng bộ, thiết thực và mang tầm chiến lược lâu dài, huyện Bố Trạch đang từng bước phát huy tiềm năng và lợi thế, đưa địa phương trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của tỉnh.

Phong phú tài nguyên du lịch

Bố Trạch là nơi hội tụ nhiều danh lam thắng cảnh đẹp như: Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, bãi tắm Đá Nhảy, hồ Bồng Lai, suối Nước Moọc, thung lũng Sinh Tồn, giếng Voọc cùng những di tích lịch sử nổi tiếng như bến phà Xuân Sơn, đường 20 Quyết Thắng với hang Tám TNXP và Cua chữ A... Đây chính là điều kiện thuận lợi để Bố Trạch hình thành và phát triển đa dạng các loại hình du lịch như du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm...

Du lịch trên địa bàn Bố Trạch ngày càng phát triển và đổi mới với đa dạng các loại hình du lịch.
Du lịch trên địa bàn Bố Trạch ngày càng phát triển và đổi mới với đa dạng các loại hình du lịch.

Nhằm từng bước phát huy tiềm năng và lợi thế, phấn đấu đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, nhiều năm qua, huyện Bố Trạch đã tranh thủ sự quan tâm hỗ trợ của các dự án, doanh nghiệp, đẩy mạnh đầu tư vào các địa điểm du lịch trên địa bàn. Nhờ đó, du lịch Bố Trạch ngày càng phát triển và đổi mới với đa dạng các loại hình du lịch, từ tham quan, đi thuyền vào hang, tắm suối đến đu dây mạo hiểm, chơi các trò chơi trên nước, khám phá Sơn Đoòng hùng vĩ, lưu trú qua đêm bằng hình thức du lịch cộng đồng (homestay)...

Cùng với đó, tài nguyên du lịch ở huyện từng bước được khai thác hiệu quả, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật được xây dựng, nâng cấp; nhiều lễ hội truyền thống được khôi phục gìn giữ; các di tích lịch sử cách mạng như làng chiến đấu Cự Nẫm, thành Cao Lao Hạ, đường 20 Quyết Thắng... được tôn tạo góp phần đưa lượng du khách nội địa và quốc tế đến với các khu du lịch trên địa bàn huyện Bố Trạch ngày càng tăng.

Trong 5 năm (từ 2011-2015), tổng lượng khách đến địa bàn huyện Bố Trạch đạt 2,3 triệu lượt với doanh thu hơn 270 tỷ đồng. Chỉ tính riêng năm 2016, doanh thu từ du lịch đạt 95,5 tỷ đồng (tăng 12,7% so với cùng kỳ). Đến nay, toàn huyện có hơn 58 cơ sở lưu trú với 384 phòng; hệ thống nhà hàng cơ bản bảo đảm phục vụ du khách; các sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng; các dịch vụ hỗ trợ du lịch như giao thông vận tải, hệ thống chợ, các điểm vui chơi giải trí, dịch vụ mua sắm cũng được quan tâm đầu tư nhằm đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của du khách.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan đã đạt được, du lịch Bố Trạch vẫn còn nhiều điểm hạn chế. Đó là, chất lượng hoạt động du lịch chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của huyện; nguồn nhân lực đầu tư cho du lịch chưa đồng đều; hoạt động du lịch còn mang nặng tính thời vụ; các sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn, lôi cuốn và thu hút du khách lưu trú dài ngày, nhất là khách quốc tế...

Để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn

Nhằm phát triển du lịch phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương với lượng khách du lịch tăng từ 25-30%/năm; phấn đấu đến năm 2020 đón được hơn 1,8 triệu lượt khách, thu nhập từ du lịch đạt hơn 1.850 tỷ đồng... huyện Bố Trạch đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực và mang tầm chiến lược lâu dài.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Ninh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin, huyện Bố Trạch cho biết: Trên cơ sở nắm bắt tiềm năng và lợi thế của địa phương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã khẳng định “phát triển dịch vụ là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, trong đó phát triển du lịch là hướng đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong thời kỳ mới”. Nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, Ban Thường vụ Huyện ủy Bố Trạch ban hành Chương trình hành động về phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, huyện Bố Trạch sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng; kịp thời triển khai các văn bản chỉ đạo điều hành, tích cực kiểm tra đôn đốc việc chấp hành quy định trong thực hiện nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch, trong đó chú trọng việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện.

Trong thời gian tới, huyện chú trọng nâng cấp cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đầu tư vào các làng nghề, địa phương có tiềm năng, đặc biệt chú trọng vào các điểm, các làng, bản nằm trên tour, tuyến du lịch chính của huyện để hình thành các khu, tuyến du lịch cộng đồng.

 Nhiều lễ hội truyền thống được khôi phục và gìn giữ.
Nhiều lễ hội truyền thống được khôi phục và gìn giữ.

Bên cạnh đó, huyện tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ từ các nguồn lực của Trung ương và từ các chương trình hỗ trợ phát triển du lịch, nhằm nâng cấp các tuyến đường giao thông quan trọng, các hệ thống biển chỉ dẫn, mạng lưới điện, vệ sinh môi trường, dịch vụ phục vụ du lịch; kiến nghị Chính phủ nâng cấp cửa khẩu Cà Roòng thành cửa khẩu chính, cho phép người, phương tiện xuất nhập cảnh để thu hút các du khách từ Lào, Thái Lan đến với Bố Trạch.

Đặc biệt, huyện chủ trương đa dạng hóa các sản phẩm du lịch trên cơ sở tiếp tục phát huy thế mạnh du lịch ở Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, bao gồm du lịch cảnh quan (tham quan động Phong Nha, động Tiên Sơn, động Thiên Đường, Hang Én...); du lịch sinh thái gắn với hoạt động bảo tồn (suối nước Moọc, Sông Chày - Hang Tối, Thung Lũng Sinh Tồn, Thác Gió,...); du lịch văn hóa - lịch sử (thăm hệ thống di tích đường 20 Quyết Thắng, các lễ hội của các bản làng dân tộc...); du lịch thể thao, mạo hiểm...

Đồng thời, đẩy mạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, các điểm kinh doanh phục vụ khách du lịch, hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng, các khu chợ đặc sản, khu ẩm thực biển tại các bãi biển như Đá Nhảy, Đức Trạch, Lý Hòa... Khôi phục và phát triển các lễ hội truyền thống. Khuyến khích nhân dân phát triển các sản phẩm làng nghề nông thôn nhằm lưu giữ các giá trị truyền thống và phục vụ du lịch.

Kèm theo đó, huyện sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo, tuyển dụng và tập huấn nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành; trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần thái độ phục vụ của đội ngũ làm du lịch; xây dựng văn hóa du lịch, môi trường kinh doanh lành mạnh để Bố Trạch thực sự là điểm đến an toàn, thân thiện cho du khách trong và ngoài nước.

Thanh Hải