.

Các công trình dân sinh bị bỏ hoang: Lãng phí vì đâu? - Kỳ 1: Công trình nước sạch tiền tỷ... "đắp chiếu"

Thứ Hai, 05/12/2016, 09:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Vì nhiều lý do khác nhau, một số công trình nước sạch được đầu tư, xây dựng để cấp nước sạch, hợp vệ sinh cho người dân ở các vùng nông thôn phải nằm "đắp chiếu" nhiều năm liền. Điều đáng nói, các công trình này đều có giá trị đầu tư hàng tỷ đồng...

Dù đã nhiều lần báo chí phản ánh, song cho đến nay công trình nước sạch ở xã Hoa Thủy (huyện Lệ Thủy) vẫn chưa được đưa vào sử dụng và đang từng ngày đối mặt với nguy cơ xuống cấp, hư hỏng. Năm 2009, công trình được đầu tư xây dựng, với tổng kinh phí lên đến 4,4 tỷ đồng, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch, trong đó vốn đối ứng trong dân là 1,3 tỷ đồng, do UBND xã Hoa Thủy làm chủ đầu tư.

Công trình nước sạch xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch mới sử dụng được một thời gian ngắn rồi bỏ hoang.
Công trình nước sạch xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch mới sử dụng được một thời gian ngắn rồi bỏ hoang.

Mặc dù, hệ thống ống dẫn nước chính đã được đấu nối về đến các thôn xóm, thế nhưng từ khi hoàn thành cho đến nay, công trình này vẫn chưa một ngày nào hoạt động. Hiện, hệ thống hàng rào của công trình đã bị hư hỏng, hệ thống điện đã bị cắt nhằm bảo đảm an toàn.

Theo như lời ông Chủ tịch UBND xã Hoa Thủy Nguyễn Quốc Huy thì "địa phương đã cố gắng giữ gìn, bảo vệ, nên máy móc vẫn còn tốt". Thế nhưng, gần chục năm trời bị "đắp chiếu" thì khó có thể khẳng định hệ thống máy móc vẫn còn tốt và hệ thống đường ống dẫn không xuống cấp, hư hỏng?

Ông Huy cho biết, trước khi xây dựng, chính quyền địa phương đã lấy ý kiến đầy đủ và được người dân nhất trí, đồng thuận rất cao. Thời điểm công trình xây dựng ở đây thiếu nước trầm trọng nên người dân rất cần có một công trình cấp nước để sử dụng. Tuy nhiên, sau khi công trình hoàn thành thì người dân quay sang khoan giếng lấy nước sử dụng, vì chi phí cho việc lắp đặt đường ống dẫn và đồng hồ nước để dẫn nước vào nhà quá tốn kém (từ 3 đến 5 triệu đồng/hộ).

Trong khi đó, họ sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền không nhỏ từ 12 đến 15 triệu đồng để khoan giếng lấy nước. Đó là chưa kể nguồn nước giếng khoan có bảo đảm hợp vệ sinh hay không. Chính vì vậy mà suốt gần chục năm qua, công trình nước sạch có giá trị hàng tỷ đồng này như "quả bầu khô" xấu xí vẫn hiện diện giữa làng, trong khi người dân vẫn phải dùng nước giếng khoan.

Theo như lời ông Chủ tịch xã thì, chính quyền địa phương đã gần như bất lực. Bởi lẽ, "không thể ép dân, mà chỉ có tuyên truyền, vận động, rồi đưa tiêu chí sử dụng nước sạch hợp vệ sinh vào bình xét gia đình văn hóa... Năm 2018, xã sẽ cán đích hoàn thành Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động nhân dân đóng góp lắp đặt hệ thống ống dẫn nước để đưa công trình vào sử dụng", ông Huy quả quyết.

Công trình nước sạch xã Cự Nẫm (huyện Bố Trạch) được xây dựng từ năm 2001, dưới hình thức chìa khóa trao tay, với nguồn vốn 1,3 tỷ đồng. Sau khi công trình hoàn thành, do không có hệ thống ống dẫn nước về các thôn, nên UBND huyện Bố Trạch đã đầu tư lắp đặt hệ thống đường ống dẫn nước chính về đến các thôn. May mắn hơn công trình nước sạch xã Hoa Thủy, sau khi hoàn thành, công trình nước sạch xã Cự Nẫm (huyện Bố Trạch) được đưa vào sử dụng khoảng 5 đến 6 tháng, cấp nước cho một số thôn Trung Nẫm, Bắc Nẫm, Tân Nẫm. Tuy nhiên, từ đó cho đến nay, công trình này cũng lâm vào tình cảnh phải "đắp chiếu".   

Lý giải về tình trạng này, ông Phan Đình Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Cự Nẫm cho biết: "Chính vì không khảo sát nhu cầu thực tế và lấy ý kiến của người dân, nên không thể gắn trách nhiệm của họ khi sử dụng. Người dân ở đây cứ tưởng công trình của dự án đầu tư thì được sử dụng nước miễn phí, nên họ không nộp tiền. Trong khi đó, ngân sách địa phương không thể "bao cấp" kinh phí bảo dưỡng công trình và nuôi bộ máy quản lý, vận hành được. Hơn thế nữa, thực tế mà nói, người dân nơi đây chưa thực sự thiếu nước. Điều này, có thể do nhận thức của người dân về việc sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh vẫn còn hạn chế".

Ông Nguyễn Văn Được, Giám đốc Trung tâm nước sạch-vệ sinh môi trường nông thôn cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh ta chỉ có 10/108 công trình nước sạch phát huy hiệu quả. Nguyên nhân thì có rất nhiều, trong đó có nhiều công trình xây dựng từ lâu đã bị xuống cấp, hư hỏng. Một số, do người dân phải đóng góp tiền mua đường ống đấu nối để dẫn nước về nhà quá lớn, nên họ không thực hiện. Số khác do thu không đủ cho các khoản chi phí bảo dưỡng, vận hành và quản lý nên sau một thời gian hoạt động, công trình phải "đắp chiếu".

 Công trình nước sạch xã Sơn Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ xây xong để...
Công trình nước sạch xã Sơn Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ xây xong để... "đắp chiếu".

Ngoài ra, nhiều nơi do nhu cầu của người dân về nước sạch hợp vệ sinh không mấy bức thiết. Bởi, nơi nào người dân thực sự cần nước để dùng thì các công trình nước sạch mới được sử dụng và phát huy hiệu quả. Để tránh lãng phí tiền đầu tư của Nhà nước, theo ông Được, thời gian tới, sẽ rà soát lại những công trình không thể phục hồi để xóa tên khỏi danh mục. Những công trình nào có thể phục hồi sẽ định giá, thanh lý để bán lại cho các đơn vị, cá nhân có năng lực quản lý, vận hành để tiếp tục khai thác.

Qua thực tế tìm hiểu của chúng tôi, việc để xảy ra tình trạng các công trình nước sạch tiền tỷ bị bỏ hoang là do, trong quá trình xây dựng, các địa phương, đơn vị đầu tư chưa chú trọng công tác khảo sát, lấy ý kiến, nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân, nếu có chăng cũng chỉ là hình thức. Trong khi nhận thức của người dân về sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh còn hạn chế, thì công tác tuyên truyền, vận động chưa thiết thực và hiệu quả.

Thêm vào đó, chính việc đầu tư thiếu đồng bộ, dang dở, thiếu cơ chế hỗ trợ kinh phí cho người dân lắp đặt ống dẫn nước cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các công trình nước sạch không phát huy hiệu quả, dẫn đến lãng phí một cách đáng tiếc.

Cùng với đó, chính quyền các địa phương, các đơn vị liên quan dường như chỉ chú trọng vào việc đầu tư xây dựng công trình nhưng lại không quan tâm đến việc sử dụng, vận hành và quản lý công trình một cách hiệu quả. Dù vì lý do gì đi chăng nữa, việc các công trình nước sạch tiền tỷ bị bỏ hoang trong suốt thời gian dài vừa qua, chẳng những ảnh hưởng đến mục tiêu đưa nước sạch, hợp vệ sinh đến với người dân nông thôn, mà sẽ còn dẫn đến sự lãng phí tiền của không hề nhỏ của Nhà nước và nhân dân.

Công Hợp-Văn Minh

Kỳ 2: Xây dựng chợ hoành tráng rồi... “phơi sương”