.

Đã có phương án chuẩn bị đủ giống, vật tư phân bón cho sản xuất đông-xuân

Thứ Ba, 01/11/2016, 07:39 [GMT+7]

(QBĐT) - Qua nắm bắt tình hình được biết, hiện nay nhiều địa phương thiếu trầm trọng các loại giống để sản xuất vụ đông 2016 và vụ đông xuân 2016-2017. Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Phan Văn Khoa, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT.  Nội dung như sau:

- P.V: Thưa đồng chí Giám đốc Sở, trận lũ lịch sử vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến đời sống sản xuất của đại bộ phận bà con nông dân trong tỉnh. Để giúp bà con sớm ổn định cuộc sống, vấn đề phục hồi sản xuất có ý nghĩa rất quan trọng, xin đồng chí cho biết sự chỉ đạo của tỉnh về vấn đề này?

- Đ/c Phan Văn Khoa: Có thể nói trận lũ vừa qua rất lớn, diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Trong đó ngành Nông nghiệp bị thiệt hại nặng với 5.600ha hoa màu và cây hàng năm bị thiệt hại, gần 5.000 tấn lúa bị ngập nước, hơn 12.000 con lợn, 642.000 gia cầm ở các trang trại, gia trại và hộ gia đình, hơn 1.600ha nuôi trồng thủy sản và giống cho sản xuất vụ đông xuân và vụ đông bị trôi, hư hỏng,...

Để khắc phục hậu quả trước mắt do lũ, lụt gây ra, ngày 17-10-2016 UBND tỉnh đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị hỗ trợ tỉnh Quảng Bình khắc phục hậu quả lũ lụt. Cụ thể, xin hỗ trợ 100 tỷ đồng để sửa chữa một số công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng nặng; gạo cứu đói các loại hóa chất xử lý môi trường chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, vắc xin dịch tả lợn, vắc xin cúm gia cầm, vắc xin tụ huyết trùng trâu bò; 100 máy nổ để phun tiêu độc khử trùng; 20 tấn cloramin B và 90 tấn trợ lắng poly aluminium chloride (PAC) xử lý nước sinh hoạt; 2 tấn giống hạt rau các loại; 50 tấn ngô giống nếp ngắn ngày... Tiếp đến, ngày 24-10-2016 UBND tỉnh có công văn tiếp tục đề xuất Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương xem xét, hỗ trợ thêm giống lúa 500 tấn; giống ngô 100 tấn; giống lạc 50 tấn,...

Đồng thời chỉ đạo và Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương kịp thời khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống. Mặt khác, Sở chỉ đạo các đơn vị thuộc Sở căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao kịp thời ban hành các văn bản chuyên sâu từng lĩnh vực và cử cán bộ về cơ sở nắm tình hình, hướng dẫn, giúp dân khôi phục sản xuất. Đến nay, công việc khắc phục hậu quả và triển khai sản xuất đang được tiến hành khẩn trương.

- P.V: Được biết, hiện tại bà con đang cần giống cây ngắn ngày như giống rau, đậu, ngô, khoai lang...để sản xuất ngay sau khi nước lũ rút, xin đồng chí cho biết cụ thể số lượng giống mà bà con cần để sản xuất và  tỉnh có giải pháp gì để hỗ trợ?

- Đ/c Phan Văn Khoa: Để giúp nhân dân nhanh chóng khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, UBND tỉnh đã trích nguồn dự phòng thuộc ngân sách tỉnh năm 2016 để cấp kinh phí hỗ trợ cho các đơn vị và địa phương, với số tiền 10 tỷ đồng (mỗi địa phương 1 tỷ đồng; Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở GTVT mỗi sở 1 tỷ đồng); chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực khác để giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn.

Công ty CP Sông Gianh chuẩn bị phân bón phục vụ sản xuất.
Công ty CP Sông Gianh chuẩn bị phân bón phục vụ sản xuất.

Trước mắt, cần nhanh chóng khôi phục sản xuất, nhất là các cây trồng ngắn ngày như rau các loại, ngô ngắn ngày. Theo đó, nhu cầu hạt giống ước tính khoảng 5-6 tấn hạt giống rau các loại (đậu cove, củ cải, cải các loại, su hào,...); 40 tấn hạt giống ngô nếp ngắn ngày (HN88, VN2,...).

Đối với vụ đông-xuân, UBND tỉnh cũng đã đề nghị Trung ương hỗ trợ 650 tấn giống cây trồng các loại (giống lúa 500 tấn, gồm các giống P6, TBR225, HT1, PC6; giống ngô 100 tấn, gồm các giống DK9901, NK6326, HN88, VN2; giống lạc 50 tấn, gồm các giống L23, L14). Khi có quyết định hỗ trợ của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh sẽ phân bổ ngay về các địa phương để người dân sớm triển khai sản xuất.

- P.V: Thời vụ sản xuất đông- xuân đã cận kề, thế nhưng trên địa bàn Lệ Thủy, số lượng lúa giống vụ đông-xuân bị ướt hơn 50%, Sở có chỉ đạo gì để giải quyết vấn đề này cho Lệ Thủy nói riêng và các địa phương trong tỉnh nói chung?

- Đ/c Phan Văn Khoa: Theo báo cáo của các địa phương, hơn 300 tấn hạt giống lúa của người sản xuất tự dự trữ bị ướt, trong đó có một số vùng, hộ dân ở huyện Lệ Thủy. Để bảo đảm giống lúa cho vụ đông-xuân, Sở đề nghị các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn người sản xuất khẩn trương kiểm tra ngay tỷ lệ nảy mầm của các lô giống, nếu không bảo đảm kiên quyết phải thay thế bằng giống khác bảo đảm chất lượng, cơ cấu. Hiện tại, theo chỉ đạo của Sở, các đơn vị cung ứng giống trên địa bàn đã chuẩn bị sẵn sàng hơn 3.000 tấn giống lúa các loại, đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất đông-xuân.

- P.V: Vừa qua nhiều trang trại, hộ chăn nuôi bị thiệt hại lớn đàn gia súc, gia cầm (chủ yếu là lợn, gà, vịt), hiện tại bà con có nhu cầu tái đàn phục vụ thị trường Tết, nhưng thiếu con giống, xin đồng chí cho biết có giải pháp gì để khắc phục?

- Đ/c Phan Văn Khoa: Để khôi phục sản xuất, trước mắt Sở đang hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thống kê, báo cáo chính xác tình hình thiệt hại và nhu cầu con giống, trên cơ sở đó sẽ tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét hỗ trợ theo Quyết định 49/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại thiên tai, dịch bệnh. UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Trung ương hỗ trợ, trong đó có 50 tỷ đồng để hỗ trợ chăn nuôi, thuốc xử lý môi trường và các vật tư khác, phòng dịch bệnh vật nuôi, cây trồng.

Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Trung tâm Giống vật nuôi, các trung tâm giống và các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh tập trung sản xuất con giống, tìm nguồn giống giới thiệu cho người chăn nuôi bảo đảm chất lượng, tránh để tình trạng thiếu giống, sốt giá; kiểm soát chặt việc vận chuyển con giống, bảo đảm giống sạch bệnh cung ứng kịp thời cho các hộ chăn nuôi.

Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp, đơn vị trong ngành chăn nuôi tích cực ủng hộ con giống, thức ăn, thuốc thú y, thiết bị chăn nuôi... trực tiếp cho các trang trại, hộ chăn nuôi nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định và phát triển sản xuất, trước mắt là phục vụ thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán 2017.

- P.V: Nhận định của đồng chí về sản xuất vụ đông này và vụ đông- xuân tới như thế nào, trong điều kiện các địa phương bị thiệt hại nặng nề do lũ?

- Đ/c Phan Văn Khoa: Mưa lũ đã gây thiệt hại, khó khăn cho sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới, mà trước mắt là sản xuất vụ đông 2016 và đông-xuân 2016-2017 là rất cao. Dự báo diễn biến thời tiết, dịch bệnh vẫn rất phức tạp, khó lường, rét đậm, rét hại có thể xảy ra sớm hơn nhiều năm, đặc biệt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm dễ phát sinh sau mưa lũ; giá vật tư nguyên nhiên liệu đầu vào của sản xuất vẫn ở mức cao, sẽ ảnh hưởng đến khả năng đầu tư và hiệu quả sản xuất của người dân.

Để khắc phục những khó khăn trên, những giải pháp chính cần thực hiện trong thời gian tới đó là: Làm vệ sinh đồng ruộng, chuồng trại, ao hồ sau mưa lũ; triển khai ngay gieo trồng rau màu vụ đông trên đất hoa màu bằng các giống ngắn ngày chủ yếu là rau các loại, ngô đông...; tu bổ, sửa chữa hệ thống kênh mương bảo đảm tưới tiêu chủ động trước khi vào vụ sản xuất...Ngành Nông nghiệp đã có phương án chuẩn bị sẵn sàng giống, vật tư phân bón cung ứng cho sản xuất kịp thời, đúng, đủ và bảo đảm số lượng, chất lượng.

- P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Tr.T (thực hiện)