.

Vấn đề đặt ra khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Thứ Sáu, 26/08/2016, 11:30 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, tỉnh ta đã tích cực triển khai cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý. Trong 5 doanh nghiệp (DN) thuộc diện cổ phần hóa (CPH) giai đoạn 2012-2020 đã có 3 DN hoàn thành và đi vào hoạt động ổn định. Dự kiến, cuối năm 2016 và đầu năm 2017 có thêm 2 DN sẽ được CPH. Như vậy, đến đầu năm 2017, tỉnh ta sẽ hoàn thành công tác CPH doanh nghiệp nhà nước đúng theo lộ trình đề ra.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về sắp xếp đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của DN nhà nước, thời gian qua, tỉnh ta đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: tái cơ cấu, sát nhập, chuyển đổi mô hình quản lý, đặc biệt là CPH các DN nhà nước do UBND tỉnh quản lý, bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt.

Vườn cây cao su của Công ty Lệ Ninh chiếm 85% giá trị DN.
Vườn cây cao su của Công ty Lệ Ninh chiếm 85% giá trị DN.

Theo lộ trình của Đề án sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước, giai đoạn năm 2012-2020 đã được Chính phủ phê duyệt, toàn tỉnh có 5 DN nằm trong diện CPH. Đầu năm 2015, đã có 2 DN hoàn thành CPH và đi vào hoạt động, một DN sẽ hoàn thành trong tháng 9 tới và 2 DN sẽ tiến hành đại hội cổ đông vào đầu năm 2017.

Sau khi CPH, các DN nhanh chóng thích ứng với mô hình mới, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn. Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tài chính, thành viên Ban Chỉ đạo CPH DN nhà nước tỉnh thì, 2 DN đã CPH là Công ty CP cấp nước Quảng Bình và Công ty CP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa Quảng Bình (trước khi chưa CPH là Công ty TNHH MTV Đường sông Quảng Bình) sau khi CPH hoạt động khá hiệu quả, công nhân đủ việc làm, DN có lợi nhuận và đóng thuế vượt chỉ tiêu tỉnh giao.

Cụ thể, trong năm 2015, là năm đầu tiên hoạt động theo mô hình CPH, Công ty CP cấp nước Quảng Bình đạt sản lượng nước máy 7.980.000m3, bằng 109,2% kế hoạch; doanh thu 60,5 tỷ đồng, đạt 106,7% kế hoạch và lợi nhuận trước thuế 2,5 tỷ đồng, đạt 208% kế hoạch, nộp ngân sách 13,1 tỷ đồng, vượt 22% chỉ tiêu giao...

Trong 6 tháng đầu năm 2016, mặc dù chịu tác động bất lợi của suy giảm kinh tế nhưng công ty vẫn đạt sản lượng nước máy theo kế hoạch đề ra, doanh thu gần 31 tỷ đồng, nộp thuế 8,5 tỷ đồng. Hiệu quả rõ nét nhất mà cán bộ, công nhân, người lao động cảm nhận được sau khi CPH là tỷ lệ cổ tức chi trả hàng năm bằng 0,5%/cổ phần, đồng vốn Nhà nước tại đơn vị được bảo toàn.

Đối với Công ty CP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa Quảng Bình, sau một năm rưỡi hoạt động theo mô hình CPH tất cả các chỉ tiêu đều đạt và vượt theo kế hoạch đề ra, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các phương tiện vận tải thủy hoạt động. Nhiệm vụ chính của công ty là quản lý, bảo trì 230km đường thủy nội địa (trong đó có 121km đường thủy nội địa quốc gia và 109km đường thủy nội địa địa phương); bảo trì 736 biển báo hiệu (trong đó có 576 báo hiệu bờ và 126 báo hiệu dưới nước).

Trong năm 2015 công ty đạt doanh thu 8,8 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 340 triệu đồng, nộp ngân sách hơn 1 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2016 tình hình kinh tế khó khăn nhưng công ty vẫn ổn định sản xuất, dự ước doanh thu đạt 3,5 tỷ đồng, bảo đảm việc làm thường xuyên cho 50 lao động với mức thu nhập bình quân tăng hơn 10% so với trước khi CPH. Đặc biệt, công ty đã thực hiện chi trả cổ tức năm 2015 với mức 3,7%/cổ phần, các chế độ chính sách đối với người lao động được thực hiện đầy đủ...    

Đối với Công ty TNHH Môi trường và Phát triển Đô thị Quảng Bình, mặc dù chưa tiến hành đại hội cổ đông, nhưng các bước CPH đã hoàn tất. Trong đó khâu quan trọng nhất là bán cổ phần của DN cho CBCNV và bán ra bên ngoài đã được hoàn thành từ cuối năm 2015. Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch công ty cho biết, việc bán CP tại DN rất khó khăn, do đa số cán bộ công nhân, lao động trong diện nghèo, thu nhập thấp.

Tuy nhiên, đơn vị đã tích cực tuyên truyền vận động nên tất cả 219 CBCNV lao động trong DN đều cố gắng sắp xếp để đăng ký mua CP. Trong đó đã bán theo chế độ ưu đãi cho CBCNV 218.400 cổ phần (chiếm 6% giá trị DN); bán cho CBCNV theo năm cam kết làm việc được 244.500 cổ phần (đạt 6,65% giá trị DN); bán đấu giá ra bên ngoài 200 cổ phần (đạt 0,005% giá trị DN). Việc bán cổ phần của công ty vẫn đang khó khăn, hiện tại số lượng cổ phần không bán hết còn 3.212.575 cổ phần (chiếm 87,4% giá trị DN).

Quá trình CPH Công ty TNHH Môi trường và Phát triển Đô thị Quảng Bình có chậm hơn so với với 2 DN nói trên. Nguyên nhân là, công ty làm chủ đầu tư Dự án Vệ sinh môi trường thành phố Đồng Hới. Đây là dự án có quy mô nguồn vốn lớn  gần 1.800 tỷ đồng với nhiều hạng mục cần phải rà soát, đánh giá kỹ lưỡng trước khi kết thúc nên mất nhiều thời gian.

Mặt khác số lượng công nhân lao động của DN đến thời điểm trước khi CPH khá lớn với 219 người, trong đó đa phần trong diện nghèo nên họ cần thời gian để chuẩn bị tiền mua CP. Theo ông Chủ tịch công ty thì, đến thời điểm cuối tháng 7-2016 đơn vị đã hoàn thành xong tất cả các thủ tục để bước vào đại hội cổ đông và đi vào hoạt động theo mô hình CPH vào đầu tháng 9-2016.

Riêng 2 đơn vị nằm trong diện phải CPH theo lộ trình là, Công ty TNHH MTV Lệ Ninh và Công ty TNHH MTV Việt Trung, có đặc điểm chung là đều hoạt động trên lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Theo tinh thần Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp, nông trường quốc doanh thì Công ty TNHH MTV Lệ Ninh và Công ty TNHH MTV Việt Trung tiến hành CPH, Nhà nước nắm giữ 65% vốn điều lệ. Bởi vậy việc xử lý vốn và tìm nhà đầu tư chiến lược mua lại CP đạt tỷ lệ 35% rất khó khăn. Đến thời điểm này sau gần 2 năm rao bán CP trên thị trường nhưng chưa tìm được nhà đầu tư nào đặt vấn đề mua CP của 2 DN này.

Mới đây Công ty TNHH MTV Việt Trung được UBND tỉnh giao nhiệm vụ liên doanh với Tập đoàn Hòa Phát thực hiện dự án phát triển chăn nuôi bò, lợn quy mô công nghiệp (đã thành lập công ty liên doanh với tên gọi Công ty TNHH Chăn nuôi Hòa Phát). Theo đó Công ty TNHH MTV Việt Trung có trách nhiệm đóng góp vốn bằng tài sản và đất đai. Phía Tập đoàn Hòa Phát sẽ đầu tư vốn, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm xuất khẩu...

Đi sâu tìm hiểu được biết, thời gian qua Công ty TNHH MTV Việt Trung đang thực hiện tái cơ cấu DN theo hướng tập trung khắc phục lại vườn cây cao su, đồng thời tổ chức lại sản xuất kinh doanh của 2 ngành phụ là chế biến gỗ và kinh doanh khách sạn với mục tiêu tăng doanh thu và lợi nhuận. Mặc dù đã rất nỗ lực nhưng công ty vẫn không đạt được mục tiêu đề ra.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch công ty thì, tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị vô cùng khó khăn. Từ sau cơn bão số 10 năm 2013, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty liên tục thua lỗ. Tính đến ngày 31-12-2015 công ty thua lỗ đến 31,1 tỷ đồng, nợ bảo hiểm xã hội đến tháng 5-2016 hơn 9 tỷ đồng.

XN chế biến gỗ Phú Qúy là tài sản có giá trị lớn của Công ty TNHH MTV Việt Trung.
XN chế biến gỗ Phú Qúy là tài sản có giá trị lớn của Công ty TNHH MTV Việt Trung.

Vì vậy thời gian này cùng với việc tiến hành CPH công ty phải thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, định hướng lại mục tiêu sản xuất kinh doanh, kêu gọi liên doanh liên kết, giải quyết chế độ dôi dư lao động... Hiện tại số lao động dôi dư tại công ty lên đến 214 người, cần số tiền 13,4 tỷ đồng để giải quyết chính sách cho đối tượng này. Vấn đề mấu chốt đặt ra đối với công ty TNHH MTV Việt Trung lúc này là lấy tiền đâu để góp vốn vào công ty liên doanh chăn nuôi Hòa Phát, khi công ty không bán được CP?

Đối với Công ty TNHH MTV Lệ Ninh cơ bản thực hiện đúng lộ trình CPH đã đề ra. Về phương án sử dụng lao động, cần giải quyết chế độ chính sách dôi dư cho 38 người với số tiền 1,3 tỷ đồng. Hiện tại công ty đang tiến hành rà soát cắm mốc địa giới đất đai để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tiến hành kiểm kê phân loại vườn cây cao su và các tài sản khác để xác định giá trị DN...Tuy nhiên, so với lộ trình CPH đề ra công ty đang gặp khó khăn về việc bàn giao trường mầm non cho địa phương quản lý và bàn giao đường dây hạ thế TBA230KVA cho Công ty Điện lực quản lý sử dụng...

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tài chính, thành viên Ban Chỉ đạo CPH DN Nhà nước tỉnh thì, để công tác CPH đạt được mục tiêu đề ra cần xử lý một số vướng mắc tại các DN. Trong đó, đối với Công ty CP cấp nước tiếp tục chào bán phần vốn Nhà nước ra bên ngoài theo phương án đã được phê duyệt. Đối với Công ty CP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa Quảng Bình đề nghị UBND tỉnh tăng nguồn đầu tư kinh phí để thay thế biển báo và bảo trì theo đúng định mức của Nhà nước.

Đối với Công ty TNHH MTV Việt Trung, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công ty TNHH Chăn nuôi Hòa Phát sớm hoàn thành việc nhận đất, giao đất và có biện pháp hỗ trợ công ty trong trường hợp không được bán phần góp vốn vào Công ty TNHH Chăn nuôi Hòa Phát... Đối với Công ty TNHH MTV Lệ Ninh, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan giải quyết những vướng mắc về ranh giới đất đai giữa công ty với các hộ dân.

Trọng Thái