.

Nợ đọng xây dựng cơ bản: Căn bệnh trầm kha

Thứ Ba, 19/07/2016, 14:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo số liệu từ Sở Kế hoạch-Đầu tư, số nợ đọng XDCB đến thời điểm 31-12-2015 trở về trước khoảng 765 tỷ đồng (chưa tính số nợ xây dựng nông thôn mới). Điều đáng lo ngại là số nợ đọng từ  nguồn ngân sách cấp huyện, xã khá lớn, trong lúc nguồn lực hết sức hạn hẹp nên không biết lấy gì để trả nợ theo quy định của Luật Đầu tư công.

Theo ông Đinh Hữu Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư, tình trạng nợ đọng XDCB trên địa bàn xảy ra khá phổ biến. Hầu như địa phương nào cũng có nợ đọng. Qua báo cáo sơ bộ của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, tổng số nợ công trình hoàn thành tính đến thời điểm 31-12-2015 là 765 tỷ đồng. Trong đó: Vốn Trung ương nợ 263 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh nợ 163 tỷ đồng; ngân sách huyện, xã nợ 339 tỷ đồng.

Đối với nguồn vốn Trung ương nợ 263 tỷ đồng, chủ yếu các dự án đã hoàn thành nhưng ngân sách Trung ương chưa bố trí đủ vốn. Đặc biệt trong đó có khoản nợ 58 tỷ đồng của các công trình hỗ trợ khắc phục lũ lụt miền Trung năm 2010 đã hoàn thành nhưng vẫn không có nguồn để trả nợ. Nguồn vốn ngân sách tỉnh nợ 163 tỷ đồng, trong đó khoản nợ lớn nhất là công trình cầu Nhật Lệ 2 với số tiền 94 tỷ đồng.

Theo ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, sở dĩ có khoản nợ này là do công trình cầu Nhật Lệ 2 là công trình trọng điểm của tỉnh, phải đẩy nhanh tiến độ thi công theo yêu cầu của tỉnh. Ngoài ra có khoản nợ từ các công trình hoàn thành nguồn hỗ trợ có mục tiêu và trái phiếu Chính phủ Trung ương bố trí hết tỷ lệ, ngân sách tỉnh phải cân đối bố trí 43 tỷ đồng và các dự án thuộc nhiệm vụ chi ngân sách cấp tỉnh 26 tỷ đồng.

Số nợ đọng XDCB  đến ngày 31-12-2015 thuộc nguồn vốn ngân sách huyện, xã là 339 tỷ đồng cụ thể như sau: huyện Quảng Trạch 106 tỷ đồng, thị xã Ba Đồn 74,1 tỷ đồng; huyện Bố Trạch  60,5 tỷ đồng; thành phố Đồng Hới 42 tỷ đồng; huyện Lệ Thủy 41 tỷ đồng; huyện Quảng Ninh 9 tỷ đồng; huyện Tuyên Hóa 6,1 tỷ đồng. Riêng huyện Minh Hóa năm 2014 nợ 3 tỷ đồng đã trả xong trong năm 2015, đến nay không còn nợ nữa.

 Công trình Kè Kiến Giang các chủ đầu tư nợ gần 30 tỷ đồng.
Công trình Kè Kiến Giang các chủ đầu tư nợ gần 30 tỷ đồng.

Ngoài ra các xã đang nợ XDCB công trình thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới 261 tỷ đồng (chưa kể các công trình dang dở chưa thống kê được). Đáng lo ngại nhất là khoản nợ nông thôn mới chưa xác định được nguồn và lộ trình trả nợ.

Trong đó huyện Quảng Trạch, Bố Trạch và thị xã Ba Đồn có số nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới nhiều nhất là 187 tỷ đồng, chiếm 71,6% tổng nợ đọng cả tỉnh. Các huyện Lệ Thủy, Tuyên Hóa, Quảng Ninh, thành phố Đồng Hới có số nợ XDCB Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới bình quân gần 17 tỷ đồng/đơn vị...

Điều đáng nói là có nhiều công trình hoàn thành đưa vào sử dụng nhiều năm rồi, nhưng vẫn chưa bố trí đủ vốn trả nợ cho đơn vị thi công như: công trình đường thị trấn Kiến Giang-Quy Hậu-Mỹ Thủy-Văn Thủy; công trình sửa chữa nâng cấp hồ Cải Cách... Một số công trình có số nợ đọng lớn như: Kè chống xói lở Mỹ Thủy-Liên Thủy; cầu Phong Liên...

Tình trạng nợ đọng XDCB dây dưa kéo dài đã gây ra nhiều hệ lụy, làm xáo trộn lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, nhất là các chủ nợ lớn. Được biết, có một số chủ đầu tư nợ XDCB đối với nhà thầu nhiều năm nay với số tiền hàng chục tỷ đồng và chưa biết đến bao giờ mới trả.

Điều đáng nói nữa là, trong lúc chủ đầu tư Nhà nước nợ doanh nghiệp cả trăm tỷ đồng, năm này qua năm khác không tính lãi, trong khi đó doanh nghiệp phải trả lãi suất vay quá hạn cho ngân hàng hàng tháng. Điều đó là không công bằng và quan trọng hơn đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thí dụ như Công ty CP Xây dựng Việt Phong (có trụ sở tại 187 đường Trần Hưng Đạo, thành phố Đồng Hới), do chủ đầu tư nợ XDCB công trình kè Kiến Giang 13,6 tỷ đồng từ năm 2012 đến nay đã đẩy công ty đến bên bờ vực phá sản. Theo như lời trần tình của ông Đỗ Ngọc Phong, Giám đốc Công ty Việt Phong với lãnh đạo tỉnh, thì ông đã nhiều lần gửi đơn đến chủ đầu tư, Sở Kế hoạch-Đầu tư và mới đây (tháng 4-2016) gửi đơn kêu cứu lên lãnh đạo tỉnh đề nghị trả nợ nhưng chưa có hồi âm.  

Để gánh khoản nợ này thay chủ đầu tư, công ty phải thế chấp toàn bộ tài sản nhà cửa, phương tiện để vay ngân hàng, chịu lãi vay quá hạn mỗi năm hơn 1,5 tỷ đồng. Hoặc như Công ty TNHH TV và XD tổng hợp Quảng Ninh (trụ sở tại xã Võ Ninh, Quảng Ninh) cũng nằm trong tình cảnh đáng thương đó.

Ông Nguyễn Đình Tâm, Giám đốc Công ty TNHH TV và XD tổng hợp Quảng Ninh cho biết, hiện tại các chủ đầu tư còn nợ công ty khoảng 14 tỷ đồng, trong đó có nhiều khoản nợ trên 5 năm và công ty phải vay lãi suất cao để trả tiền vật tư, nhân công, chịu lãi gần 2 tỷ đồng/năm... Không riêng gì 2 công ty nói trên mà có rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực XDCB ở trên địa bàn cũng nằm trong tình cảnh nợ nần đáng thương này.

Đi sâu tìm hiểu chúng tôi được biết, sở dĩ nợ đọng XDCB ở tỉnh ta cao chủ yếu là do các chủ đầu tư không chấp hành đúng các quy định về quản lý sử dụng nguồn vốn XDCB theo các văn bản hướng dẫn về quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ của Chính phủ, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và UBND tỉnh... Theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của UBND tỉnh, khi công trình xác định nguồn vốn mới được khởi công, nguồn vốn bố trí đến đâu làm đến đó.

Thế nhưng nhiều chủ đầu tư hầu như bỏ qua quy định này, gây ra hệ lụy cho ngân sách nhà nước và cả doanh nghiệp. Điều đáng nói nữa là, nhiều chủ đầu tư vi phạm các quy định về quản lý nguồn vốn XDCB, để xảy ra nợ đọng kéo dài nhưng đến nay hầu như chưa có người nào bị xử lý trách nhiệm.

Trao đổi với chúng tôi về lộ trình trả nợ đọng XDCB, ông Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết, tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh rất quyết liệt, yêu cầu các chủ đầu tư tiến hành rà soát, phân loại nợ và lên phương án trả nợ. 

Nguồn vốn ngân sách tỉnh năm 2016 chủ yếu bố trí trả nợ các công trình hoàn thành và chuyển tiếp với số vốn là 95 tỷ đồng (chiếm 58% tổng số nợ đọng ngân sách tỉnh). Số vốn còn lại bố trí cho các công trình chuyển tiếp, chỉ bố trí một số công trình mới thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo theo tỷ lệ quy định của Trung ương. Đối với nguồn ngân sách huyện, xã, trong hướng dẫn phân bổ kế hoạch vốn năm 2016, tỉnh yêu cầu các địa phương nghiêm túc thực hiện việc xử lý nợ đọng XDCB.

Tuy nhiên nhiều địa phương chưa bố trí được nguồn, cân đối thu chi đang còn "âm". Qua các lần làm việc với một số chủ đầu tư, họ đều cho rằng nguồn vốn trả nợ đang lệ thuộc vào nguồn vốn trung hạn do trên rót xuống. Và nếu như vậy thì nợ đọng XDCB của nhiều công trình chưa biết đến bao giờ mới trả được.

Trọng Thái