.

Ngư dân cần sinh kế lâu dài và môi trường biển sạch

Thứ Bảy, 02/07/2016, 11:55 [GMT+7]

(QBĐT) - Với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các ngành chức năng cùng hàng trăm nhà khoa học trong và ngoài nước, thủ phạm gây ra sự cố môi trường biển khiến hải sản chết bất thường ở các tỉnh ven biển miền Trung đã được chỉ mặt đặt tên: Formosa Hà Tĩnh. Và lãnh đạo của công ty này đã cúi đầu xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam, đồng thời cam kết bồi thường 11.500 tỷ đồng cho người dân và xử lý môi trường biển. Nhưng điều mà ngư dân 4 tỉnh miền Trung nói chung và ngư dân Quảng Bình nói riêng cần nhất lúc này là sinh kế về lâu dài và môi trường biển sạch hoàn toàn!

Sớm trả lại môi trường biển sạch cho ngư dân

mhk
Ngư dân Trương Văn Tiến ở thôn Trung Vũ, xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch)

Trao đổi với chúng tôi, ngư dân Trương Văn Tiến ở thôn Trung Vũ, xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc tìm ra nguyên nhân, thủ phạm gây ra sự cố môi trường biển khiến hải sản chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung.

Có thể nói rằng, sự cố này là một thảm họa môi trường cực kỳ nghiêm trọng, Formosa cam kết sẽ bồi thường vì đó trách nhiệm họ phải chịu bởi hành vi xả thải gây ra.

Nhưng những hóa chất độc hại đó không chỉ ảnh hưởng đến môi trường biển mà còn tác động lâu dài đến đời sống và sức khỏe của các thế hệ người dân Cảnh Dương nói riêng và 4 tỉnh miền Trung nói chung.

Trong thời gian tới, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ cam kết tuân thủ bảo vệ môi trường của Formosa, tuyệt đối không được để xảy ra sự cố tương tự như Formosa ở các nhà máy khác đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan chức năng, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu các tác động về môi trường trong sự cố này để có những biện pháp khắc phục, sớm trả lại môi trường biển, ngư trường biển sạch cho ngư dân yên tâm sinh hoạt và sản xuất.

Cũng như nhiều người dân trong tỉnh, chị Hoàng Thị Hậu ở thôn Nội Hải, xã Hải Trạch (huyện Bố Trạch) mong muốn, trong thời gian tới, Đảng và nhà nước cùng chính quyền địa phương sẽ có nhiều động thái tích cực hơn nữa để hỗ trợ ngư dân vượt qua khó khăn.

ccv
Đánh bắt hải sản ở huyện Bố Trạch.

Trước mắt, cần ưu tiên giãn nợ các khoản vay của ngư dân, khẩn trương thực hiện các chính sách hỗ trợ, chuyển đổi nghề cho ngư dân địa phương nhằm ổn định cuộc sống. Về lâu dài, cần có biện pháp mạnh, xử lý nghiêm những vi phạm để sự cố môi trường biển như vừa rồi không bao giờ xảy ra nữa.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần tăng cường tuyên truyền, thông tin chính xác để người dân thực sự yên tâm với các sản phẩm hải sản xa bờ. Có như vậy, ngư dân và doanh nghiệp chế biến như chúng tôi mới yên tâm bám biển, sản xuất.

Ở trung tâm tỉnh lỵ, xã Quang Phú (TP. Đồng Hới) là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thảm họa này khi kinh tế biển được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của xã thì nay gần như tê liệt. Toàn xã có 127 tàu thuyền phải nằm bờ hoặc đánh bắt cầm chừng, trên 700 hộ dân bị thiệt hại. Ngoài ra, hệ thống dịch vụ, buôn bán, chế biến, nhà hàng, khách sạn… trên địa bàn xã cũng bị thiệt hại nặng.

Đến nay, nguyên nhân đã rõ, nhưng về lâu dài nhân dân Quang Phú mong muốn các cấp, các ngành chức năng cần xác định, trả lời cho nhân dân: thủy hải sản hiện nay đã sử dụng được hay chưa? Trước đây chúng ta quy định hải sản sạch đánh bắt ngoài khu vực 20 hải lý, nhưng do cuộc sống mưu sinh, ngư dân vẫn tổ chức đánh bắt trong vùng lộng, cần có biện pháp kiểm định xem hải sản ở vùng nước này có an toàn hay không?

"Từ thảm họa môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra, xã Quang Phú vẫn xác định tiếp tục xem kinh tế biển là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng có chiến lược dài hơi hơn, vận động ngư dân hoán đổi tàu, đóng mới tàu công suất lớn để vươn khơi", ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Quang Phú cho hay.

Tăng cường các chính sách hỗ trợ ngư dân

hhn
Ngư dân Hoàng Nồm ở xã Quảng Văn (thị xã Ba Đồn).

Ngư dân Hoàng Nồm ở xã Quảng Văn (thị xã Ba Đồn) cho biết, cũng như bà con ngư dân khác, do ảnh hưởng của sự cố này nên trong 2 tháng qua đời sống kinh tế của gia đình tôi và các thuyền viên trên tàu giảm sút rõ rệt.

Ngư dân chúng tôi ghi nhận sự chung tay sẻ chia của Nhà nước và chính quyền các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ một phần về vật chất, tinh thần để giúp chúng tôi vượt qua khó khăn hiện tại, đặc biệt là các chính sách theo Quyết định số 772/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1138/QĐ-TTg sửa đổi bổ sung Điều 1 của Quyết định số 772/QĐ-TTg về hỗ trợ khẩn cấp cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung.

Với những chính sách mới như: tăng thời gian hỗ trợ 15 kg gạo/người/tháng từ 1,5 tháng lên tối đa 6 tháng, bổ sung đối tượng hỗ trợ là diêm dân, các doanh nghiệp, chủ vựa, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có hoạt động thu mua, dịch vụ hậu cần nghề cá được vay vốn tín dụng với lãi suất thấp nhất áp dụng cho lĩnh vực ưu tiên, kỳ hạn ngắn và được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong thời gian tạm trữ tối đa 6 tháng để thu mua, tạm trữ hải sản từ ngày 5-5 đến 5-7... ngư dân sẽ thuận tiện hơn trong việc khắc phục khó khăn để tiếp tục vươn khơi đánh bắt hải sản vùng an toàn. Hy vọng với những giải pháp khắc phục hậu quả về sự cố hải sản chết bất thường của Chính phủ trong thời gian tới, môi trường biển 4 tỉnh miền Trung sẽ sớm được phục hồi và trong lành trở lại để ngư dân yên tâm với nghề biển, ổn định cuộc sống lâu dài.

nhm
Ông Lê Văn Khởi, Bí thư Đảng ủy xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh).

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Khởi, Bí thư Đảng ủy xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) cho rằng, để sớm ổn định tình hình đời sống cho bà con nhân dân, Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng cùng Tập đoàn Fosmosa khắc phục sự cố môi trường biển để nước biển trở lại trạng thái bình thường.

Đồng thời, tăng cường quan trắc môi trường nước biển, tăng cường lấy mẫu các loại hải sản để sớm có kết quả chứng minh hải sản không bị nhiễm độc để mọi người dân mạnh dạn, yên tâm sử dụng. Tôi cho rằng, đây chính là mấu chốt quan trọng nhất để cuộc sống ngư dân trở lại ổn định lâu dài.

Giải pháp trước mắt là hỗ trợ thiệt hại giúp ngư dân vượt qua giai đoạn khó khăn này. Riêng ở Hải Ninh về lâu dài, đề nghị tỉnh cấp đất cho nhân dân để sản xuất và có chính sách ưu tiên hơn về đóng tàu xa bờ theo Nghị định 67, hiện tại Hải Ninh mỗi năm chỉ được đóng 1 chiếc tàu là quá ít, riêng năm 2016 là chưa có tàu nào được đóng. Về phía các ngân hàng, nên khoanh lãi, không thu lãi các ngư dân vay phục vụ đóng tàu, mua ngư lưới cụ, nuôi tôm và dịch vụ nghề cá...

Với hơn 35 năm sống bằng nghề đi biển, ông Trần Đức Thông, thôn Liêm Bắc, xã Ngư Thủy Nam (huyện Lệ Thủy) tâm sự, gia đình tôi có 6 lao động làm nghề biển nhưng từ nhiều tháng nay không có việc làm. Cùng với đó là khối tài sản hơn 300 triệu phải “đắp chiếu” vì không thể tham gia đánh bắt, hoặc đánh bắt được thủy sản nhưng bán không ai mua.

hn
Ông Trần Đức Thông bên những chiếc bơ nan không thể tham gia đánh bắt hải sản.

Khó khăn này không chỉ của riêng gia đình tôi. Là xã vùng bãi ngang, hệ thống cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn nên việc hỗ trợ kinh phí, tạo việc làm cho người dân cần được thực hiện chu đáo và tính toán kỹ lưỡng để bảo đảm tính lâu dài.

Nhóm P.V