.

Cải cách hành chính góp phần thu hút đầu tư

Thứ Sáu, 01/07/2016, 09:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm qua, công tác cải cách hành chính đã góp phần quan trọng trong việc quảng bá tiềm năng và thế mạnh của tỉnh thu hút nhiều dự án lớn đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế...

Đến thời điểm này, tỉnh ta có 7 khu kinh tế, khu công nghiệp (KKT, KCN) gồm: KCN Tây bắc Đồng Hới, KCN Tây bắc Quán Hàu (huyện Quảng Ninh) KCN cảng biển Hòn La và Hòn La 2, KCN Cam Liên và KCN Bang (huyện Lệ Thủy), KCN Bắc Đồng Hới, KKT Hòn La, KKT cửa khẩu quốc tế Cha Lo.

Theo quy hoạch, tổng diện tích của các KCN, KKT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khoảng 2.000 ha. Đến nay, hầu hết khu vực này đã được lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng với tổng diện tích trên 1.000ha, bảo đảm phục vụ cho công tác kêu gọi, thu hút đầu tư.

Về công tác xúc tiến đầu tư, Ban quản lý các khu kinh tế đã phối hợp với các sở, ban ngành trong tỉnh kết nối chặt chẽ với các trung tâm xúc tiến đầu tư của các bộ, ngành Trung ương nhằm tạo điều kiện trong việc quảng bá tiềm năng, thu hút đầu tư, lựa chọn những dự án có vốn đầu tư lớn, các doanh nghiệp nước ngoài, những dự án sử dụng nhiều lao động...

Ban Quản lý các khu kinh tế đã chủ động sản xuất phim tài liệu, in ấn tập san để giới thiệu và thông tin quảng cáo trên báo chí, website, thành lập bộ phận một cửa tại Ban, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư...

Nhờ đó, hoạt động đầu tư vào Quảng Bình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Riêng năm 2015 và quý I năm 2016, trên địa bàn tỉnh đã khởi công xây dựng nhà máy may Quảng Bình tại KCN Cam Liên, huyện Lệ Thủy, nhà máy Pallet và năng lượng của Công ty Trường Thành tại KCN Tây bắc Đồng Hới, Dự án may S&D Quảng Bình tại KCN Tây bắc Quán Hàu.

Năm 2015, đã có 11 dự án đầu tư vào tỉnh ta với tổng số vốn đăng ký 750 tỷ đồng. Trong quý I năm 2016, đã có 3 dự án đầu tư tại tỉnh với số vốn 350 tỷ đồng. Đến nay, các KKT, KCN đã thu hút được trên 85 dự án đầu tư với số vốn đăng ký đầu tư trên 52.000 tỷ đồng, trong đó có 3 dự án có vốn đầu tư của nước ngoài với số vốn đăng ký là 26 triệu USD. Năm 2015 và quý I năm 2016, các doanh nghiệp trong tỉnh nói chung và các KKT, KCN nói riêng đã có sự tăng trưởng khá.

Cụ thể, tổng doanh thu của năm 2015 đạt 1.750 tỷ đồng, nộp thuế nhà nước đạt 97 tỷ đồng và quý I năm 2016 đạt 607 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2015, nộp thuế nhà nước đạt 33 tỷ đồng. Điều quan trọng nữa là các KKT, KCN đã tạo việc làm ổn định cho 3.500 lao động trên địa bàn với mức thu nhập đạt 4,7 triệu đồng/tháng.

Để đạt được những kết quả trên, tỉnh ta nói chung và Ban quản lý các khu kinh tế nói riêng đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp và người dân đến giao dịch, đầu tư. Công tác quảng bá, cung cấp thông tin về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh cho các nhà đầu tư cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm.

Bên cạnh đó, Ban quản lý các khu kinh tế Quảng Bình đã đẩy mạnh việc kết nối với các ngân hàng thương mại, nhất là Ngân hàng cổ phần thương mại đầu tư và phát triển Việt Nam để kêu gọi đầu tư... Bằng những cách làm trên kết hợp với thế mạnh của địa phương, Quảng Bình đã và đang trở thành môi trường đầu tư hấp dẫn đối với các tập đoàn, doanh nghiệp.

Được tỉnh và Ban quản lý các khu kinh tế tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn nên Nhà máy sản xuất vật liệu không nung đã hoạt động ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động trong tỉnh với nguồn thu nhập khá. Đặc biệt, sản phẩm của nhà máy ra đời đã hạn chế được việc sử dụng đất sét nguyên liệu để sản xuất gạch nung, góp phần bảo vệ môi trường.

Tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo, các hoạt động thương mại, dịch vụ đang diễn ra hiệu quả nhờ sự quan tâm của hai nhà nước Việt-Lào nói chung và hai tỉnh Quảng Bình, Khăm Muộn, nói riêng. Kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2015 đạt gần 2 tỷ USD, vượt 25% so với năm 2014. Qúy I năm 2016 đạt 480 triệu USD, vượt 17% so với cùng kỳ năm 2015. Hiện nay, cửa khẩu quốc tế Cha Lo có 10 dự án đăng ký đầu tư với tổng số vốn 200 tỷ đồng.

Trong đó, có một số dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động, góp phần quan trọng trong việc phát triển chung của toàn khu kinh tế. Bên cạnh đó, tuyến đường 12A qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo-Na Phầu tiếp tục được các doanh nghiệp trong khu vực lựa chọn làm đường vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh Đông bắc Thái Lan, Trung Lào đến Việt Nam trước khi xuất khẩu qua các nước thứ ba.

Khu kinh tế cảng biển Hòn La hiện đang là nơi có nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động và một số dự án khác cũng đang được triển khai như: nhà máy khai thác đá riolit làm vật liệu xây dựng của Công ty Hồng Lĩnh, nhà máy chế biến gỗ, sản xuất hàng nội thất của Công ty Lâm Hoàn Quân, nhà máy sản xuất viên nén năng lượng của Tập đoàn DOHWA- Hàn Quốc.

Có ba dự án đang thực hiện thủ tục đăng ký gồm: khu du lịch sinh thái Quảng Đông của Tập đoàn Trường Thịnh với tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng; kho ngoại quan và hệ thống đường dẫn dầu từ cảng biển Hòn La sang tỉnh Khăm Muộn (Lào) của Công ty TNHH Petro Lào có tổng mức đầu tư trên 400 triệu USD; dự án tổ hợp nhà máy chế biến sâu quặng ti tan của Công ty cổ phần khoáng sản Hoàng Long với số vốn đầu tư trên 175 tỷ đồng. Hiện các dự án đang triển khai và từng bước mang lại hiệu quả trong việc phát triển kinh tế của tỉnh, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại các địa phương...

Có thể khẳng định, sự quan tâm, đầu tư của tỉnh và Ban quản lý các khu kinh tế đang từng bước thúc đẩy hiệu quả cho các KKT, KCN, qua đó góp phần thu hút thêm nhiều nhà đầu tư đến từ trong nước và nước ngoài. Kết quả đó đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, đóng góp thuế cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Với chính sách thu hút đầu tư, mong muốn đưa nền kinh tế của tỉnh phát triển nhanh cũng như thái độ trân trọng, tâm huyết của các nhà đầu tư, tin rằng tỉnh ta sẽ tiếp tục đón thêm nhiều nhà đầu tư lớn trong thời gian tới.

P.V