.

Quyết tâm giảm nghèo bền vững

Thứ Ba, 28/06/2016, 10:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Công tác giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề, tạo việc làm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quảng Trạch lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra. Để đạt được mục tiêu này, huyện đang tích cực thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, bảo đảm tính khả thi và phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương.

Những năm qua, mặc dù điều kiện kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là sau quá trình chia tách địa giới hành chính, nhưng công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững vẫn luôn được các cấp ủy, chính quyền huyện Quảng Trạch quan tâm và dành nhiều nguồn lực ưu tiên.

Nhiều chính sách và biện pháp đồng bộ được huyện triển khai hướng tới người nghèo, người cận nghèo, tạo việc làm cho người lao động góp phần quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn. Tuy nhiên, xét trên bình diện tổng thể, nhiều mục tiêu giảm nghèo bền vững vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đời sống của một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề còn thấp.

Đầu giai đoạn 2016-2020 toàn huyện Quảng Trạch có hơn 4.200 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 14,58%. Nguyên nhân chủ yếu là bởi nhiều gia đình do thiếu đất, thiếu vốn để sản xuất, tổ chức kinh doanh. Các chính sách chưa thực sự sát với mục tiêu nâng cao năng lực cho người nghèo mà còn mang nặng tính bao cấp nên phát sinh tư tưởng ỷ lại, tạo ra xu hướng nhiều địa phương, nhiều hộ dân muốn vào danh sách nghèo để được hưởng trợ cấp.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn vẫn chưa xứng với tiềm năng và lực lượng lao động hiện có, chưa đáp ứng được chất lượng nguồn lao động xuất khẩu... Đặc biệt, giai đoạn 2016-2020, cách tiếp cận các tiêu chí nghèo đa chiều đã có nhiều thay đổi, bởi vậy số hộ nghèo, cận nghèo ở Quảng Trạch tăng lên.

Nghề mộc mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều người dân ở xã Quảng Tùng.
Nghề mộc mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều người dân ở xã Quảng Tùng.

Để tạo cơ hội cho người nghèo, hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, thoát nghèo vươn lên làm giàu, đồng thời thu hẹp khoảng cách thu nhập và mức sống giữa các vùng, nhóm dân cư, huyện Quảng Trạch đang tích cực thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng chỉ đạo của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh tổng hợp để giảm nghèo toàn diện và bền vững.

Theo đó, trong thời gian tới, Quảng Trạch sẽ tiếp tục triển khai tốt Chỉ thị 35-CT/TU ngày 9-4-2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, lấy kết quả thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo, đào tạo nghề, tạo việc làm là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ ở các địa phương, đơn vị. Tập trung giải quyết việc làm và tạo thêm việc làm mới trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu lao động, khai thác mọi tiềm năng tại chỗ và thế mạnh của từng địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế hàng hóa.

Đồng thời, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nguy cơ rủi ro cho người nghèo, nâng cao dân trí để từng bước chuyển đổi dần về cách sống, lối sống của người nghèo, hộ nghèo.

Ngoài ra, huyện sẽ ưu tiên bố trí và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho công tác giảm nghèo; phát triển nguồn vốn, lồng ghép các hoạt động của chương trình cho vay giải quyết việc làm và giảm nghèo để phát huy hiệu quả vốn vay; tiếp tục huy động nguồn hỗ trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức cộng đồng và người dân cho công tác giảm nghèo.

Cùng với đó, Quảng Trạch tiếp tục đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trên cơ sở Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; thực hiện quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao; đầu tư hỗ trợ và nhân rộng các mô hình đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, làng nghề để giải quyết việc làm tại chỗ có hiệu quả, chú trọng các nghề dịch vụ phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn huyện...

Phấn đấu trong giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm từ 2-3%; giải quyết việc làm cho khoảng 25.000 lao động, trong đó xuất khẩu lao động đi làm việc ở nước ngoài gần 1.500 người; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 38%.

Với những biện pháp đang được thực hiện, tin rằng công tác giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề, tạo việc làm giai đoạn 2016-2020 ở Quảng Trạch sẽ tiếp tục thu được nhiều kết quả, góp phần xây dựng Quảng Trạch ngày càng đổi mới và phát triển.

P.V