.

Kiểm soát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản - Kỳ 1

Thứ Năm, 02/06/2016, 07:16 [GMT+7]

(QBĐT) - Đối với các sản phẩm nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được ví như là “con dao 2 lưỡi”. Bởi ngoài tác dụng hạn chế sự phá hoại của sâu bệnh, nâng cao năng suất cây trồng, thuốc BVTV sẽ đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của con người và gây ảnh hưởng xấu đến môi trường nếu chúng được sử dụng một cách bừa bãi, thiếu kiểm soát. Thực trạng sử dụng thuốc BVTV không đúng kỹ thuật, không bảo đảm thời gian cách ly hay tồn dư thuốc vượt ngưỡng cho phép... đang trở thành nỗi lo không của riêng ai.

Kỳ 1: Tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản-Nỗi lo không của riêng ai

Thực trạng đáng lo ngại

“Đi chợ bây giờ mua gì cũng thấy sợ!”, đó là câu trả lời chung mà phóng viên nhận được sau khi trao đổi với các bà nội trợ tại một số chợ trên địa bàn. Bởi bên cạnh nỗi lo thịt bị nhiễm dư lượng chất độc hại; chả, bún có dư lượng hàn the... còn là nỗi lo rau, củ quả tồn dư thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép.

Trao đổi với chúng tôi, chị Võ Thị Năm (Bắc Lý, Đồng Hới) chia sẻ, đối với riêng gia đình tôi, ngoài thịt, cá... bữa ăn không thể nào thiếu rau, quả. Tuy nhiên, việc lựa chọn các loại sản phẩm này là vô cùng khó khăn bởi với kiểu buôn bán “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay, chúng tôi không thể phân biệt được đâu là rau sạch và đâu là rau có dư lượng thuốc BVTV vượt quá ngưỡng quy định. Tôi cũng chỉ dựa vào kinh nghiệm của bản thân, chọn những loại rau, củ nhìn cằn cỗi, thậm chí có lá bị sâu ăn “càng tốt”...

Cũng như chị Võ Thị Năm, chị Nguyễn Thị Búp (tiểu khu 9 thị trấn Hoàn Lão, Bố Trạch) không giấu được sự ái ngại của mình: Qua các phương tiện thông tin đại chúng, chị em nội trợ như chúng tôi cũng nghe nhiều về thực phẩm bẩn; rau củ có phun thuốc tăng trưởng...

Đi chợ bây giờ thấy rau củ càng xanh tươi, non mơn mởn lại càng thấy sợ, không dám mua vì sợ nhầm phải sản phẩm có tồn dư thuốc BVTV, chất cấm. Tôi chỉ tin tưởng những người bán rau nắm, rau mớ vì nghĩ đó là rau sạch nhưng không biết có sạch thật không. Chưa bao giờ việc ăn uống lại khiến chúng tôi lo lắng như hiện nay.

Hiển nhiên, nỗi lo lắng của chị Năm, chị Búp và các bà nội trợ không phải là không có căn cứ bởi báo cáo mới đây từ Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết: Trong năm 2015, Phòng QLCL nông lâm thủy sản đã phối hợp với Phòng Thanh tra-Pháp chế (thuộc chi cục) tiến hành lấy 423 mẫu nông thủy sản bao gồm cả mẫu thịt, tôm, rau, quả, bún bánh... để phân tích, kiểm soát dư lượng các chất độc hại.

Nhiều gia đình đã tự trồng rau để “đối phó” với tình trạng nhập nhằng giữa rau sạch và rau bẩn.
Nhiều gia đình đã tự trồng rau để “đối phó” với tình trạng nhập nhằng giữa rau sạch và rau bẩn.

Kết quả phân tích phát hiện 23/423 mẫu có dư lượng các chất độc hại. Trong đó, chỉ tính riêng các loại rau, đơn vị đã tiến hành lấy 155 mẫu tại hơn 90 cơ sở sản xuất và kinh doanh trên địa bàn để tiến hành phân tích tại phòng kiểm nghiệm và kiểm tra nhanh bằng testkit. Kết quả phân tích cho thấy có 13/155 mẫu có dư lượng Nitrat và thuốc bảo vệ thực vật.

Bên cạnh đó, trong 4 tháng đầu năm 2016, đơn vị cũng đã kiểm tra, giám sát việc thực hiện sản xuất rau an toàn tại 24 cơ sở. Kết quả kiểm tra cho thấy có 7/24 cơ sở không đạt yêu cầu do sử dụng phân tươi để tưới rau và sử dụng thuốc BVTV không đúng quy định về thời gian cách ly.

Khó kiểm soát

Theo các cơ quan chức năng, việc tồn dư thuốc BVTV trong nông sản bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó chủ yếu là do trong quá trình sản xuất canh tác rau quả, người dân và các cơ sở sản xuất quá lạm dụng thuốc BVTV, không chú ý xem loại thuốc BVTV nào là an toàn, loại thuốc BVTV nào là độc hại.

Kèm theo đó, việc người dân và các cơ sở sản xuất rau, củ sử dụng thuốc BVTV hoàn toàn mang tính “ngẫu hứng”, chỉ dựa vào kinh nghiệm; không tuân thủ theo khuyến cáo và chỉ dẫn về liều lượng, số lần phun ghi trên nhãn thuốc cũng là nguyên nhân khiến dư lượng thuốc BVTV vượt quá quy định cho phép.

Ngoài ra, tình trạng người dân và các cơ sở sản xuất sử dụng thuốc BVTV không bảo đảm thời gian cách ly cũng diễn ra khá phổ biến. Điều này là rất nguy hiểm bởi thời gian quá ngắn khiến thuốc BVTV chưa phân hủy hết, còn tồn lại trong rau củ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng và môi trường.

Trao đổi với phóng viên, bà Hồ Tuyết Minh, Trưởng phòng QLCL nông lâm thủy sản, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết: Thực tế kiểm tra tại các cơ sở sản xuất và kinh doanh rau, củ cho thấy về cơ bản, các sản phẩm nông thủy sản được sản xuất trên địa bàn tỉnh ta được kiểm soát khá tốt, tương đối ổn định và bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm. Năm 2015, tỷ lệ mẫu không bảo đảm an toàn chiếm 2,8% (giảm 3% so với năm 2014).

Tuy nhiên, điều trăn trở và đáng quan tâm của người làm công tác quản  lý và người tiêu dùng hiện nay đó chính là tỉnh ta hiện cũng đang tiêu thụ một lượng hàng hóa tương đối lớn các loại nông sản nhập từ ngoại tỉnh, trong đó chiếm đa số là các sản phẩm rau, quả.

Trong số 13 mẫu nhiễm dư lượng thuốc BVTV mà cơ quan chức năng đã kiểm tra (năm 2015) thì có đến 8 mẫu rau có nguồn gốc ngoại tỉnh. Điều đáng lo ngại đó chính là nhóm đối tượng này hiện vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, nếu không muốn nói là rất khó kiểm soát kể cả quá trình sản xuất, vận chuyển, bảo quản và lưu thông trên thị trường.

Nhằm “đối phó” với tình trạng nhập nhằng giữa rau sạch và rau có tồn dư chất độc hại, không ít hộ gia đình đã tìm đến giải pháp tự trồng rau an toàn để sử dụng cho gia đình. Bà Nguyễn Thị Kiều (Nam Lý, Đồng Hới) chia sẻ: Nhà tôi có cháu nhỏ, để bảo đảm an toàn cho các cháu, tôi đã tự trồng một số loại rau thông dụng như mùng tơi, rau dền, khoai lang... trong các chậu cảnh, thùng xốp, vườn nhà; vừa an toàn, vừa tiết kiệm. Dù các sản phẩm tự trồng là rất ít và không thể phong phú về chủng loại như ngoài chợ nhưng như thế cũng giúp gia đình tôi thấy yên tâm phần nào.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài vẫn cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng và người dân nhằm kiểm soát chặt chẽ dư lượng thuốc BVTV trong nông sản, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Thanh Hải

Kỳ 2: Cần có những giải pháp đồng bộ, bền vững