.

Ngành Nông nghiệp Quảng Bình ứng phó với biến đổi khí hậu - Bài 1: Hiểm họa của biến đổi khí hậu

Thứ Sáu, 27/05/2016, 10:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Tác động của biến đổi khí hậu đối với kinh tế-xã hội Việt Nam rất nghiêm trọng và là một trong những thách thức lớn cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước. Trong đó, sản xuất nông nghiệp được coi là một trong những lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Riêng tại Quảng Bình, những năm gần đây đã xảy ra nhiều cơn bão lớn, có diễn biến bất thường, hạn hán kéo dài,... gây thiệt hại nặng nề cho người dân và nền kinh tế tỉnh nhà, đặc biệt là ngành Nông nghiệp.

 

Thiệt hại nặng nề

Nông nghiệp là lĩnh vực có vị trí cực kỳ quan trọng của nền kinh tế tỉnh Quảng Bình. Theo số liệu thống kê năm 2015, nông nghiệp tỉnh có tổng giá trị 11.308 tỷ đồng, chiếm 24,6% GDP.

Trồng trọt chiếm diện tích lớn với 54.160 ha lúa, ngô 4.661 ha, lạc 4.881 ha, sắn 6.271 ha, cao su 18.361 ha. Chăn nuôi: trâu 35.370 con, bò 90.856 con, lợn 362.490 con, gia cầm 2,74 triệu con. Nhờ vậy, tổng sản lượng lương thực đạt khoảng 29,9 tấn, tổng sản lượng thịt hơi khoảng 65.771 tấn.

Tuy nhiên những năm qua, tỉnh đã chịu tác động xấu của nhiều loại thiên tai nguy hiểm như bão lớn, nắng nóng gay gắt, lũ lụt, hạn hán, gây thiệt hại lớn về tính mạng con người, của cải vật chất và đặc biệt đang thách thức ngành Nông nghiệp trước sự phát triển bền vững. Hàng năm có từ 4 đến 5 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến tỉnh ta, trong đó có 1-2 cơn đổ bộ trực tiếp, kèm theo đó là mưa to gây ra lũ lụt, lốc xoáy.

Điển hình là cơn bão số 10 lịch sử vào ngày 30-9-2013, gió giật cấp 10, 11, giật cấp 12, 13, đã tàn phá nặng nề địa bàn toàn tỉnh, tổng thiệt hại trị giá trên 8.000 tỷ đồng. Trong đó, đối với ngành Nông nghiệp, cơn bão số 10 đã làm cho khoảng 30 tàu đánh cá, thuyền nan của ngư dân bị chìm, hư hỏng; 1.500 ha cây keo, bạch đàn bị gãy đổ; 25.000 tấn lúa của nông dân bị ướt; 50 ao nuôi tôm bị trôi; 10 km kênh mương bị sập; đặc biệt trên 50% diện tích cây cao su bị gãy đổ...

Không chỉ gánh chịu những thiệt hại do bão lụt gây ra, nền nông nghiệp Quảng Bình cũng đang phải gồng mình gánh chịu những đợt nắng nóng kéo dài kèm theo gió Lào, gây khô hạn. Từ năm 2014 đến nay, Quảng Bình bị hạn nặng, lượng mưa năm 2014 chỉ đạt 60% trung bình hàng năm, nhiều hồ chứa bị thiếu nước dẫn đến vụ hè-thu nhiều diện tích không gieo cấy được, năng suất cây trồng giảm.

Tình hình rét đậm, rét hại cũng tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp, đầu năm 2011, rét kèo dài đến 40 ngày làm 6.900/28.464 ha lúa chết phải gieo lại, 2.743 con trâu bò bị chết; đầu năm 2016 rét đậm ở mức kỷ lục làm 4.402 ha lúa và màu bị thiệt hại, trong đó 1.609 ha bị mất trắng, 1.523 con gia súc và 5.480 gia cầm bị chết.

Bà con nông dân gặt lúa chạy lũ.
Bà con nông dân gặt lúa chạy lũ.

Cùng với nắng nóng và hạn hán, tình trạng nhiễm mặn cũng ngày càng nghiêm trọng hơn, đặc biệt ở hạ lưu các con sông lớn (vụ đông-xuân 2015-2016 đã có 47 ha lúa bị chết do nhiễm mặn)...

Cần nhìn nhận đúng về biến đổi khí hậu

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tại phiên họp thứ 7 của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu trong tháng 4 vừa qua, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu đang đứng trước những thách thức lớn, cần có những giải pháp ở tầm vĩ mô với tinh thần quyết liệt hơn.

Bởi trên thực tế biến đổi khí hậu đã diễn ra nhanh hơn so với dự báo, các hiện tượng thiên tai cực đoan có xu hướng ngày càng phức tạp, khó lường. Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu đánh giá, nhận thức về biến đổi khí hậu ở các cấp, ngành, địa phương có nâng lên nhưng vẫn chưa tương xứng với diễn biến, mức độ tác động của biến đổi khí hậu trong bối cảnh lĩnh vực này cần lượng vốn đầu tư lớn, trong khi nguồn kinh phí bố trí còn hạn chế.

Bên cạnh đó, việc lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu vào những chiến lược, quy hoạch còn nhiều hạn chế. Việc đề xuất, triển khai dự án ứng phó với biến đổi khí hậu còn chậm, quy mô nhỏ lẻ, chưa gắn với yếu tố liên vùng nên hiệu quả chỉ phát huy cục bộ...

Từ thực trạng trên, có thể thấy yêu cầu cần thiết trước mắt là phải thay đổi cách nghĩ trong đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu; nhiệm vụ tuyên truyền về biến đổi khí hậu cần đặt lên hàng đầu; tăng cường năng lực ứng phó, dự báo biến đổi khí hậu.

Đối với Quảng Bình, là địa phương có lãnh thổ hẹp, sông ngắn và dốc nên chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Theo kịch bản biến đổi khí hậu, Quảng Bình có nhiệt độ trung bình tăng 3,60C vào năm 2100, số đợt nắng nóng và ngày nắng nóng cũng gia tăng. Mực nước biển trung bình có thể tăng 65cm vào năm 2025, lên 75cm vào năm 2070 và có thể tăng 1m vào năm 2100. Biến đổi khí hậu được dự báo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và sinh hoạt của các cộng đồng dân cư ven biển, ven sông.

Với kịch bản nước biển dâng 1m thì hiện tượng xâm nhập mặn sẽ tiến vào sâu trong sông, mặn tiềm tàng trong lòng đất dẫn đến nhu cầu sử dụng nước sẽ tăng cao và ảnh hưởng tới khoảng 15.000 ha đất của tỉnh. Khoảng hơn 100.000 người vùng ven biển sẽ thiếu nước sinh hoạt.

Nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng do bão lụt.
Nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng do bão lụt.

Không những thế, biến đổi khí hậu còn làm thay đổi lượng mưa và thiếu hụt lượng nước tại khu vực có núi cao dẫn tới tình trạng hạn hán, lũ quét, sạt lở đất, cháy rừng và bệnh tật ngày càng phức tạp. Bên cạnh đó, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do khô hạn và xâm nhập mặn tiến sâu vào nội đồng...

Ông Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực từ việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, tuy nhiên đến nay tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn như lực lượng cán bộ làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực biến đổi khí hậu tại địa phương còn thiếu. Bên cạnh đó công tác đào tạo tập huấn về lĩnh vực biến đổi khí hậu chưa được chú trọng đúng mức nên đa số cán bộ còn thiếu kinh nghiệm...

Để công tác ứng phó với biến đổi khí hậu đi vào thực tiễn, đem lại hiệu quả thiết thực đối với phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, thời gian tới, ngoài những nhiệm vụ sát sườn là tăng cường đầu tư hoàn thiện bảo vệ các công trình ven biển; chuẩn bị các phương án tái định cư; di dời cơ sở hạ tầng và khu dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm...

Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn phổ biến kiến thức, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về tác động của biến đổi khí hậu cho từng địa phương, từng ngành; xây dựng mô hình cộng đồng ứng phó với thiên tai có hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu; tham mưu cho tỉnh xây dựng và ban hành các chính sách nhằm khuyến khích phát triển mô hình sản xuất sạch, các công nghệ thân thiện với môi trường nhằm giảm phát thải khí nhà kính, nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu.

Lê Mai

Bài 2: Giải pháp để thích ứng