.
Chuyện quản lý:

Đừng để dân tự "bơi"!

Thứ Sáu, 22/04/2016, 09:20 [GMT+7]

(QBĐT) - Gần 2 tuần qua, người dân Quảng Bình và các tỉnh lân cận khốn đốn bởi thảm nạn cá biển chết hàng loạt. Cuộc sống của hàng triệu người đã bị ảnh hưởng bởi cơn “tai bay vạ gió” bất thường này. Ngư dân không buồn ra khơi, vì đánh bắt về chả ai mua; mà cơ cực nhất là bà con vùng bãi ngang, phải chạy ăn từng bữa nhờ con cá con tôm vùng lộng hàng ngày, nay phải bó gối nhìn ra…

Thảm cảnh không kém là các hộ tiểu thương chuyên buôn bán cá biển, ngồi chợ cả ngày chả ai thèm hỏi han. Rồi các bà nội trợ, sáng nào cũng hỏi nhau rồi tự hỏi mình, “hôm ni biết mua chi ăn hè”?...

Lẽ thường, hỗ trợ dân về thông tin, cảnh báo… trong những trường hợp tương tự là chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng, cụ thể là các nhà quản lý, nhà khoa học… Nhưng trong thảm nạn này, dường như những người có trách nhiệm lại bị động lúng túng và quá chậm trễ trong xử lý tình huống. Gần 10 ngày sau khi phát hiện cá chết hàng loạt, báo chí và mạng xã hội phải “nóng ruột” dùm dân, thì một vài bộ, ngành Trung ương mới lập đoàn truy tìm nguyên nhân và dè dặt khuyến cáo dân không nên dùng cá chết.

Rất may là bây giờ người dân đã có ý thức cao trong việc tự bảo vệ sức khỏe cho mình, nên chưa có vụ ngộ độc nào đáng tiếc xảy ra. Nhưng nguyên nhân đích thực của việc cá biển chết hàng loạt thì chưa biết đến bao giờ mới có kết luận chính thức. Cũng có nghĩa là, ngư dân, tiểu thương buôn bán hải sản, người tiêu dùng… sẽ còn cơ cực dài dài…

Hậu quả nặng nề của hiện tượng bất thường này là khó có thể đo đếm. Chưa nói tới hệ lụy về môi trường biển, môi trường du lịch, về các vấn đề xã hội nảy sinh…, chỉ riêng việc một số tiểu thương vì hám lợi nhất thời, vì “tiếc của” mà đành đoạn ướp muối cá chết làm mắm bán cho người tiêu dùng, hay chế biến làm thức ăn cho gia súc gia cầm mà không biết cá chết vì độc tố gì, cũng đủ để ta rùng mình ớn lạnh.

Bởi vậy, dù muộn còn hơn không, các cơ quan chức năng và chính quyền sở tại cần sớm tăng cường tuyên truyền khuyến cáo, vận động người dân và tiểu thương (mà có lẽ hiệu quả nhất là thông qua hệ thống truyền thanh ở làng xã) tự giác tiêu hủy sản phẩm cá chết hàng loạt thời gian qua; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. Đồng thời, sớm có kết luận chính thức nguyên nhân để ổn định tình hình, và rút kinh nghiệm sâu sắc cho những tình huống tương tự lần sau.

Đừng để dân tự “bơi” một mình, mau đuối sức lắm!

P.V