.

Từ hợp tác hóa đến đích nông thôn mới

Thứ Sáu, 25/03/2016, 09:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau kháng chiến 9 năm chống Pháp, cùng với nhân dân cả nước bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, Đảng bộ và nhân dân Quang Phú tự hào khi được Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính tỉnh chọn làm điểm thành lập HTX đầu tiên của tỉnh.

>> Nửa thế kỷ anh hùng

Sự kiện thành lập HTX diễn ra ngày 1-8-1958, ban đầu HTX có 21 hộ, 105 nhân khẩu. Bước sang năm 1959, trên vùng đất Phú Hội phát triển thành 4 HTX gồm: Bắc Ninh, Tân Lập, Tân Tiến và Quách Xuân Kỳ.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ Quảng Bình và Huyện uỷ Quảng Ninh, cả làng Phú Hội dấy lên khí thế thi đua yêu nước, tuy mới thành lập nhưng các HTX phát triển mạnh. Để phù hợp với yêu cầu đổi mới về quan hệ sản xuất, mùa xuân năm 1960, HTX cấp cao Quang Phú ra đời do đồng chí Lê Trạm làm chủ nhiệm, 98% số hộ vào HTX, có 570 lao động trong đó gồm 250 lao động nam và 320 lao động nữ.

Ngoài đánh bắt hải sản, HTX có thêm một đội chuyên chế biến hải sản; một đội trồng cây; một tổ thợ thuyền; tổ chuyên nuôi tằm lấy tơ và 1 tổ đan lưới. Với sự tâm đầu giữa ý Đảng với lòng dân, đoàn kết phấn khởi xây dựng đời sống mới nên 100% lao động đều có việc làm tăng thu nhập, cuộc sống bảo đảm ấm no.

Quang Phú hôm nay.
Quang Phú hôm nay.

Vinh dự đầu tiên cho phong trào HTX ở Quang Phú là ngày 28-3-1962, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ vào trực tiếp chỉ đạo xây dựng HTX. Cùng năm, đồng chí Lê Trạm, chủ nhiệm HTX Quang Phú vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Giai đoạn từ năm 1962 đến năm 1972, Quang Phú liên tiếp đón các lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Nhà nước, bộ, ngành, các đoàn khách quốc tế đến thăm, động viên, học tập phong trào HTX.

Năm 1966, Bác Hồ gửi quà tặng cán bộ và nhân dân Quang Phú vì thành tích "Sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, tổ chức cuộc sống giỏi". Món quà của Bác tạo nên một khí thế thi đua yêu nước sôi nổi trong toàn Đảng, toàn dân. Sản xuất, đánh bắt hải sản và chế biến tại chỗ theo khẩu hiệu "Thuyền là nhà, biển cả là quê hương, đất liền là nơi tạm trú", các đồng chí chi uỷ phụ trách bám sát phương hướng của chi bộ, lãnh đạo đảng viên và xã viên tranh thủ mọi thời gian sản xuất và chiến đấu giỏi. Hình ảnh cảm động vô cùng là 7 chị em đoàn viên thanh niên xung phong vượt bom đạn, vượt biển ra khơi đánh cá thay các nam thanh niên lên đường ra trận.

Song song với nghề cá, chi bộ Đảng sớm nhận thức về việc trồng cây trên cát, xem đây là nhiệm vụ chính trị và chiến lược lâu dài với phương châm "Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù". Trong những năm chiến tranh khốc liệt, đội trồng cây đã lăn lộn trồng mới và dặm lại hàng trăm ha cây dương liễu, bạch đàn xanh tốt che chắn nhân dân; ngụy trang kho tàng, lấy gỗ làm hầm cho bộ đội pháo binh mặt đất và phòng không chiến đấu.

Từ năm 1964 đến năm 1972, bình quân sản lượng khai thác hải sản đạt 484 tấn/năm. Năm 1972 là năm chiến tranh phá hoại ác liệt nhất nhưng với tấm lòng quả cảm, toàn HTX đã nâng sản lượng lên 685 tấn cá, năng suất lao động bình quân 5 tấn/người .

Vừa đẩy mạnh sản xuất, giữ vững danh hiệu Anh hùng của HTX vừa tham gia bảo vệ quê hương với khẩu hiệu "Cá không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Chín năm đánh Mỹ, Quang Phú làm nghĩa vụ với Nhà nước 3.551 tấn hải sản, vượt kế hoạch giao từ 20 đến 35%/năm.

Từ HTX anh hùng trong những năm tháng chiến tranh, Quang Phú bây giờ vững vàng hơn trên con đường đổi mới. Bằng đức tính cần cù, sáng tạo và táo bạo trong làm ăn, ngư dân Quang Phú huy động mọi nguồn vốn để đóng tàu có công suất lớn, vươn khơi.

Sản xuất phát triển, đời sống nhân dân ngày một được cải thiện, hộ khá, giàu tăng, hộ nghèo giảm còn lại 1,45%, không có hộ đói; 100% số hộ có nhà ngói, nhiều gia đình xây nhà cao tầng, trang bị nội thất đắt tiền, 100% hộ có phương tiện nghe nhìn và xe máy, nhiều hộ có ô tô con.

Năm 1994, toàn xã chỉ có 21 tàu, đến nay tăng lên 95 chiếc tàu công suất từ 33 đến 140 CV và hàng chục thuyền công suất dưới 20CV. Sản lượng đánh bắt ngày một tăng theo sự phát triển của quy mô phương tiện. Năm 2000, sản lượng đạt 968 tấn, tiêu thụ nội địa 65% và xuất khẩu 35%. Năm 2015, đánh bắt khai thác hải sản đạt 3.277 tấn, trong đó xuất khẩu đạt 65%. Cùng với sự ổn định về kinh tế, mạng lưới dịch vụ du lịch cũng hình thành và phát triển.

Đến nay, toàn xã có hàng chục nhà hàng, nhà nghỉ, thu nhập từ dịch vụ đạt 60,4 tỷ đồng/năm. Các nghề tiểu thủ công nghiệp, vận tải đã và đang phát triển mạnh mẽ như: vận tải ô tô, nhôm kính, gò hàn, xây dựng, mộc dân dụng... giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, ổn định đời sống dân sinh. Thu ngân sách  năm sau cao hơn năm trước. Đầu tư cơ bản tăng gần 150% so với năm 2010.

Nhắc đến Quang Phú là nhắc đến địa phương có phong trào trồng cây chắn cát phát triển nhất trong toàn tỉnh. Anh hùng Lao động Phạm Thị Nghèng có 40 năm trồng rừng, bà ra đi để lại hàng chục ha rừng cây xanh tốt. Noi gương mẹ, đội trồng cây và tổ bảo vệ rừng luôn luôn làm tốt nhiệm vụ, không để xảy ra tình trạng chặt phá và cháy rừng; môi sinh, môi trường trong toàn xã được bảo đảm.

50 năm từ phong trào HTX, từ danh hiệu Anh hùng Lao động trong chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi và 30 năm kể từ khi thành lập xã, Quang Phú luôn kiên cường để không ngừng lớn mạnh. 

Phạm Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã