.

Trồng hành ta trên cát ở Hải Ninh

Thứ Ba, 22/03/2016, 09:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh về đất đai, đa dạng hóa cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích đất canh tác, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thời gian qua, chính quyền xã Hải Ninh đã tiến hành trồng thử nghiệm cây hành ta trên cát. Sau hơn ba tháng triển khai, hiệu quả bước đầu của mô hình đã chứng minh đây là một hướng phát triển kinh tế cần được nhân rộng trên địa bàn.

Chúng tôi ghé thăm mô hình trồng hành của chị Nguyễn Thị Lý (thôn Tân Định) đúng lúc gia đình chị đang thu hoạch hành. Tất bật thu hoạch lứa hành đầu tiên trên diện tích 250m2 của gia đình, chị Lý phấn khởi: “Khi trồng thử nghiệm hành ta trên cát, tôi cũng như bà con ở đây đều lo lắng thời tiết bất lợi, không thể chăm sóc được.

Nhưng thực tế là chăm sóc hành không quá khó, thời gian trồng ngắn hơn lúa lại không mất nhiều công chăm sóc nên cho thu hoạch rất khá. Qua vụ đầu cho thu nhập cao nên chúng tôi rất yên tâm”. Niềm vui của gia đình chị Lý cũng là niềm vui chung của 40 hộ dân Hải Ninh trồng thí điểm vụ hành đông xuân này.

“Để tận dụng nguồn đất đai sẵn có, sau vụ dưa hấu, chính quyền xã nhận thấy nên trồng luân canh sang loại cây khác. Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy cây hành ta khá dễ trồng, phù hợp với nhiều loại đất khác nhau và có thể trồng quanh năm, đặc biệt, nếu trồng vào vụ đông xuân hiệu quả sẽ cao hơn.

 Mô hình trồng hành trên cát, hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân ở Hải Ninh
Mô hình trồng hành trên cát, hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân ở Hải Ninh.

Do đó, xã quyết định cho bà con trồng thí điểm cây hành ta trên cát từ vụ đông xuân 2015-2016 với tổng diện tích 10.000 m2. Mặc dù vùng đất cát Hải Ninh vốn nghèo dinh dưỡng nhưng nhờ được tập huấn kỹ, nắm bắt được kỹ thuật và tích cực cải tạo đất nên quá trình trồng thí điểm diễn ra khá thuận lợi.

Trong quá trình thực hiện mô hình, UBND xã Hải Ninh phối hợp với Trạm khuyến nông và các ban, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức tập huấn giới thiệu về giống, lịch thời vụ, kỹ thuật tuyển chọn bốc, tách tép củ giống, kỹ thuật làm đất, trồng, chăm sóc, sử dụng phân bón hợp lý, phòng trừ sâu bệnh tổng hợp; kiểm tra theo dõi qua từng thời kỳ sinh trưởng của cây hành ta để hướng các hộ tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật đã hướng dẫn. Nhờ đó, năng suất, sản lượng vụ đầu tiên rất khả quan”, ông Lê Văn Khởi, Bí thư Đảng ủy xã Hải Ninh cho biết.

Sau khi thẩm định chọn hộ tham gia mô hình, UBND xã Hải Ninh đã cử cán bộ kỹ thuật có chuyên môn phù hợp trực tiếp hướng dẫn và chỉ đạo các hộ thực hiện mô hình. Để giải quyết những vấn đề vướng mắc trong quá trình áp dụng quy trình kỹ thuật mới vào thực tiễn sản xuất, cán bộ kỹ thuật đã về tận đồng ruộng để tư vấn, “bắt tay chỉ việc” cho nông dân. Cái khó của trồng hành chính là bảo đảm nguồn nước và phòng chống dịch bệnh.

Mặc dù hệ thống tưới tiêu của xã còn hạn chế nhưng các hộ thực hiện mô hình đã chủ động được nguồn nước để tưới. Đa số các hộ ở đây tưới nước bằng phương pháp thủ công, dùng xoa để tưới ngày 2 lần vào buổi sáng sớm và chiều tối nên bảo đảm đủ độ ẩm để cây sinh trưởng và phát triển.

Ngoài ra, có một số hộ đã sử dụng hệ thống tưới tự động nhỏ giọt, phun sương. Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, cây hành ta thường bị “tấn công” bởi bệnh dòi đục củ và bệnh khô đầu lá, sương mai gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển cây trồng. UBND xã đã cử cán bộ nông nghiệp trực tiếp hướng dẫn bà con nhổ bỏ cây bị bệnh, sau đó rắc vôi tả hoặc tro bếp để phòng bệnh kịp thời bảo đảm mật độ trên đồng ruộng.

Đồng thời khuyến cáo bà con phun các loại thuốc có trong danh mục các loại thuốc được lưu hành như Benlat 50WP 0,3% hoặc Aliette 80WP 0,25%, bảo đảm thời gian cách ly sau khi phun. “Nhờ tuân thủ nghiêm các quy trình kỹ thuật của việc trồng, chăm sóc nên sau hơn 3 tháng tổ chức thực hiện mô hình trồng thử nghiệm, năng suất thực thu cả củ và lá đạt 22,5 tấn; năng suất thực thu đối với thu hoạch củ đạt 13,5 tấn.

Sau khi trừ các chi phí sản xuất thì 1 ha trồng hành thu hoạch cả củ và lá cho lãi trên 150 triệu đồng tương đương với 7,5 triệu đồng/sào (500m2); thu hoạch củ cho lãi gần 185 triệu đồng/ha tương đương trên 9,2 triệu đồng/sào (500m2). Chỉ cần tính sơ sơ cũng đã thấy được hiệu quả của mô hình trồng hành. Bà con ai cũng phấn khởi, hào hứng với việc phát triển, nhân rộng mô hình trong thời gian tới”, ông Khởi hồ hởi chia sẻ.

Tuy chỉ mới được thực hiện trong thời gian ngắn song việc trồng hành ta trên cát đã mang lại những lợi ích thiết thực, mở ra cơ hội phát triển mới cho nông dân sử dụng đất tại địa phương. Đây là mô hình hứa hẹn sẽ mang lại bước phát triển mới, góp phần xoá đói giảm nghèo, giúp người dân vươn lên làm giàu.

Đ.V