.
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Ngành Nông nghiệp-PTNT và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì:

Dấu ấn một chặng đường

Thứ Ba, 10/11/2015, 08:10 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 14-11-1945, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ra Quyết nghị thành lập Bộ Canh nông. Theo đó ngành Nông nghiệp và PTNT các địa phương, trong đó có tỉnh Quảng Bình được thành lập. Cùng với truyền thống vẻ vang 70 năm qua của ngành Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Bình không ngừng phát triển đi lên, đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quê hương.

Lật lại trang sử truyền thống, ngành Nông nghiệp và PTNT Việt Nam qua nhiều lần chia tách, sáp nhập, đến tháng 10-1995 Bộ Nông nghiệp và PTNT chính thức thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 bộ: Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm; Lâm nghiệp và Bộ Thủy lợi.

Cánh đồng lúa mẫu lớn ở huyện Quảng Ninh.
Cánh đồng lúa mẫu lớn ở huyện Quảng Ninh.

Đến tháng 8-2007, tiếp tục sáp nhập Bộ Thủy sản vào Bộ Nông nghiệp và PTNT. Kể từ đó, ngành Nông nghiệp và PTNT thống nhất tất cả các đầu mối liên quan đến lĩnh vực làm nền tảng cho sự phát triển nông thôn, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, thủy lợi và phát triển nông thôn trong phạm vi cả nước...

Đặc biệt, ngày 18-6-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 890/QĐ-TTg chính thức lấy ngày 14-11 hàng năm làm ngày truyền thống ngành Nông nghiệp và PTNT Việt Nam.

Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, cùng với sự phát triển đi lên của ngành Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, ngành Nông nghiệp và PTNT Quảng Bình đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.

Trong thời kỳ kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và khu vực nông thôn tỉnh Quảng Bình đã góp phần với cả nước hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của “hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn”, thực hiện lời dạy của Bác “ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sỹ, hậu phương thi đua với tiền phương”.

Thời kỳ này khắp các vùng miền trong tỉnh Quảng Bình  dấy lên những phong trào tiêu biểu như “hũ gạo nuôi quân”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người. Đặc biệt, ngành Nông nghiệp và PTNT đã thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng bộ và chính quyền tỉnh, với quyết tâm tổ chức sản xuất lương thực, thực phẩm bảo ổn định đời sống nhân dân và chi viện cho chiến trường.

Ngành đã thực hiện phương châm “xuống đội, lội đồng” sâu sát với nông dân; nêu cao khẩu hiệu “Bám làng sản xuất, chiến đấu”, “Tay cày, tay súng", "Tay chèo, tay súng”, “Cán bộ bám dân, HTX bám ruộng, xã viên bám hố bom sản xuất, thâm canh”. Các HTX trong toàn tỉnh thi đua thực hiện mục tiêu đạt 4 tấn thóc, 7 tấn màu và 3 đầu gia súc/1ha gieo trồng, đã góp phần quan trọng vào thắng lợi vẻ vang của các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, giành lại hòa bình, thống nhất đất nước.

Thành tựu nổi bật và cũng là niềm tự hào trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn giai đoạn này chính là việc Quảng Bình đã trở thành địa phương dẫn đầu toàn miền Bắc trong phong trào hợp tác hóa, trong đó có 2 ngọn cờ đầu của toàn miền Bắc là HTX nông nghiệp Đại Phong và HTX ngư nghiệp Quang Phú.

Đến cuối kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, toàn tỉnh đã có 95,9% số hộ nông dân tham gia HTX, trong đó có 82,6% số hộ tham gia HTX bậc cao; gần 29.000ha đất trồng cây lương thực được bảo đảm nước tưới, 2.600ha được tiêu úng  và 1.000ha thoát khỏi ngập mặn; nhiều cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp như trạm, trại, cơ sở chế biến, sản xuất nông, ngư lưới cụ được khôi phục kịp thời...

Từ trong chiến đấu và sản xuất, nhân dân Quảng Bình nói chung, ngành Nông nghiệp và PTNT nói riêng đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu xứng đáng với lời khen của Bác Hồ trong thư gửi chiến sĩ và đồng bào Quảng Bình: “Quảng Bình chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi”. Phong trào thi đua “Hai giỏi” thực sự là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và là niềm tự hào của nhân dân tỉnh nhà trong đó có phần đóng góp xứng đáng của ngành Nông nghiệp và PTNT.

Sau ngày tái lập tỉnh (tháng 7-1989), lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT có điều kiện thuận lợi để phát triển toàn diện và từng bước thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn theo đường lối đổi mới của Đảng. Các ngành trong lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT cùng với các ban, ngành trong tỉnh vừa ổn định nơi ăn, chốn ở, cơ sở làm việc, vừa bắt tay thực hiện 3 chương trình kinh tế mà Đại hội Đảng đã đề ra; trong đó Chương trình sản xuất lương thực và thực phẩm có vị trí cực kỳ quan trọng.

Để thực hiện chương trình này, ngành đã triển khai chỉ đạo phát triển đồng bộ trên cả 4 lĩnh vực của nông nghiệp, nông thôn là sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và xây dựng hạ tầng cho nông thôn trong đó trọng tâm là hạ tầng thủy lợi.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, gần 30 năm qua nông nghiệp và nông thôn Quảng Bình liên tục giành được những thành tựu to lớn và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thuỷ sản đều có bước phát triển mạnh mẽ, chuyển dần từ số lượng sang chất lượng và giá trị. Năng suất, sản lượng lúa tăng qua các năm, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu; chăn nuôi có bước phát triển và chiếm tỷ trọng cao trong giá trị sản xuất nông nghiệp; độ che phủ của rừng đứng đầu trong cả nước; khai thác và nuôi trồng thuỷ sản đều có bước phát triển nhanh và liên tục.

Hàng trăm công trình hạ tầng nông nghiệp được xây dựng, nâng cấp là yếu tố rất quan trọng tạo ra sự phát triển của sản xuất nông-lâm-thuỷ sản; nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, góp phần bảo đảm hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp. Phong trào xây dựng nông thôn mới có sức lan tỏa và đã thu được những kết quả quan trọng, đến nay đã có trên 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).

Cùng với sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn; hệ thống tổ chức ngành ngày càng hoàn thiện, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được nâng cao về năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị và tinh thần phục vụ. Đã hình thành một hệ thống bộ máy quản lý nhà nước nông nghiệp từ tỉnh đến cơ sở khá đồng bộ, hoạt động có hiệu lực và hiệu quả.

Trước yêu cầu của thời kỳ CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, cán bộ, CNVC ngành Nông nghiệp và PTNT Quảng Bình xác định sứ mệnh và trách nhiệm của mình trong chặng đường tới là rất to lớn và nặng nề.

Giai đoạn 2015-2020, dự báo kinh tế thế giới, trong nước tăng trưởng chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro; việc mở cửa thị trường tăng sức cạnh tranh đối với các sản phẩm nông nghiệp. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao trước mắt là hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra là, quyết tâm phấn đấu đưa Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững, cán bộ CNVC trong ngành tiếp tục phấn đấu nâng cao trình độ mọi mặt, không ngừng đổi mới lề lối làm việc đạt hiệu quả cao nhất. Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tích cực tham mưu chỉ đạo triển khai quyết liệt, có hiệu quả tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM, trọng tâm là:

Các hồ chứa thủy lợi đáp ứng 95% nhu cầu tưới hàng năm.
Các hồ chứa thủy lợi đáp ứng 95% nhu cầu tưới hàng năm.

Tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu trồng trọt, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng; đẩy mạnh chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác hiệu quả cao hơn và phù hợp với nhu cầu thị trường. Đẩy mạnh tái cơ cấu chăn nuôi theo hướng chuyển chăn nuôi phân tán sang chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng công nghiệp, bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường; từng bước hình thành, phát triển vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư.

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Quyết định 48, Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách khuyến khích phát triển thủy sản, tập trung đẩy mạnh khai thác vùng biển xa nhằm nâng cao sản lượng, giá trị sản phẩm, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chỉ đạo đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp theo hướng giá trị nhằm nâng cao giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Tiếp tục kêu gọi, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nâng cấp, đổi mới công nghệ, dây chuyền để sản xuất các mặt hàng có khả năng cạnh tranh cao.

Về xây dựng NTM, tập trung các giải pháp để huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của dân cư nông thôn. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng các tiêu chí tăng bình quân từ 2-2,5 tiêu chí/năm, có thêm ít nhất 40 xã đạt xã NTM để đến hết năm 2020 toàn tỉnh có ít nhất 68 xã đạt NTM, chiếm 50% số xã và có 3 huyện đạt huyện NTM (ngoài Đồng Hới công nhận hoàn thành xây dựng NTM năm 2015).

Tin tưởng rằng, với truyền thống vẻ vang 70 năm của ngành Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, toàn thể cán bộ, CNVC lao động ngành Nông nghiệp và PTNT Quảng Bình sẽ tăng cường đoàn kết, lao động sáng tạo, hăng hái thi đua lập thành tích xuất sắc hơn nữa trong giai đoạn mới, quyết tâm đưa ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững.

Phan Văn Khoa, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT