.

Thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ ở Minh Hóa: Bức tranh nông thôn đã có những gam màu sáng

Thứ Sáu, 05/06/2015, 15:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Mặc dù còn nhiều khó khăn do điều kiện đặc thù của một huyện miền núi có xuất phát điểm thấp, song qua việc thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 30a) trên địa bàn, Minh Hóa đã đạt được những kết quả khả quan trong hành trình giảm nghèo nhanh và bền vững. Bức tranh nông thôn của huyện miền núi nghèo này đã xuất hiện những gam màu sáng.

ẢMô hình trồng cây thanh long cho hiệu quả kinh tế cao ở xã Hoá Hợp. Ảnh: A.T
ẢMô hình trồng cây thanh long cho hiệu quả kinh tế cao ở xã Hoá Hợp. Ảnh: A.T

Để cụ thể hoá nội dung nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 30a, Ban Thường vụ Huyện ủy Minh Hóa đã ban hành các nghị quyết, văn bản để chỉ đạo triển khai thực hiện. Đồng thời, UBND huyện chủ động thành lập Ban chỉ đạo công tác xóa đói - giảm nghèo và triển khai thực hiện Nghị quyết 30a do đồng chí Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban. Ban chỉ đạo đã ban hành quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý để hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện Nghị quyết 30a trên địa bàn các xã, thị trấn một cách hiệu quả.

Thống kê trong 6 năm (từ 2009 đến 2014), ngân sách Trung ương đã hỗ trợ 276.410 triệu đồng thực hiện Nghị quyết 30a trên địa bàn huyện Minh Hóa, trong đó: Vốn đầu tư phát triển là 202,4 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 58,5 tỷ đồng và vốn khoanh nuôi bảo vệ rừng 15,5 tỷ đồng.

Ngoài ra các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước đã hỗ trợ 56,9 tỷ đồng trên địa bàn trong thời gian từ năm 2009 đến năm 2014 để thực hiện hỗ trợ 12 hạng mục công trình khác nhau, nhằm tạo sự phát triển đồng bộ trên các lĩnh vực của huyện Minh Hóa. Bằng việc sử dụng các nguồn kinh phí lớn và thiết thực này, đến cuối năm 2014 toàn huyện Minh Hóa đã tiến hành giao 86.369,47ha rừng và đất lâm nghiệp cho các tổ chức hộ gia đình, cá nhân nhận khoán khoanh nuôi, bảo vệ.

Trong đó có 5.349 hộ gia đình được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, với diện tích 26.789 ha. Ngoài ra, huyện cũng đã bố trí kinh phí cho rà soát, xây dựng quy hoạch sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp ở các xã, thị trấn và quy hoạch chung của huyện với tổng kinh phí 1,7 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hàng năm, UBND huyện phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội rà soát, lập biên bản thẩm định khả năng tự cân đối lương thực trong năm và trình UBND tỉnh ra quyết định thời gian hỗ trợ lương thực cho các hộ nghèo của các thôn, bản thuộc khu vực giáp biên giới.

Theo đó, tổng số lượt hộ, khẩu nghèo ở các thôn, bản giáp biên giới được hỗ trợ trong 6 năm (2009-2014) là 9.714 lượt hộ nghèo, với 45.181 lượt khẩu, thời gian hỗ trợ lương thực từ năm 2009 đến năm 2011 là 6 tháng; từ năm 2012 đến năm 2014 thực hiện hỗ trợ 5 tháng. Tổng số lương thực hỗ trợ trong 6 năm là 3.726,65 tấn, với kinh phí trên 37,7 tỷ đồng. Nhìn chung, việc hỗ trợ gạo cho hộ, khẩu nghèo thôn bản vùng giáp biên giới được  triển khai kịp thời, đúng chính sách, đúng đối tượng.

Đối với việc thực hiện chính sách xuất khẩu lao động, thực hiện Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn huyện đã có 635 lao động đăng ký sơ tuyển, số lao động đã được tuyển chọn và đưa đi đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng là 475 lao động. Có 225 lao động đã được xuất cảnh qua các thị trường như: Ả Rập Xê Út, Malaysia, Đài Loan và Hàn Quốc; số vốn vay xuất khẩu lao động là 8,4 tỷ đồng.

Trên lĩnh vực giáo dục, hiện tại, mạng lưới trường lớp trên địa bàn huyện cơ bản đã được xây dựng, nâng cấp phù hợp với đặc thù của huyện miền núi và chủ trương chung của tỉnh. Hệ thống lớp học, trường mầm non, tiểu học đã về tận thôn, bản. Huyện cũng đã xóa được “xã trắng” về cấp học mầm non, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho con em đến trường, nhất là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 của Chính phủ về chính sách miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, đến nay huyện đã thực hiện chi trả cho 48.290 lượt đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách, với kinh phí trên 18 tỷ đồng.

Hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất trên địa bàn huyện Minh Hóa từng bước được xây dựng hoàn thiện.
Hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất trên địa bàn huyện Minh Hóa từng bước được xây dựng hoàn thiện.

Trong đó: miễm giảm học phí cho học sinh-sinh viên là 1.278 lượt đối tượng, kinh phí 3,1 tỷ đồng; hỗ trợ chi phí học tập cho 47.012 lượt đối tượng, với kinh phí gần 15 tỷ đồng. Trong công tác dạy nghề, nâng cao dân trí, thống kê đến cuối năm 2014 toàn huyện Minh Hóa đã mở được 19 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi thú y, làm vườn, kỹ năng phát triển cộng đồng cho cán bộ xã, thôn, bản với 1.332 học viên, thời gian tập huấn 7 ngày/lớp, kinh phí 790 triệu đồng; mở 44 lớp đào tạo trình độ sơ cấp nghề, thời gian đào tạo 3 tháng cho 1.440 học viên, gồm các nghề: xây dựng dân dụng, chăn nuôi thú y, trồng nấm, kỹ thuật lâm sinh-làm vườn với kinh phí 2,5 tỷ đồng.

Huyện cũng đã phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức xét, tuyển dụng 11 trí thức trẻ để bố trí làm Phó Chủ tịch UBND của 11 xã gồm Trọng Hóa, Hóa Thanh, Hóa Tiến, Hóa Hợp, Hóa Phúc, Minh Hóa, Tân Hóa, Quy Hóa, Yên Hóa, Xuân Hóa, Hồng Hóa. Nhìn chung số trí thức trẻ về tham gia tổ công tác ở các xã đã chấp hành nghiêm túc sự điều động của tổ chức, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trên cơ sở nguồn vốn bố trí cho việc thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, thống kê trong giai đoạn từ 2009-2014, huyện Minh Hóa đã đầu tư 59 công trình trên địa bàn toàn huyện với tổng mức đầu tư 225 tỷ đồng, trong đó có 7 công trình cấp huyện với tổng mức đầu tư 86,5 tỷ đồng, 52 công trình cấp xã với tổng mức đầu tư 138,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, từ nguồn vốn hỗ trợ của các Tổng công ty đã đầu tư xây dựng và lồng ghép thực hiện 11 công trình, dự án gồm 6 trường học, hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo, hỗ trợ làm nhà ở cho đối tượng chính sách, mua sắm xe cứu thương, xây dựng Trung tâm y tế dự phòng huyện, xây dựng Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề... Riêng trong các năm 2013, 2014, huyện đã kịp thời thực hiện duy tu, bảo dưỡng đối với 3 công trình xuống cấp và hư hỏng, với tổng số tiền 4,4 tỷ đồng...

Đánh giá về những kết quả đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết 30a trên địa bàn huyện Minh Hóa, ông Đinh Quý Nhân, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Việc thực hiện Nghị quyết 30a bước đầu đã làm thay đổi diện mạo của các xã, hạ tầng cơ sở được cải thiện, nhà ở, đời sống người dân Minh Hóa được nâng lên.

Từ đó có thể khẳng định, chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng theo Nghị quyết 30a đã từng bước giúp các xã hoàn thiện cơ sở hạ tầng thôn bản, là điều kiện giúp các xã thoát nghèo. Hầu hết các xã trên địa bàn huyện đều được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn 30a, các công trình đều mang tính bức thiết, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững cho các xã.

Nguyễn Hoàng