.

Triệu phú bò ở làng biển

Thứ Tư, 06/08/2014, 08:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Tưởng ở miền quê biển như Quang Phú (TP. Đồng Hới), người dân sẽ chỉ biết quanh quẩn bên những con tàu làm kế mưu sinh. Tuy nhiên, có một hội viên nông dân chất phác đã mạnh dạn bán tàu để chuyển qua nuôi bò lai. Anh đã chứng tỏ rằng vùng cát trắng ven biển này hoàn toàn có thể dựa vào chăn nuôi để phát triển kinh tế. Anh là Hoàng Văn Phướng ở thôn Bắc Phú, xã Quang Phú.

Bỏ tàu theo... bò

Trên con đường đất đỏ ngoằn ngoèo, ông Nguyễn Văn Điệp, quyền Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Phú dẫn chúng tôi tìm về gia trại của đình anh Phướng. Bên ấm chè xanh trên chiếc sạp tre, anh kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu mới khởi nghiệp. Cách đây hơn chục năm, cuộc sống của gia đình rất khó khăn nên anh phải làm đủ nghề để kiếm sống.

Sau một thời gian dài, cuộc sống vẫn khó khăn, gia đình anh chuyển sang nuôi bò lai. Lúc đầu chỉ nuôi 5-6 con bò mẹ. Anh tự mày mò học hỏi để rút kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi. “Quãng thời gian đó thật sự rất khó khăn nhưng với mong muốn thoát khỏi đói nghèo nên dù chưa qua lớp đào tạo nào về chăn nuôi bò lai nhưng tôi vẫn đánh liều đầu tư toàn bộ vốn liếng có được để mở rộng thêm số lượng đàn bò”, anh Phướng chia sẻ. Nói là làm, anh chị dùng tất cả số tiền mình tích cóp được thời gian qua cộng với số tiền vay mượn được của người thân, mua thêm bò, nâng tổng số đàn bò lên thành 25 con.

Anh Hoàng Văn Phướng đang chăm sóc đàn bò.
Anh Hoàng Văn Phướng đang chăm sóc đàn bò.

Để mở rộng quy mô sản xuất, gia đình anh đã mạnh dạn thuê 6 hec ta đất vừa chăn nuôi bò vừa kết hợp trồng các cây thực phẩm có giá trị khác. Vùng đất mới không có điện, xa dân cư nên không thể kéo đường dây điện lên. Anh đầu tư một máy phát điện riêng. Bằng sự siêng năng, chịu thương chịu khó, anh miệt mài với công việc chăm sóc đàn bò mỗi ngày, từ đưa bò đi chăn thả đến tắm táp vệ sinh cho bò đều do một tay anh đảm nhận. Trời đã không phụ lòng người khi đàn bò của gia đình anh tăng trưởng và phát triển tốt, mỗi năm đều sinh ra những lứa bò con khỏe mạnh.

Đến nay, tổng đàn bò của gia đình anh là 40 con bò mẹ. Khác với những hộ nông dân chăn nuôi bò khác trong xã, anh nuôi bò lai chủ yếu để bán giống chứ không phải nuôi để bán thịt nên thu nhập rất ổn định vì nhu cầu cần giống bò cao. Cứ một con bò khoảng một năm tuổi thì bán được 14 triệu đồng, con nào đẹp bán được 15-16 triệu đồng. “Bò lai phát triển nhanh và ít bệnh tật nên quá trình chăm sóc cũng không khó, ở đây bãi cỏ nhiều rất thuận lợi cho việc chăn nuôi bò, cứ sáng lùa bò lên bãi cỏ rồi chiều lại lùa về”, anh Phướng kể. Để bảo đảm nguồn thức ăn dồi dào cho đàn bò, anh còn đầu tư trồng thêm 1 héc ta cỏ.

Hiệu quả từ mô hình kinh tế tổng hợp

Bên cạnh việc chăn nuôi bò, gia đình anh còn trồng thêm 3 hec ta dưa hấu mỗi năm, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năm vừa rồi vựa dưa của gia đình anh được mùa, cho năng suất cao. Theo tính toán sơ bộ của anh thì với 80 tấn dưa hấu, gia đình anh bán được 480 triệu đồng trừ các chi phí như giống, thuê nhân công...  cũng còn lại gần 250 triệu đồng.

Đến mùa dưa, gia đình anh thuê một người có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn về trồng và chăm sóc dưa đến để tư vấn cho gia đình. Trồng dưa không chỉ đem lại thu nhập cao cho gia đình mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi. “Vào mùa dưa, ai nấy đều bận tối mắt nên gia đình phải thuê thêm 30-40 nhân công chăm sóc và thu hoạch dưa", anh Phướng tâm sự. Mỗi lần thu hoạch một mùa dưa là phải cho đất nghỉ hai mùa sau mới trồng lại được nhưng với bản tính của một người nông dân cần cù, anh lại tiếp tục cày sâu cuốc bẫm thửa đất khác để tiếp tục trồng dưa, cứ như vậy mùa nào gia đình anh cũng có dưa để bán.

Ông Nguyễn Văn Điệp, quyền Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Phú cho biết, anh Hoàng Văn Phướng là một nông dân dám nghĩ dám làm, là người đầu tiên trong xã đầu tư chăn nuôi bò lai với số lượng lớn và có hiệu quả cao. Đây là mô hình sản xuất kinh doanh giỏi cần nhân rộng.

Lan Chi