.

Tín hiệu vui từ ngành dệt may Quảng Bình

Thứ Ba, 22/07/2014, 09:05 [GMT+7]

(QBĐT) - Tỉnh ta có lợi thế nằm ở vị trí chiến lược trên hành lang phát triển kinh tế Đông-Tây, là cửa ngõ phía đông thông ra biển, có hệ thống giao thông khá thuận lợi gồm: đường bộ, đường sắt, sân bay Đồng Hới và cảng biển Hòn La. Đặc biệt, với nguồn nhân lực dồi dào, lao động trong độ tuổi chiếm gần 65% tổng dân số, trong đó lao động qua đào tạo chiếm trên 50%, tỉnh Quảng Bình là nơi lựa chọn của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực dệt may công nghiệp.

Sau nhiều năm hoạt động với hiệu quả sản xuất kinh doanh ngày càng cao, chất lượng sản phẩm luôn bảo đảm, Xí nghiệp May (XNM) Hà Quảng đã được Tổng Công ty (TCT) May 10 đầu tư mở rộng quy mô sản xuất giai đoạn 2, với tổng mức đầu tư gần 120 tỷ đồng, nâng công suất nhà máy lên trên 10 triệu áo sơ mi/1 năm, giải quyết việc làm cho trên 1.200 lao động. Việc khánh thành và đưa giai đoạn 2 của XNM Hà Quảng vào hoạt động đã trở thành một trong những dự án lớn về dệt may tại Quảng Bình.

Từ những  kết quả đạt được của XNM Hà Quảng, vừa qua, TCT May 10 tiếp tục đầu tư Công ty TNHH S và D tại khu làng nghề thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh. Hiện tại, các hạng mục cơ sở hạ tầng của nhà máy đang được gấp rút xây dựng và dự kiến cuối năm 2014, Công ty TNHH S và D sẽ đi vào hoạt động. Dự kiến, khi nhà máy đi vào hoạt động cần khoảng 600 công nhân.

Vì vậy, song song với việc triển khai đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, TCT ty May 10 đang phối hợp với huyện Quảng Ninh tổ chức đào tạo nghề may cho lao động đăng ký vào làm việc tại công ty. Việc đầu tư nhà máy may công nghiệp  tại cụm điểm làng nghề này đã góp phần không nhỏ trong công tác giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho lao động nông thôn.

XNM Hà Quảng đã được TCT May 10 đầu tư mở rộng quy mô sản xuất giai đoạn 2, với tổng mức đầu tư gần 120 tỷ đồng.
XNM Hà Quảng đã được TCT May 10 đầu tư mở rộng quy mô sản xuất giai đoạn 2, với tổng mức đầu tư gần 120 tỷ đồng.

Cũng nằm trong kế hoạch triển khai các dự án đầu tư lớn, mới đây, tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Quảng Bình lần thứ nhất, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với UBND tỉnh về dự án khu liên hợp sợi-dệt, nhuộm, may tại tỉnh ta, với tổng nguồn vốn đầu tư gần 4.800 tỷ đồng.

Theo đó, Vinatex sẽ nghiên cứu, phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy sợi, trong đó diện tích trồng bông khoảng 1.000ha, trồng bạch đàn khoảng 20.000ha; nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà máy sợi tại xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh, gắn với dự án phát triển vùng nguyên liệu trồng bông trên cát; nghiên cứu đầu tư khu liên hợp sợi-dệt, nhuộm sản xuất vải cao cấp tại Khu Công nghiệp tây bắc Quán Hàu và khảo sát đầu tư các dự án nhà máy may xuất khẩu tại huyện Lệ Thủy, Quảng Trạch.

Như vậy, với những tiềm năng và lợi thế hiện có, Quảng Bình là địa phương hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để ngành dệt may triển khai các dự án từ trồng nguyên liệu, sản xuất sợi, các nhà máy dệt, nhuộm đến may mặc. Trò chuyện với chúng tôi về sự phát triển của ngành dệt may tại tỉnh ta, ông Lê Trá Khoái, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết: Trong kế hoạch phát triển ngành công nghiệp, tỉnh đã có sự quan tâm đầu tư cho sự phát triển ngành dệt may. Những kết quả đạt được của XNM Hà Quảng cùng những dự án khả thi đã và đang triển khai trên địa bàn đã mở ra hướng đi mới cho tương lai của ngành dệt may tỉnh nhà. Không chỉ giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, ngành dệt may sẽ đưa nền công nghiệp tỉnh ta phát triển, ngang tầm với các tỉnh trong khu vực duyên hải miền Trung.

Cùng với việc tạo điều kiện và quan tâm của tỉnh để các tập đoàn, doanh nghiệp dệt may lớn đầu tư vào Quảng Bình, ngành công thương cũng đã có nhiều động thái để các nhà đầu tư hoạt động thuận lợi và yên tâm đầu tư sản xuất.

P.V