.

Trồng thử nghiệm giống keo lai năng suất cao

.
10:58, Thứ Hai, 12/02/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Nhằm lựa chọn các nguồn giống trồng rừng mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng đồi núi, vừa qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chủ trì triển khai mô hình “Thử nghiệm các dòng keo lai mới trên một số địa bàn tỉnh Quảng Bình”.

Cây giống trồng rừng là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và rút ngắn chu kỳ trồng rừng, đem lại thu nhập cao hơn cho người trồng rừng, đặc biệt là các hộ gia đình khu vực nông thôn miền núi vốn đã rất khó khăn. Hiện, trên địa bàn tỉnh, người dân sử dụng nhiều nguồn giống khác nhau, trong đó có cả những loại giống trôi nổi không có nguồn gốc xuất xứ, có năng suất chất lượng thấp.

Với sự chỉ đạo của UBND tỉnh, trong thời gian qua, công tác quản lý giống trồng rừng đã dần chặt chẽ hơn, nguồn giống sử dụng để trồng rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh ta đã có nhiều cải thiện đáng kể. Đa số giống được sử dụng đều có năng suất và chất lượng cao nên năng suất rừng trồng ngày càng được tăng lên.

Tuy nhiên, về số lượng, giống đang được sử dụng để trồng rừng ở tỉnh ta vẫn còn ít, chỉ có 2-3 dòng cây keo vô tính là tương đối phù hợp. Bên cạnh đó, Quảng Bình là tỉnh có địa hình phức tạp, xâm thực mạnh tạo thành nhiều dạng lập địa giữa các vùng khác xa nhau như đất vùng đồi núi Minh Hóa sẽ khác với đất vùng đồi núi ở Quảng Ninh hoặc Lệ Thủy...

Trên cơ sở đó, tháng 8-2015, Sở Khoa học và Công nghệ đã giao cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh chủ trì triển khai nhiệm vụ "Trồng thử nghiệm các dòng keo lai mới trên một số địa bàn tỉnh Quảng Bình".

Mức sinh trưởng của 2 dòng keo lai nhân tạo AM2, AM3 tương đương hoặc vượt trội hơn dòng keo lai tự nhiên BV16.
Mức sinh trưởng của 2 dòng keo lai nhân tạo AM2, AM3 tương đương hoặc vượt trội hơn dòng keo lai tự nhiên BV16.

Mục tiêu của mô hình là đánh giá khả năng sinh trưởng của 4 dòng keo lai nhân tạo trồng thử nghiệm trên hai vùng lập địa đại diện của tỉnh Quảng Bình so với dòng đối chứng keo lai tự nhiên BV16, từ đó lựa chọn đề xuất một số dòng thích hợp để giới thiệu cho bà con và nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Với diện tích 2ha, nhóm nghiên cứu đã trồng thử nghiệm tại Chi nhánh Lâm trường Vĩnh Long, Công ty TNHH Long Đại và xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa. Mô hình trồng tại Lâm trường Vĩnh Long (huyện Quảng Ninh) thuộc loại đất feralit vàng trên đá sét Fs, thuộc đất cấp 3, còn mô hình trồng trên địa bàn huyện Minh Hóa với loại đất faralit đỏ vàng trên đá mác ma kiềm, thuộc đất cấp 2.

Trong thời gian trồng thử nghiệm, nhóm thực hiện đề tài đã giám sát việc tuân thủ quy trình kỹ thuật trồng rừng keo lai, thường xuyên kiểm tra tình hình chăm sóc, bảo vệ, theo dõi, đánh giá quá trình sinh trưởng của cây trồng. Sau gần 2 năm thực hiện, các dòng keo lai sinh trưởng khá tốt, tỷ lệ sống đạt 95%. Tuy nhiên, cấp đất khác nhau ảnh hưởng rõ rệt đến mức độ sinh trưởng của cây trồng, cụ thể là cây trồng trên đất cấp 2 ở huyện Minh Hóa sinh trưởng tốt hơn hẳn so với cây trồng trên đất cấp 3 tại Lâm trường Vĩnh Long. Về mật độ cây trồng chưa có sự sai khác về các chỉ tiêu sinh trưởng, rừng thử nghiệm mới bắt đầu khép tán chưa có sự cạnh tranh về không gian dinh dưỡng.

Trên cơ sở kết quả đo đếm và phương pháp phân tích phương sai cho thấy các dòng keo lai khác nhau đều có mức độ sinh trưởng khác nhau. Riêng các chỉ tiêu sinh trưởng của 2 dòng keo lai nhân tạo AM2, AM3 tương đương hoặc vượt trội dòng keo lai tự nhiên BV16, hiện đang bước vào giai đoạn sinh trưởng ổn định.

Theo ông Lưu Đức Hiến, chủ nhiệm đề tài cho biết: “Với kết quả ban đầu khá khả quan, chúng tôi mong muốn bổ sung hai dòng keo lai nhân tạo AM1, AM3 vào nhóm cây trồng rừng chủ lực trên địa bàn tỉnh. Do mô hình trồng thử nghiệm mới được 2 năm nên cần tiếp tục theo dõi, đánh giá đầy đủ mức độ sinh trưởng, hiệu quả kinh tế và môi trường của các dòng keo lai nhân tạo này”.

Kết quả nghiên cứu đã giới thiệu cho người trồng rừng các loại giống keo lai mới năng suất và giá trị cao, đem lại lợi nhuận lớn hơn. Việc trồng rừng có hiệu quả sẽ giúp người dân yên tâm ổn định sản xuất, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển sản xuất lâm nghiệp hàng hóa ở miền núi, góp phần phát triển kinh tế xã hội, tạo nguồn nguyên liệu tại chỗ cho chế biến và xuất khẩu. Tuy nhiên, tỉnh ta thường xuyên phải chịu gió bão, vì vậy, ngoài năng suất chất lượng cây trồng, với chu kỳ cây trồng dài, việc chọn giống vừa có năng suất cao, chu kỳ ngắn, vừa có khả năng chống chịu gió lớn để tránh thiệt hại gãy đổ cần phải được nghiên cứu thêm. Ngoài ra, việc sản xuất cung ứng giống đại trà cũng cần được đặt ra để cung cấp đủ giống có xuất xứ, chất lượng ổn định cho người trồng rừng.

T.Hoa

,