.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Xây dựng Chính phủ số là xu hướng tất yếu

.
08:29, Thứ Tư, 17/01/2018 (GMT+7)

Ngày 16-11, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo khởi động đánh giá mức độ sẵn sàng dữ liệu mở và Chính phủ số tại Việt Nam.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì hội thảo.

Điều phối Chương trình Dữ liệu sáng tạo của Ngân hàng Thế giới Alla Morrison nhìn nhận thế giới số mang đến nhiều cơ hội to lớn, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức lớn bao gồm rủi ro tạo ra sự phân hóa số ngày càng tăng, khiến cho người nghèo bị bỏ lại phía sau xa hơn.

Như vậy, Chính phủ có vai trò quan trọng là tạo một môi trường thuận lợi cho nền kinh tế mới, một môi trường tạo điều kiện cho khu vực tư nhân có thể đổi mới sáng tạo và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ số mới, nhằm cải thiện cuộc sống của người dân, tạo điều kiện để hoạt động kinh doanh trở nên dễ dàng hơn cho các doanh nghiệp. Khi người dân đã quen với hiệu quả và tính thuận tiện của dịch vụ số ở khu vực công, họ kỳ vọng Chính phủ cũng đảm bảo hiệu quả và thuận tiện như vậy.

Hiện nay, các Chính phủ đang nỗ lực để vượt qua những thách thức này và cung cấp các dịch vụ để người dân không còn phải trực tiếp đến các cơ quan, xếp hàng nhiều tiếng đồng hồ, có thể bị yêu cầu phải trả phí bôi trơn chỉ để được cấp bằng lái xe hoặc văn bản xác nhận quyền sở hữu đất đai và mất rất nhiều thời gian.

Các Chính phủ ngoài việc cung cấp dịch vụ một cách thuận tiện, hiệu quả cho người dân, cũng có trách nhiệm phải đảm bảo tiếp cận Internet một cách bình đẳng và sự cạnh tranh trên thị trường, bảo vệ quyền riêng tư của công dân cũng như quyền của người tiêu dùng, đây chính là tiền đề cho Chính phủ kiến tạo số. Khối lượng lớn dữ liệu và tốc độ truyền tải dữ liệu ngày càng tăng là yếu tố cốt lõi của mô hình kinh doanh số, là động lực thúc đẩy nền kinh tế số mà ước tính sẽ tăng nhanh gấp 23 lần so với các ngành kinh tế truyền thống.

Dữ liệu là một loại tài sản kinh tế mới được so sánh như dầu mỏ - một loại tài nguyên có thể khai thác, tinh lọc và tạo ra các sản phẩm có giá trị nhưng khác dầu mỏ ở chỗ dữ liệu là loại tài nguyên có khả năng tái tạo và không mất đi giá trị khi sử dụng, theo bà Alla Morrison.

Dẫn chứng về những câu chuyện thành công trong thực hiện Chính phủ số, ông Seunghyun Kim, chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới cho biết trong khuôn khổ dự án do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ (70 triệu USD), Bangladesh đã xây dựng được nền tảng cơ sở hạ tầng dịch vụ Chính phủ điện tử, cho phép hiện đại hóa khu vực công và chuyển đổi toàn bộ Chính phủ thông qua sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Nền tảng số hóa cho phép tất cả cơ quan của Chính phủ sử dụng trung tâm dữ liệu quốc gia và đã góp phần tiết kiệm khoảng 80% chi tiêu cho công nghệ thông tin.

Ngân hàng Thế giới giúp các nước sẵn sàng cho Chính phủ số bằng cách cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm xây dựng kết cấu hạ tầng và môi trường hỗ trợ; đảm bảo sự tham gia của khu vực tư nhân và người dân đối với những giải pháp tài chính và dữ liệu số sáng tạo và bền vững; tích hợp tới các ứng dụng di động cho việc bao phủ lớn hơn đến các đối tượng yếu thế, ông Seunghyun Kim cho hay.

Nói về xu hướng toàn cầu về dữ liệu mở, Điều phối Chương trình Dữ liệu sáng tạo của Ngân hàng Thế giới Alla Morrison cho biết đã có 52 Chính phủ áp dụng hệ thống Điều lệ quốc tế về Dữ liệu mở, trong đó có 17 chính quyền cấp quốc gia và 35 chính quyền cấp địa phương. Dữ liệu phải mở về mặt kỹ thuật, phải sẵn có và dễ dàng tiếp cận bất cứ lúc nào, đồng thời dữ liệu phải mở về mặt pháp lý, có giấy phép rõ ràng, ai cũng có thể sử dụng và miễn phí khi tái sử dụng với mục đích thương mại.

"Khung chính sách pháp lý cho dữ liệu mở đóng vai trò quan trọng, phải nêu rõ mọi người có thể chia sẻ, sao chép và phân phối lại ở mọi định dạng, phải có điều kiện ghi nhận tác giả một cách phù hợp," bà Alla Morrison nhận định.

Những lợi ích của dữ liệu mở được bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới trình bày cho thấy nó tạo ra giá trị mới về kinh tế và xã hội, nâng cao chất lượng dịch vụ công, giúp Chính phủ minh bạch hơn và khi luồng thông tin chạy thông suốt sẽ giúp Chính phủ hoạt động hiệu quả hơn trong cung cấp dịch vụ công, kết nối các cơ quan thuộc Chính phủ... Đây chính là các mục tiêu phát triển bền vững.

Ví dụ được bà Trần Thị Lan Hương đưa ra là ở các nước tiên phong như Mỹ, Anh, Đan Mạch, Australia..., hàng trăm công ty mới thành lập và hàng ngàn việc làm mới được tạo ra từ các dữ liệu mở. Chẳng hạn, hệ thống định vụ toàn cầu (GPS) đã đóng góp 122 tỷ USD/năm cho nền kinh tế Mỹ. Một nghiên cứu ở Tây Ban Nha cho thấy dữ liệu mở đóng góp hơn 600 triệu Euro với hơn 5.000 việc làm.

Theo chuyên gia tư vấn của Ngân hàng Thế giới Kim Andreasson, chi phí thông tin số rẻ hơn rất nhiều so với các kênh thông tin khác. Nếu như kênh thông tin số có chi phí là 1 thì kênh thông tin điện thoại lên tới 20 lần, bưu điện 30 lần và gặp trực tiếp là 50 lần.

Trong khi nhiều khoản đầu tư vào Chính phủ điện tử không có kết quả, lượng sử dụng thấp, người dân sử dụng dịch vụ Chính phủ điện tử chủ yếu để lấy thông tin, không phải để giao dịch thì việc thực hiện Chính phủ số là điều cần thiết. Chính phủ số không phải là độc lập, đơn lẻ mà là một hợp phần cốt lõi của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng xây dựng Chính phủ số là xu hướng tất yếu. Chính phủ số là Chính phủ thúc đẩy những đổi mới sáng tạo, những bước chuyển đổi thông qua công nghệ mới. Việc phát triển Chính phủ số và dữ liệu mở là bước đi tiếp theo của Chính phủ điện tử và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là cuộc cách mạng cải cách hành chính. Vấn đề Chính phủ số, sử dụng dữ liệu mở là sự thúc đẩy quan trọng về tăng trưởng kinh tế, xã hội.

“Đây là quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp. Chúng tôi thể hiện quan điểm nhất quán, đã sẵn sàng và đang làm, vì đây là nhu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay," Bộ trưởng khẳng định.

Cho biết khó khăn nhất của Chính phủ Việt Nam là xây dựng cơ sở dữ liệu, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng mong muốn đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới gợi mở các định hướng, đưa ra khuyến nghị, ủng hộ Việt Nam xây dựng thành công Chính phủ số và dữ liệu mở, qua đó giúp Chính phủ quyết tâm thực hiện Chính phủ kiến tạo, hành động, phát triển.

Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương hợp tác với đoàn công tác trong quá trình khảo sát đánh giá./.

Theo Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

,