.

Bát danh hương Quảng Bình xưa và nay - Bài 5: Văn La, đậm đà bản sắc làng Việt

.
09:11, Thứ Hai, 05/02/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Văn La là một trong những vùng đất có bề dày về truyền thống văn hoá, lịch sử của xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh. Gần 500 năm hình thành và phát triển, Văn La ngày nay là một làng quê bình yên, trù phú, song vẫn lưu giữ được nhiều giá trị văn hoá cổ xưa của vùng đất được lưu danh trong “bát danh hương” của đất Quảng Bình.

>> Bài 4: Thổ Ngọa nếp đất, hương quê

>> Bài 3: "Quê tôi đứng nơi đầu sóng gió..."

>> Bài 2: La Hà-Làng văn hóa khoa bảng

>> Bài 1: Lệ Sơn-Làng theo đạo học!

Làng Văn La ở vào thế “thượng sơn hạ thuỷ”. Đứng trên tầm cao và tầm xa nhìn xuống, thế đất Văn La trông giống như một con rồng đang chầu, thân rồng uốn lượn, đuôi rồng xoè ra ở đỉnh Đầu Mâu, đầu rồng gối lên quả đồi thoai thoải.

Theo địa chí làng Văn La của tác giả Đỗ Duy Văn, một người con của làng, thì thuở ban đầu, làng quy tụ ven đường, ven sông, sau này do sự gia tăng về dân số, nhiều họ tộc đã toả dần về phía đồi để khai phá lập nương, vườn với những địa danh còn lưu lại, như Hang, Hốc, Khe, Nỗng, Lòi, Lùm... đánh dấu một thuở hoang sơ và sự vất vả của người dân trong cuộc khai hoang, mở đất.

Theo gia phả các dòng họ, thì ông tổ của làng Văn La là một người họ Lê. “Đất lành chim đậu”, dần dần, nhiều dòng họ khác đến sinh cơ, lập nghiệp. Các dòng họ trong làng gắn kết với nhau bằng mối quan hệ mật thiết, cùng chung tay xây dựng nên một Văn La đậm bản sắc làng quê Việt, với những con người mộc mạc, chân chất cùng những phong tục, tập quán đặc trưng của vùng đất.

Ông Lê Xuân Hồng, Trưởng làng Văn La cho biết: Để gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của làng, nhiều năm qua, người dân Văn La đã quyết tâm bảo vệ các di sản vật thể và phi vật thể. Nhờ đó, bản sắc văn hoá của làng vẫn được lưu truyền qua thời gian.

Con người Văn La luôn lấy đạo nghĩa làm trọng. Điều đó được thể hiện rõ nét trong các tập tục sinh hoạt của người dân địa phương, nhất là lễ tảo mộ làng diễn ra hàng năm vào ngày 24 tháng Chạp âm lịch. Lễ này còn được gọi là lễ âm hồn bởi tất cả các ngôi mộ ở đây đều không có chủ, mà do người dân quy tập lại nhằm tiện cho việc hương khói và bảo vệ chu đáo suốt hàng trăm năm nay. Làng còn quyên góp tiền của, công sức xây dựng, tu bổ đền thờ....

Từ xa xưa, làng Văn La đã có 7 cái giếng nằm thẳng hàng với nhau có tên gọi là giếng Hang, bốn mùa cho bà con nguồn nước trong xanh. Ông Lê Xuân Hồng kể: Có những thời điểm vào mùa hạ, các giếng nước trong làng hầu như khô cạn, ấy vậy mà giếng Hang vẫn đầy nước phục vụ cho cả làng.

Đình làng Văn La, nơi thường diễn ra các lễ hội truyền thống của làng.
Đình làng Văn La, nơi thường diễn ra các lễ hội truyền thống của làng.

Hiện nay, giếng Hang chỉ còn 4 cái vì người dân đã san lấp 3 giếng mở rộng diện tích phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Người Văn La quý giếng, xem giếng là một phần trong đời sống sinh hoạt nên cùng nhau bảo vệ, để bây giờ giếng Hang vẫn cho bà con nguồn nước trong, ngọt mà nước máy ngày nay không thể thay thế được.

Giếng Hang còn gắn với giai thoại rằng, thuở xưa, Vực Hốc (vực nước cạnh giếng làng) là nơi có nhiều hang hốc, cây cối um tùm, khá kín đáo, nên ngày ngày các nàng tiên thường xuống tắm, sau đó dùng nước giếng Hang để dội lại trước khi bay về trời. Thế nên giếng Hang còn được bà con trong làng gọi là giếng Tiên.

Trước đây, làng Văn La có quy định rõ ràng: giếng vuông là để phục vụ cho đàn ông tắm gội, còn giếng tròn là nơi sinh hoạt của chị em trong làng. Ngày nay, nước từ giếng Hang vẫn được người dân mang về nấu với chè xanh hay dùng để pha trà Nhiều người vẫn đến đây gội đầu, tắm giặt và nghỉ ngơi, nhất là trong những đêm hè trăng thanh, gió mát hay sau những buổi làm đồng mệt mỏi. 

Văn La là làng quê có truyền thống khoa bảng với nhiều danh nhân nổi tiếng về học rộng, tài cao, đức độ, như Thượng thư Hoàng Kim Xán; Thống đốc Trấn bắc Đại tướng quân Hoàng Kế Viêm (con trai út của Thượng thư Hoàng Kim Xán); Thượng thư, Hiệp biện Đại học sĩ Hoàng Trọng Vĩ; Phó bảng Hoàng Trọng Đài (con của Thượng thư, Hiệp biện Đại học sĩ Hoàng Trọng Vĩ); danh y Đỗ Tăng... Truyền thống đó được người Văn La tiếp nối qua các thế hệ, nên làng có nhiều người con đỗ đạt, thành danh, đảm nhận những vị trí quan trọng trong các cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, làm rạng danh cho quê hương xứ sở.

Không chỉ gây ấn tượng với khách thăm về các di sản vật thể và đời sống sinh hoạt dân gian phong phú, Văn La còn là một làng quê có một không hai của tỉnh về cấu trúc nhà cửa trong cộng đồng dân cư. Làng chia ra làm 6 xóm, 32 cụm dân cư. Nhà ở của người dân được sắp xếp theo ô bàn cờ, mỗi ô 4 nhà vuông vắn gọn đẹp.

Sự phân bố này không chỉ tạo cho làng quê một bố cục đẹp khi nhìn tổng thể mà còn thể hiện sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau giữa các hộ dân trong cùng một khối (4 nhà). Văn La cũng không có nhiều nhà cao tầng, kiến trúc hiện đại (điều khá phổ biến ở các làng quê có địa thế gần quốc lộ), mà chủ yếu là những ngôi nhà được xây dựng kiên cố, mái ngói đỏ tươi nổi bật giữa vườn cây xanh mướt. Từ bao đời nay, người dân chủ yếu sống bằng nông nghiệp gắn với các loại cây lương thực như lúa, ngô, khoai, sắn, song đời sống lại khá ổn định, đa số ở mức trung bình khá trở lên.

Thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, người Văn La đồng lòng, đồng sức hiến đất, hiến vườn và đến nay hầu hết các tuyến đường trong làng đều được bê tông hóa, giao thông nội đồng cũng được hoàn thiện, tạo điều kiện cho bà con đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất. Đời sống văn hóa của người dân Văn La cũng hết sức phong phú.

Ngoài việc xây dựng nhà văn hóa làng, 6 xóm trong làng còn có nhà văn hóa riêng để tiện cho sinh hoạt cộng đồng của người dân. Già, trẻ, gái, trai đều nhiệt tình tham gia các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, nhất là trong dịp làng tổ chức lễ hội Rằm tháng Giêng (ngày 14 và 15 tháng Giêng).

Cứ đến ngày này, người dân làng Văn La, trong đó có nhiều con em của làng đang công tác, sinh sống trên mọi miền đất nước cũng tranh thủ thu xếp công việc về quê để được vui xuân, trẩy hội. Với ý nghĩa cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bày tỏ lòng biết ơn đến các bậc tiền nhân, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, lễ hội được xem là điểm nhấn trong năm của làng.

Vì vậy, ngay từ những tháng cuối năm, người Văn La đã quan tâm đến công tác chuẩn bị cho lễ hội làng. Người có tuổi lo việc lễ, thanh niên, trai gái hăng say tập luyện để tham gia vào các hoạt động của phần hội. Ở lễ hội này, phần lễ luôn được thực hiện một cách tôn nghiêm, có nhà lễ, nhạc lễ và lễ dâng hương...

Sau phần lễ, người dân hòa mình vào các trò chơi truyền thống như chọi gà, kéo co, thi nấu cơm, làm bánh cùng các môn thể thao hiện đại như bóng chuyền, bóng bàn và trình diễn văn nghệ với các thể loại dân ca, dân vũ truyền thống của quê hương.

Gần 500 năm ra đời, song dấu ấn của làng quê xưa ở Văn La vẫn còn hiện hữu từ các di tích văn hóa vật thể, đến phong tục tập quán tốt đẹp, đời sống tâm linh của những người dân quê. Tất cả đã tạo nên một Văn La đậm bản sắc văn hóa Việt, xứng đáng với truyền thống văn vật của quê hương. Truyền thống đó cũng là “kim chỉ nam” để mỗi người con của làng ra sức gìn giữ. Nhờ vậy mà  danh hương Văn La mãi được lưu truyền theo thời gian.

Nhật Văn

Bài 6: "Ai về Võ Xá thì về"...


 

,