.
Kỷ niệm 50 năm Cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968:

Ký ức người lính

.
08:24, Thứ Ba, 30/01/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Nửa thế kỷ trôi qua, Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 vẫn luôn in đậm trong ký ức những người lính Quảng Bình đã từng tham gia chiến dịch. Với những người còn sống nay đã bước qua tuổi “thất thập cổ lai hy”, ký ức về những tháng ngày oanh liệt ấy vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí họ.

Chúng tôi được gặp Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Xuân Giang (sinh năm 1940, xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy) khi ông cùng đồng đội đến trao tặng ngôi nhà “Ấm tình đồng đội” cho cựu thanh niên xung phong Nguyễn Thị Nữ (Liên Thủy, Lệ Thủy).

Đây cũng là dịp để những người lính năm xưa như ông Nguyễn Xuân Giang, ông Trần Du Lịch (73 tuổi, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch) cùng nhau trò chuyện và ôn lại kỷ niệm chiến trường. Ký ức về Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 cách đây tròn 50 năm lại ùa về.

Theo lời ông Nguyễn Xuân Giang (bí danh Việt Hà), ông được sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bố là liệt sĩ nên lòng căm thù giặc luôn nung nấu trong ông, thôi thúc ông lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 19 tuổi. Ông được biên chế vào lực lượng công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng).

Suốt cuộc đời binh nghiệp, ông đã tham gia hàng trăm trận đánh nhưng trong ký ức của người lính già, Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đã để lại trong ông nhiều ấn tượng về tinh thần, ý chí chiến đấu dũng cảm của những người đồng chí, đồng đội trong đơn vị thuộc Đội trinh sát vũ trang an ninh (TSVTAN) thị xã Quảng Hà (tỉnh Quảng Trị). Những ngày giáp Tết Mậu Thân 1968, địch tăng cường lực lượng ra thị xã Quảng Trị.

Chúng tổ chức cướp phá và càn quét, lấn chiếm vùng giáp ranh, vùng trung du, các cao điểm. Trước tình hình đó, Ban An ninh tỉnh và Ban An ninh thị xã Quảng Hà đã xác định tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ là phải tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm cao hoàn thành nhiệm vụ được giao. Từ quyết tâm ấy, lực lượng an ninh thị xã đã bám được dân, bám cơ sở, nắm bắt tình hình của địch chuẩn bị cho chiến dịch.

Ngày 26 tháng Chạp năm 1967, Ban chỉ đạo KD2, Mặt trận 7 đã mời đồng chí Nguyễn Việt Cù (Đội trưởng Đội Trinh sát vũ trang an ninh thị xã Quảng Hà) cùng ông (Chính trị viên, bí thư chi bộ) lên báo cáo tình hình địch ở thị xã Quảng Trị và nhận nhiệm vụ của Mặt trận 7 giao, cụ thể là: Lực lượng TSVTAN thị xã Quảng Hà trực tiếp đánh và làm chủ Ty Cảnh sát quốc gia ngụy tỉnh Quảng Trị; cử cán bộ dẫn đường cho Tiểu đoàn 18 chủ lực đánh và làm chủ tiểu khu quân sự Quảng Trị, khu Hoàng Diệu, khu chiêu hồi. Kế hoạch tác chiến được vạch ra rõ ràng và Mặt trận 7 còn tăng cường cho TSVTAN thị xã Quảng Hà một tổ B40.

Anh hùng LLVTND Nguyễn Xuân Giang (ngoài cùng bên trái) ôn lại những kỷ niệm chiến trường cùng đồng đội
Anh hùng LLVTND Nguyễn Xuân Giang (ngoài cùng bên trái) ôn lại những kỷ niệm chiến trường cùng đồng đội

Nhận nhiệm vụ, ông và đồng chí Cù hết sức lo lắng, bởi đội TSVT chỉ còn 8 đồng chí, trong đó 2 đồng chí làm nhiệm vụ dẫn đường cho Tiểu đoàn 18. Trước tình thế đó, ông cùng đồng chí Cù đã đề xuất với Trưởng ban an ninh thị xã Quảng Hà tăng cường thêm 3 đồng chí và chia thành 3 tổ; đồng chí Nguyễn Việt Cù, đồng chí Phương và ông làm tổ trưởng.

Vào chiều ngày 30 Tết, Đội TSVTAN thị xã Quảng Hà ăn Tết với nhân dân các xã Hải Vĩnh, Hải Xuân. Bà con nhân dân chuẩn bị lương thực, nước uống cho quân ta để đánh địch lâu dài. Đúng đêm 30 Tết, đơn vị mỗi người mang theo 2 đến 3 kg pháo, thuốc nổ bí mật vượt qua nhiều điểm chốt của địch tiến vào mục tiêu. Khi vượt qua cầu Lòn cách Ty Cảnh sát khoảng 500m thì bị phục kích, đơn vị chiến đấu với địch mất khoảng 1 giờ đồng hồ.

Đồng chí xạ thủ B40 bị thương nặng phải lui về tuyến sau, đồng chí Cù thay giữ B40 và dẫn đơn vị tiến thẳng vào Ty Cảnh sát ngụy. Bị hỏa lực lô cốt bên phải bắn mạnh, đồng chí Cù bắn 1 quả B40 để dập tắt. Sau đó, đội hình chiến đấu của ta vượt qua cổng chính Ty Cảnh sát, lô cốt bên trái tiếp tục nhả đạn, đồng chí Cù bắn quả thứ 2 và anh dũng hy sinh. Nén đau thương vào lòng, ông Nguyễn Xuân Giang tiếp tục chỉ huy đơn vị tiến công tiêu diệt một số tên địch và bắt sống 2 tên.

Trời bắt đầu rạng sáng, địch tập trung gần 1 tiểu đoàn bao vây, đơn vị tạm thời lui ra khu M. Thạch Hãn, ổn định tinh thần cho anh em, quyết tâm chiến đấu đến cùng. Quân địch tiếp thêm lực lượng, trên trời, máy bay trực thăng bay lượn qua lại, dưới mặt đất lính dù kêu gọi đầu hàng.

Trong tình thế đó, anh em trong đơn vị đã đoàn kết cùng nhau chiến đấu dũng cảm, kiên cường. Mọi người nhắc nhở nhau địch vào gần mới được bắn để tiết kiệm đạn và đại liên, trung liên, B40 khi nào có lệnh mới được sử dụng. Đơn vị chiến đấu suốt ngày mồng 1 Tết Mậu Thân, tiêu diệt thêm 7 tên địch, thu 4 khẩu 3AR15 và 1 súng M79.

Đến 1 giờ sáng ngày mồng 2 Tết, đơn vị tìm đường đưa thương binh và ra khỏi vòng vây địch an toàn. Mặc dù, không đạt được nhiệm vụ đặt ra nhưng với quyết tâm cao, TSVTAN thị xã Quảng Hà đã tiếp cận được mục tiêu Ty Cảnh sát ngụy, đánh trả quyết liệt làm địch hoang mang lo sợ, tiêu hao sinh lực địch.

Tiếp dòng hồi ức, ông Trần Du Lịch bùi ngùi nhớ lại: “Ngày 14 tháng Giêng (ngày 12-2-1968), ngày mà tôi không bao giờ quên được. Hôm ấy, tôi cùng với đồng chí Nguyễn Văn Thành (người Thanh Hóa) được giao nhiệm vụ bắt chỉ huy trưởng đồn Mang Cá (thành phố Huế). Khi đến Cầu Kho, cách đồn Mang Cá chừng 50 m, tôi và đồng chí Thành bị địch phục kích. Chúng bắn súng cối cá nhân, tôi bị thương nặng, phải nhảy xuống sông và được lực lượng của ta chờ sẵn hỗ trợ để chuyển ra Bắc điều trị...”.

Câu chuyện chợt dừng lại, đôi mắt người lính già ngấn lệ, trầm tư, giọng ông chùng xuống, người đồng đội của ông đã hy sinh và nằm lại vĩnh viễn tại nơi này. 23 năm trong quân ngũ, đại úy Trần Du Lịch, nguyên điệp báo an ninh đơn vị K500 – Khu ủy Huế đã trải qua bao nhiêu cuộc chiến đấu, nhưng ký ức về những ngày tháng ác liệt của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 vẫn in sâu trong tâm trí ông.

Sau chiến dịch, mắt trái của ông đã không còn nhìn thấy rõ, tay trái vẫn đau nhức mỗi khi trái gió trở trời. Lời thề sắc son “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” vẫn là “hành trang” thiêng liêng nhất để mỗi người lính như ông Trần Du Lịch bước vào trận chiến. Họ sẵn sàng hy sinh thân mình, không tiếc xương máu cho quê hương, cho đất nước được hòa bình, thống nhất.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 trong ký ức người lính Quảng Bình không chỉ là những ngày tháng ác liệt, gian khổ, mà trên hết là tinh thần chiến đấu anh dũng, ngoan cường của quân và dân ta; là sự yêu thương, đùm bọc, che chở của nhân dân đối với người lính.

Ông Nguyễn Quang Khanh (sinh năm 1941, phường Phú Hải, thành phố Đồng Hới) bồi hồi nhớ lại: “Năm 1968, tôi là chính trị viên Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 270 thuộc mặt trận B5. Còn nhớ, chỉ 5 ngày nữa là đến Tết Mậu Thân, tôi và một số đồng chí trong đơn vị nhận nhiệm vụ ra huyện Vĩnh Linh lấy quân để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công tại thành phố Huế.

Mặc dù chưa lấy đủ quân số, nhưng chúng tôi nhận được lệnh phải vào gấp. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh các mẹ, các chị ở xã Vĩnh Tú gói vội những chiếc bánh chưng, bánh sắn để chúng tôi mang theo coi như là ăn Tết. Những cái ôm nồng ấm, những ánh mắt mong ngóng ngày đoàn tụ, những chiếc bánh gói vội... tất cả đều chứa chan tình cảm của người dân dành cho người lính. Để chúng tôi cảm thấy được ấm lòng trên con đường hành quân đầy gian khó và sẵn sàng cho những nhiệm vụ sắp tới...”.

50 mùa xuân đã đi qua kể từ Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, những người lính Quảng Bình năm xưa đã trở về với cuộc sống đời thường sau những năm tháng xông pha khắp chiến trường. Hôm nay, họ vẫn giữ vững tác phong, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia công tác ở địa phương, miệt mài cống hiến cho quê hương, xã hội. Và, họ vẫn tiếp lửa cho thế hệ trẻ lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc qua những câu chuyện lịch sử hào hùng mà chính họ là những nhân chứng sống.

An Nhiên



 

,