.

Khát vọng của Tuân

.
14:17, Chủ Nhật, 14/01/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - 20 năm là một chặng đường dài lao động không ngơi nghỉ của chàng trai trẻ với khát vọng vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Từ một đứa trẻ bán kem dạo, giờ đây, Đinh Đăng Tuân là chủ một trang trại ở miền quê nghèo Hưng Thủy.

 

Đinh Đăng Tuân đang tìm tòi những kiến thức về phòng trừ dịch bệnh cho vật nuôi trên mạng Internet.
Đinh Đăng Tuân đang tìm tòi những kiến thức về phòng trừ dịch bệnh cho vật nuôi trên mạng Internet.

Theo Quốc lộ 1 vào phía nam quá chợ Mai một quãng là con đường rẽ vào làng. Một chị làm ruộng bên đường nói, mấy chú cứ thẳng đường mà vô, hết đường to là trang trại của Tuân, đường này cũng do Tuân đầu tư nâng cấp đây.

Trước mắt chúng tôi là một trang trại khá rộng, bao gồm hệ thống ao hồ, chuồng trại... được bố trí ngay ngắn.

Và hơn một giờ đồng hồ bên trang trại, chúng tôi nghiệm ra đánh giá của ông Đinh Viết Màng, Chủ tịch UBND xã Hưng Thủy về Đinh Đăng Tuân là chính xác: “Tuân là người biết vượt qua hoàn cảnh cực kỳ khó khăn của mình để vươn lên; lại luôn chịu khó học hỏi, sáng tạo trong cách làm”.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, ở một miền quê “nghèo có tiếng” của huyện Lệ Thủy. Không may mắn như nhiều bạn bè cùng trang lứa, học đến lớp 7, Tuân sớm “lăn lóc” với cuộc đời mà mở đầu là bán kem dạo. Nối tiếp bán kem là thu mua đồng nát, ve chai... Những tưởng dòng chảy buồn ấy sẽ làm cho cuộc đời của Tuân khuất lấp, buồn tẻ.

Nhưng không, những chuyến đi khắp nơi trong tỉnh và vào cả đến Quảng Trị đã giúp Tuân lý giải được việc nhiều nông dân là chủ trang trại, làm ăn phát đạt, giàu có trên vùng đất nghèo như quê Tuân. Cái quyết tâm phải lao động sáng tạo để vươn lên làm giàu đã nung nấu trong tâm trí chàng trai này từ những ngày ấy.

Năm 1997, khi mới bước qua tuổi 17, Tuân đã vào Hội Nông dân xã với một định hướng cụ thể là học cách làm ăn của những người đi trước, những người khá lên từ đất này. Nhưng với Tuân, khi bắt tay vào làm ăn, đụng đến vốn liếng mới thấu hiểu thế nào là “cái khó bó cái khôn”.

Gia đình nghèo, anh em cũng nghèo lại bệnh tật nên Tuân không thể dựa vào ai. Điều mà Tuân đặt nhiều kỳ vọng nhất là... ý chí và khát vọng cháy bỏng của chính mình. Thế là Tuân cùng gia đình đào ao thả cá, chăn nuôi lợn, gà...

Tuân tâm sự, sau mấy năm lăn lộn với đàn gà, bầy lợn, kinh tế chưa khá lên là bao nhưng anh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và kiến thức về chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Lúc này, Tuân đã lấy vợ và được bố mẹ cho ra ở riêng.

Cái mốc nào được coi là “bước ngoặt” trong hành trình vượt qua đói nghèo? Tôi xen vào dòng tâm sự của Tuân. Có hai cái mốc quan trọng với tôi", Tuân nói. "Đầu tiên, tôi chuyển từ chăn nuôi giống lợn Móng Cái sang giống lợn lai ngoại. Tiếp đến, thấy chăn nuôi mà không chủ động về giống gặp rất nhiều khó khăn, gia đình đã đầu tư nuôi lợn nái giống ngoại kết hợp nuôi lợn thịt.

Từ đó cơ sở đã hoàn toàn chủ động về giống và khép kín trong chăn nuôi. Lượng lợn xuất chuồng ngày càng nhiều lên, ổn định hơn, uy tín với bạn hàng lớn hơn. Mặt khác, học kinh nghiệm từ những mô hình sản xuất tổng hợp, nên ngoài nuôi lợn, tôi đã chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản với hướng đi chủ yếu là nuôi con giống. Tôi tập trung những con giống mà người dân ở đây hay thả nuôi, như: trắm, mè, chép, rô phi...".

Nhưng cả khi “hàng rào kỹ thuật” trong chăn nuôi đã được xuyên thủng, Tuân nhận ra mình vẫn là một cơ sở làm ăn “cò con” vì quy mô còn quá nhỏ. Một ý nghĩ táo tợn khác lại âm thầm thúc giục Tuân: mở rộng diện tích chuồng trại, ao hồ để có thể vươn lên làm ăn lớn, tạo được thương hiệu hàng hóa trong khu vực... Tuân nói, đây được coi là bước ngoặt quan trọng nữa trong làm ăn.

Nhưng, để thực hiện ý tưởng ấy không dễ. Cũng may lúc này, những chính sách về nông nghiệp đã có nhiều đổi mới, trong đó có chủ trương chuyển diện tích làm lúa kém hiệu quả sang trồng cây hoặc nuôi trồng thủy sản, cho phép cá nhân tích tụ ruộng đất... Sau những ngày chạy vạy vất vả để mua, sang nhượng, chuyển đổi..., quy mô trang trại của Tuân được mở rộng dần, từ vài trăm mét vuông lên 1ha, rồi lên 3 ha và bây giờ là 5 ha.

Đấy là những năm 2009-2010. Vừa mở rộng quy mô vừa đầu tư xây dựng cơ bản. Sau mấy năm lao động cật lực, bây giờ trang trại của Tuân đã có hơn 3,5 ha ao hồ để nuôi cá giống, 1.200 m2 chuồng trại được xây dựng quy mô, bài bản để duy trì 50 lợn nái ngoại và trong chuồng thường trực 200-300 con lợn thịt...

Về tổng mức đầu tư cho ao, hồ, chuồng trại, Tuân nói, rất khó để có con số chính xác vì xây dựng từng đợt một, năm nào lãi nhiều thì xây dựng nhiều, năm ít thì làm ít, nhưng cũng khoảng 5 tỷ đồng.

Tuân cho biết, từ khi hoàn chỉnh hệ thống chuồng trại, hàng năm trang trại xuất chuồng khoảng 1.500 lợn thịt bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm; 3-4 vạn con cá giống; doanh thu hơn 2,5 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 600 triệu đồng/ năm. Bên cạnh đó, trang trại tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức thu nhập 4-5 triệu đồng/ tháng cùng với hàng chục lao động thời vụ khác.

Cũng như những trang trại khác trong khu vực, thuận lợi nhiều nhưng khó khăn cũng lắm. Tuân chia sẻ: "Cái khó nhất hiện nay là thị trường không ổn định, nói một cách chữ nghĩa là thị trường còn lắm điều méo mó...

Chẳng hạn như cơn sốt giảm giá lợn vừa qua, trang trại tôi cũng xiêu điêu, lỗ gần tỷ đồng. Cũng may tôi “đi bằng hai chân”, nên cá giống đã gỡ lại. Rồi những chính sách về trang trại cũng chưa thật thoáng lắm, chẳng hạn về xây dựng cơ bản trên đất trang trại, chủ trang trại chưa được phép xây nhà kiên cố...".

Còn có những điều không thể hiện rõ trên trang trại, Tuân nói: "Ngoài công việc ở trang trại, tôi cũng bận bịu nhiều việc với phong trào của nông dân ở địa phương". Điều đó thì quá rõ,17 tuổi tham gia Hội Nông dân xã và từ chỗ chỉ biết lắng nghe để học hỏi, nhiều năm gần đây Tuân là cán bộ nòng cốt của hội.

Các hồ ươm cá giống của trang trại Đinh Đăng Tuân.
Các hồ ươm cá giống của trang trại Đinh Đăng Tuân.

Ông Màng, Chủ tịch xã Hưng Thủy nói: “Tuân đóng vai trò tích cực trong các phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của Hội Nông dân xã, đặc biệt đã chủ trì trong việc thành lập câu lạc bộ chăn nuôi của xã và hướng dẫn kinh nghiệm cho các hộ xóa đói giảm nghèo, nhiều hộ đã vươn lên khá giả...”.

Không những thế, Tuân đã gương mẫu trong việc hiến đất làm đường nông thôn mới; tự bỏ ra hơn 100 triệu đồng để làm đường và ủng hộ các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn... Những tấm bằng khen mà tôi tình cờ nhìn thấy trong tủ kính cũng đã khẳng định thêm những đóng góp của Tuân: bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của UBND tỉnh Quảng Bình, bằng khen của Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam cùng với nhiều giấy khen của UBND huyện... trao cho Tuân trong giai đoạn 2007 đến nay.

Còn nữa, Tuân là một trong ba chủ trang trại sản xuất kinh doanh giỏi trong tỉnh được đề nghị Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba trong thời gian tới. Nhiệm kỳ 2016-2021, Tuân được tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND huyện, Tuân ý thức được trách nhiệm với bà con sẽ nặng nề hơn.

Với vùng quê nghèo này, những gì Tuân làm được là “điểm sáng”, là “tấm gương” như đánh giá của lãnh đạo địa phương. Nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được những nét còn đơn sơ của trang trại, vẫn còn đó nhiều việc phải làm, phải đối mặt để trang trại thực sự phát triển bền vững. Có lẽ, thấu hiểu điều đó mà với Tuân, khát vọng vươn lên vẫn rất mãnh liệt.

Tuân nói: "Tôi đang học tiếp, học văn hóa, học trung cấp nghề, trong đó tập trung nghề nuôi trồng thủy sản...". Vâng, học tập vươn lên thật đáng quý, học để làm được nhiều việc hơn, để làm giàu cho gia đình, cho xã hội, giúp đỡ nhiều hơn cho nông dân càng đáng được trân trọng.

Văn Hoàng


 

,