.

Sơn Đoòng và "lộ trình ngược" - Bài 1: Đường đến "thiên đường"

Chủ Nhật, 11/06/2017, 21:27 [GMT+7]

(QBĐT) - Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới với bề rộng hơn 90m, vòm rộng gần 244m có thể chứa được cả một tòa nhà cao 40 tầng, chiều dài hang khoảng 5km tương đương sức chứa gần 70 chiếc máy bay Boeing 777… Hang Sơn Đoòng thông hai đầu, nếu khám phá từ cửa trước thì phía cửa sau được ngăn cách bởi một vách nhũ đá khổng lồ cao gần 100m ở độ sâu 6km dưới lòng hang. Đây chính là “Bức tường Việt Nam” (Great Wall of Viet Nam) - tên do Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đặt và được ví như “Vạn lý trường thành” của Việt Nam.

 

Thay vì khám phá Sơn Đoòng từ cửa trước, du khách phải quay trở lại sau khi gặp bức tường này. Vì thế, vượt qua “Bức tường Việt Nam” chính là lối vào thứ hai để chinh phục Sơn Đoòng theo “lộ trình ngược”.

Thời gian gần đây một số phương tiện thông tin đại chúng cho rằng lộ trình mới khám phá Sơn Đoòng bằng cách vượt “Bức tường Việt Nam” gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các giá trị của di sản. Để hiểu rõ hơn, chúng tôi đã tham gia cùng đoàn khảo sát gồm đại diện các sở, ngành liên quan của tỉnh đến Sơn Đoòng để nắm bắt thực hư sự việc.

Băng rừng Phong Nha

Tour du lịch mạo hiểm khám phá Sơn Đoòng đã được khai thác gần 3 năm và lộ trình đến Sơn Đoòng hiện đang được triển khai là 5 ngày 4 đêm. Theo đó, du khách đi sâu vào hang Sơn Đoòng, đến “Bức tường Việt Nam” thì quay trở về bằng đường cũ. Tháng 6-2016, Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis) đã tiến hành thử nghiệm lộ trình mới đi xuyên hang Sơn Đoòng bằng cách vượt “Bức tường Việt Nam” và trở về bằng cổng phía trước với thời gian rút ngắn còn 4 ngày 3 đêm.

Từ Km 28 đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây), sau quãng thời gian 30 phút di chuyển bằng xe ô tô theo đường 20 Quyết Thắng, qua cầu Trạ Ang, chúng tôi bắt đầu hành trình đi bộ băng rừng Phong Nha.

Muôn vàn dốc cao, ngoằn nghoèo với vô số sên, vắt lần lượt được các thành viên đoàn thám hiểm chinh phục. Thi thoảng, bên bờ suối, chúng tôi bắt gặp những gốc cây gãy đổ chắn ngang đường. Đại diện lực lượng kiểm lâm cho hay, những cây trên gãy đổ là do mưa bão bởi đây là khu vực rừng lõi nguyên sinh, nghiêm cấm mọi hành vi xâm hại dưới bất kỳ hình thức nào.

Ở những vách đá cao dựng đứng, các chuyên gia kỹ thuật phải hướng dẫn tỉ mỉ cách đặt chân, chỗ hốc đá cần bám tay để leo lên. Với những người làm báo như chúng tôi, việc làm này không quá khó.

Tuy nhiên, cho dù người có sức khỏe phi thường nhưng không có kinh nghiệm leo núi thì điều này là vô cùng khó khăn, đặc biệt với những ai sợ độ cao. Vì là khu rừng nguyên sinh ẩm ướt nên sau khi vượt qua những đoạn đường trơn trượt do bùn lầy, giờ lại chênh vênh trên lởm chởm những tảng đá vôi sắc nhọn nên ai cũng phải hết sức cẩn thận. Để thuận lợi cho việc vượt các tảng đá sắc nhọn đi lên cao, các porter và chuyên gia hang động đã nối nhiều đoạn dây thừng tại một số vị trí dốc cao thẳng đứng để mọi người có điểm đu, bám, tiến lên phía trên cao.

Theo “lộ trình ngược” để khám phá Sơn Đoòng, du khách sẽ phải vượt qua những vách đá tai mèo sắc nhọn.
Theo “lộ trình ngược” để khám phá Sơn Đoòng, du khách sẽ phải vượt qua những vách đá tai mèo sắc nhọn.

Sau gần 2 tiếng đồng hồ vượt núi, từ xa xa tôi đã nghe vọng lên tiếng người hò reo vui mừng “Sơn Đoòng, Sơn Đoòng”! Trước mắt tôi là hình ảnh một cửa hang hùng vĩ - đây chính là “cửa sau” của hang Sơn Đoòng.

Thấy tôi chưa hết ngỡ ngàng, nữ hướng dẫn viên Anetta cười nói: “Để đến được hang Sơn Đoòng, đây là đoạn đường ngắn nhất. Nhưng điều quan trọng hơn đang chờ đợi phía trước chính là phải chinh phục “Bức tường Việt Nam”. Nếu vượt qua, anh sẽ là một trong số ít người trên thế giới làm được tính đến thời điểm này”.

Những người bạn đồng hành

Tất cả nhân viên của Oxalis đều phải trải qua các lớp huấn luyện, đào tạo hết sức bài bản từ những chuyên gia thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh và Trung tâm đào tạo Vertical Academy để nắm bắt các kỹ thuật an toàn và bảo đảm tốt cho du khách trong quá trình đi tour.

John Palmer, chuyên gia Kỹ thuật thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh từng có 27 năm gắn bó với hàng loạt hang động được tìm thấy trong khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Suốt hành trình băng rừng Phong Nha để khám phá Sơn Đoòng theo “lộ trình ngược”, John Palmer luôn là người dẫn đầu. Trong số hơn 10 thành viên của đoàn tham gia hôm ấy chỉ duy nhất một người trực tiếp mang ba lô to, nặng trên vai, đó là John.

Được biết, anh từng có hơn 30 năm làm việc với các chuyên gia trong lĩnh vực hang động thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh, từng đi khắp thế giới, trải nghiệm những địa hình vô cùng hiểm trở trong các hành trình khám phá, tìm kiếm hang động. Hầu như tất cả những hang động lớn trên thế giới đều có sự góp sức khám phá của anh. Khi đến Việt Nam, anh và nhiều người khác phải ngỡ ngàng trước vẻ đẹp tiềm ẩn và vô cùng kỳ bí của Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.

Cũng như nhiều thành viên khác, John không khỏi ái ngại với loài động vật đặc trưng vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm, đó là sên, vắt rừng. Sau mỗi trận mưa rừng, loài này xuất hiện nhiều vô số kể, nói theo cách ví von của John là chúng “nở” ra từ các lùm cây hai bên đường, suốt dọc hành trình khám phá hang động.

Người thứ hai gây ấn tượng mạnh với chúng tôi là Anetta. Sinh năm 1990 tại Đắk Lắk, cô gái 27 tuổi người dân tộc Ê-đê từng có gần 3 năm gắn bó với Công ty Oxalis và là nữ hướng dẫn viên chuyên nghiệp duy nhất của loại hình du lịch mạo hiểm khám phá Sơn Đoòng.

Các hướng dẫn viên kiểm tra hệ thống dây, đai an toàn cho các thành viên trước khi vượt “Bức tường Việt Nam”.
Các hướng dẫn viên kiểm tra hệ thống dây, đai an toàn cho các thành viên trước khi vượt “Bức tường Việt Nam”.

Trong suốt hành trình, ai cũng bất ngờ khi thấy hình ảnh một cô gái cứ thoăn thoắt đi trên các mỏm đá như những chú sơn dương, vừa đi vừa vui vẻ trò chuyện, hướng dẫn. Tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ, từng đầu quân cho một dự án phi chính phủ hỗ trợ người nghèo tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, nhưng sự đam mê khám phá thiên nhiên đã đưa Anetta đến với Sơn Đoòng.

Theo đánh giá của các porter, sự bền bỉ, dẻo dai của Anetta trong từng cung đường băng rừng, lội suối, leo núi chẳng hề thua kém họ, thậm chí “ăn đứt” nhiều thành viên khác. Điều này dễ hiểu bởi cô là người dân tộc Ê-đê, từng quen với núi rừng từ thuở nhỏ. Niềm đam mê khám phá thiên nhiên luôn cháy bỏng và sức hấp dẫn, vẻ đẹp kỳ vĩ của tạo hóa ban tặng cho Phong Nha – Kẻ Bàng đã thôi thúc Anetta không ngừng nỗ lực cố gắng trong công việc. Có lẽ, cũng vì thế, nên dù tuổi đã lớn, cô gái Ê-đê vẫn chưa nghĩ đến chuyện lập gia đình.   

Người thứ ba không ai khác là Hồ Khanh. Những bước chân đi của Hồ Khanh trong suốt hành trình khám phá Sơn Đoòng theo “lộ trình ngược” thật thong thả. Bởi đã rất nhiều lần anh tham gia cùng các đoàn thám hiểm đi khắp núi rừng Phong Nha, kinh nghiệm đã có thừa. Anh cho biết, những năm 1990 – 1991, cũng như nhiều thanh niên khác trong làng, vì mưu sinh anh phải luồn rừng khai thác lâm sản. Một lần, khi đang đạp rừng tìm trầm hương, anh gặp một cơn dông đột ngột, đang tìm chỗ để trú mưa, tình cờ phát hiện ra một vòm hang đá rộng lớn...

Gần 20 năm sau, một mình anh Khanh đã khăn gói đến khu vực bản Đoòng theo lời nhắn nhủ của ông Howard Limbert, Trưởng đoàn thám hiểm Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh và tìm lại được cái hang mà năm 1991 anh đã trú mưa. Đầu năm 2009, Hồ Khanh một lần nữa dẫn đoàn của Howard Limbert đến và hang này được đặt tên là Sơn Đoòng.

Nguyễn Hoàng

Bài 2: Thang vượt “Bức tường Việt Nam” - có ảnh hưởng đến di sản?