.
Kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2017):

Hồi ức màu đỏ

Chủ Nhật, 30/04/2017, 14:18 [GMT+7]

(QBĐT) - 42 năm đã trôi qua kể từ ngày cùng đồng đội chiến đấu ngoan cường, giành chiến thắng vang dội ở trận đầu Xuân Lộc (9-4-1975), mở màn cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhưng trong ký ức của cựu chiến binh Nguyễn Sỹ Hùng (SN 1954, Hải Trạch, Bố Trạch), tất cả như chỉ mới diễn ra ngày hôm qua. Với người lính ấy, đó sẽ mãi là dấu ấn không thể nào quên trong suốt cuộc đời.

Tháng tư, Quảng Bình ngập nắng. Làng biển Hải Trạch cũng chênh chao trong cái nắng gay gắt đến rát mặt người. Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang vừa mới xây xong, người cựu binh Nguyễn Sỹ Hùng như sống lại một thời hào hùng đánh Mỹ. Ký ức về trận Xuân Lộc, mở đường cho quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn chợt ùa về như một thước phim quay chậm.

44 năm về trước, khi vừa mới tốt nghiệp cấp 3, đang là một thanh niên đầy nhiệt huyết, sôi nổi, Nguyễn Sỹ Hùng tạm gác mọi dự định đang dang dở để lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Ông đầu quân vào tiểu đoàn 53B, Quảng Bình sau đó biên chế vào tiểu đoàn 9, sư đoàn 341. Đầu tháng 2-1975, sư đoàn 341 được lệnh vào chiến trường B2, đánh vào thị xã Xuân Lộc, tỉnh lị Long Khánh.

“Chính trong những ngày này, chúng tôi mới thật thấm thía sự khốc liệt của chiến tranh. Ranh giới giữa sự sống và cái chết trở nên mong manh vô cùng. Nhưng thật kỳ lạ, càng khốc liệt, hiểm nguy, tinh thần chiến đấu của anh em càng thêm ngoan cường, ý chí càng thêm sắt đá”, đôi mắt của người chiến sỹ già ấy ngời sáng khi kể cho chúng tôi nghe về “mốc son” của cuộc đời mình...

Xuân Lộc nằm ở phía đông bắc Sài Gòn. Sau những thất bại nặng nề trên các chiến trường Tây Nguyên, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng..., chính quyền Sài Gòn cho xây dựng Xuân Lộc thành tuyến phòng thủ mạnh, hòng ngăn chặn sự tiến công của quân giải phóng từ hướng đường 20 và quốc lộ 1A đánh vào Sài Gòn. Sau khi nhận được lệnh chiến đấu, tiểu đội thông tin vô tuyến điện 2W của ông Hùng được tổ chức thành 3 tổ chiến đấu: một tổ ở lại tiểu đoàn bộ, hai tổ còn lại tăng cường về hai đại đội chủ công.

Với CCB Nguyễn Sỹ Hùng, trận đầu Xuân Lộc là mốc son chói lọi và ký ức không thể nào quên trong suốt cuộc đời ông.
Với CCB Nguyễn Sỹ Hùng, trận đầu Xuân Lộc là mốc son chói lọi và ký ức không thể nào quên trong suốt cuộc đời ông.

Theo kế hoạch tác chiến, đúng 18 giờ ngày 8-4, đơn vị ông rời vị trí tập kết tiến về thị xã Xuân Lộc. Tổ máy 2W theo quy ước tắt máy không liên lạc; mọi mệnh lệnh được truyền bằng miệng từ người đi đầu đến người cuối cùng. Đến 4 giờ sáng 9-4, tiểu đoàn 9 và các đơn vị trong sư đoàn 341 đã áp sát Xuân Lộc.

Sau khi có lệnh của tiểu đoàn do các đồng chí thông tin truyền đạt, đại đội trưởng lệnh cho bộ đội triển khai đội hình chiến đấu, khẩn trương đào hầm cá nhân, kiểm tra lại súng đạn đợi lệnh chiến đấu. Trận địa tiểu đoàn 9 chiếm lĩnh kéo dài hơn 300m, dọc theo quốc lộ 1A. Theo sự phân công, Nguyễn Sỹ Hùng phải luôn bám sát đồng chí chính trị viên và đại đội trưởng, đợi có lệnh để mở máy liên lạc với tiểu đoàn.

Mặc dù là trận đánh đầu tiên được tham gia nhưng hiểu hết tính khốc liệt cũng như tầm quan trọng của trận đánh, người lính trẻ ấy vẫn luôn tâm niệm “thời cơ giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam đã đến, không được lưỡng lự, do dự, dù có hi sinh cũng quyết chiến đấu giành thắng lợi”.

Đúng 5 giờ 40 phút ngày 9-4-1975, pháo chiến dịch và pháo Trung đoàn 55 đồng loạt nả đạn. Thị xã Xuân Lộc rung lên sau mỗi đợt pháo của ta. Ngay loạt đạn pháo đầu tiên, cụm ăngten của khu thông tin trung tâm thị xã bị phá tung, cột ăngten trên đỉnh núi-“con mắt cú vọ” của địch nằm ở phía nam thị xã bị trúng đạn đổ gục.

Theo hiệp đồng, Nguyễn Sỹ Hùng lệnh cho đồng đội mở máy liên lạc với tiểu đoàn. Đúng 6 giờ 40 phút, hai phát pháo hiệu đỏ rực của sư đoàn bắn lên trời. Cùng lúc đó, đơn vị ông Hùng nhận được lệnh tiến công. Từ trong các hầm chiến đấu, bộ đội ta bật dậy, súng AK kẹp nách dàn hàng ngang xung phong đánh thẳng vào thị xã. Trong lúc chiến đấu, ông Hùng không may bị thương, được các đồng chí vận tải tiểu đoàn chuyển ra trạm phẫu tiền phương của Sư đoàn. Sau khi băng bó xong, người lính kiên cường ấy lại tiếp tục trở lại đơn vị để chiến đấu cùng đồng đội.

Lúc này, đại đội đã tiến sâu vào thị xã, Nguyễn Sỹ Hùng được bổ sung vào tổ máy 2W của tiểu đoàn bộ, tiếp tục chiến đấu cùng đơn vị. Sau 12 ngày chiến đấu kiên cường, liên tục, thị xã Xuân Lộc, bức tường thép, phòng tuyến “bất khả xâm phạm vòng ngoài của chế độ Sài Gòn” đã bị quân giải phóng đập nát. Cánh cửa phía đông đã mở, chào đón các cánh quân kiên cường của ta vào trận quyết chiến chiến lược cuối cùng-tổng tiến công vào Sài Gòn, Gia Định.

Sau giải phóng miền Nam, năm 1979, anh lính Nguyễn Sỹ Hùng khi ấy vừa tròn 25 tuổi xuất ngũ trở về địa phương, tiếp tục đi thi đại học, nối lại giấc mơ còn dang dở. Năm 1980, ông lập gia đình rồi lần lượt sinh được hai người con. Cuộc sống lúc bấy giờ nhiều thiếu thốn, vất vả, nhưng với bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, ông chưa bao giờ chịu lùi bước trước khó khăn, cùng vợ lăn lộn với đủ thứ nghề để vừa chăm lo cho gia đình, con cái, vừa theo học đại học.

Năm 1993, ông về làm việc tại Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bố Trạch, chuyên trách nghiên cứu lịch sử Đảng bộ huyện và hiện tại là Chủ tịch Hội di sản văn hóa huyện; Trưởng ban liên lạc Sư đoàn 341 huyện Bố Trạch. Dù ở cương vị, công việc nào, ông cũng luôn tâm niệm phải đặt chữ “trách nhiệm” lên hàng đầu, bởi thế người CCB ấy luôn là tấm gương sáng của thế hệ trẻ ở làng biển Hải Trạch.

Mỗi dịp tháng tư về, đơn vị ông Hùng lại gặp nhau, ôn lại ký ức những ngày đánh Mỹ hào hùng. Chiến tranh đã lùi xa hơn bốn thập kỷ, nhưng với những người lính, những gì họ đã đi qua, có cả mất mát đau thương, có cả tình đồng đội ấm áp, những giây phút vào sinh ra tử... sẽ mãi mãi khắc ghi trong máu thịt, trở thành miền nhớ theo suốt cuộc đời.

Tâm An