.

Săn lá rừng cuối năm

Thứ Sáu, 20/01/2017, 15:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời điểm giáp Tết Nguyên đán, những người dân ở các xã Quảng Châu, Quảng Kim, Quảng Hợp… (huyện Quảng Trạch) lại gọi nhau đan gùi, ngược rừng săn lá rừng để gói bánh. Đó là lá chuối, lá dong, ống giang rừng... Công việc vất vả, nhưng góp thêm cho người dân nơi đây có cái tết đủ đầy hơn.

Vượt rừng săn lá

Mùa lá tết bắt đầu từ tháng 12 Âm lịch hàng năm. Những ngày cuối năm, chúng tôi lại có dịp theo chân những phu lá ngược rừng vượt dãy Hoành Sơn (giáp ranh Quảng Bình) săn lá tết. Rừng Hoành Sơn linh thiêng án ngữ giữa trời rộng, sương rừng ngự trị quanh năm.

Phân loại lá dong trước khi đem đi bán.
Phân loại lá dong trước khi đem đi bán.

Để hái được những đọt lá rừng tươi non, phu lá nơi đây phải đi sâu vào rừng dưới cái rét ngọt và màn sương muối dày đặc bao phủ. Chúng tôi len lỏi theo con đường mòn vào rừng sâu hun hút. Những phu lá, từ già đến trẻ, ai cũng hi vọng săn được nhiều lá đẹp để bán được giá giúp gia đình sắm tết. Họ đi theo từng tốp từ 5 – 7 người, gọi là “hội” lá.

Theo lời một phu lá nơi đây, thường thì việc lấy lá bắt đầu từ trước Tết Nguyên đán từ 15 đến 20 ngày. Sau đó, họ đem lá về nhà cất giữ cẩn thận đợi cận tết thì đem ra các chợ đầu mối bán cho người miền xuôi. Vào những ngày không có mưa rừng, họ sẽ đóng lán trại ở giáp bìa rừng để ngủ lại dăm bảy ngày rồi mới đem lá về. Để lấy được những đọt lá xanh non, không bị rách hay hư hỏng, “hội” lá phải đi sâu vào vùng rừng và phải tìm đến những khe nước với tán rừng cổ thụ. Để đi đến đó mà không bị lạc đường, trước đó, nhóm thợ phải đi “đạp cội” và phát quang làm dấu từng vạt lá. Công đoạn lấy lá cũng đòi hỏi người thợ phải cẩn thận và khéo tay để không hư lá, bởi lá rách thì sẽ rất khó bán hoặc bán với giá rẻ hơn.

Khi săn đủ gùi, lá rừng được gom lại và phân loại. Những phu lá sẽ phân loại lá theo chất lượng rồi đem ngâm ở các khe suối, nhằm để cho lá được tươi lâu và cứ thế tiếp tục lội rừng lấy lá. Trong “hội” lá, thường phải có một người lớn tuổi “gạo cội” thuộc làu làu địa bàn, vùng núi nếu không rất dễ bị lạc. Rừng nơi đây rậm rạp, liên kết với nhiều vùng rừng khác nguy hiểm, càng tăng lên. Nhiều thợ lá lành nghề thường biết trước được vùng rừng nào, khe suối nào nhiều lá nên thường thu về được nhiều sản vật hơn trong mỗi chuyến ngược rừng.

Anh Đặng Hùng, phu lá 46 tuổi, xã Quảng Châu cho hay: “Lá ở vùng này, “hội” nào thấy trước thì đánh dấu để những “hội” đi sau khỏi phải hớt tay trên. Lá của ai đã có tên tuổi của người đó cả rồi, không lẫn lộn được đâu. Đối với lá chuối rừng khi tìm thấy cần phải đẵn (chặt) cội, rồi lấy từng đọt lá lành lặn, phải cẩn thận mới mong lá khỏi bị rách, phải tỉ mỉ vuốt cuộn tròn chứ khách mua họ vạch hàng kỹ lắm. Thấy rách một chút là họ lắc đầu liền…”

Những năm trở lại đây, lá rừng trên dãy Hoành Sơn cũng thưa dần, nhiều phu lá phải chấp nhận đi xa tới các vùng rừng khác để săn lá. Anh Đặng Trinh, xã Quảng Châu cho biết thêm: "Chúng tôi gồm có 7 người thường đi lấy lá ở các vùng rừng ở Ba Rền phía tây dãy Trường Sơn, cách nhà gần 200 km đi xe máy.

Đến đó thì gửi xe và tiếp tục lội bộ vào sâu trong rừng thì mới lấy được lá. Lá tết ở những vùng rừng này rất tốt, đọt dài bản to, khách mua rất ưa chuộng nên năm nào chúng tôi cũng trở lại đó để lấy. Chúng tôi phải đi từ trước tết 1 tháng thì mới mong còn lá mà lấy chứ đi muộn thì hết lá, bởi vì ngày nay, những thợ lá rất đông, tranh giành từng cụm lá từ chốn rừng sâu. Nhiều “hội” lá có khi đi sang tận vùng rừng núi tỉnh khác, như Kỳ Sơn (Hà Tĩnh)..."

Lá dong, lá chuối được bày bán ở các chợ dịp cận tết.
Lá dong, lá chuối được bày bán ở các chợ dịp cận tết.

Lộc rừng đón tết

Lá tết để gói bánh tại vùng rừng, gồm có lá dong và lá chuối, bên cạnh đó, các “hội” lá thường lấy thêm giang rừng (hay ống đương ở rừng rậm, ống rất dài dùng làm dây buộc bánh chưng). Bên cạnh đó, để tăng thêm thu nhập trong dịp giáp tết thì các thợ lá cũng phải cất trữ các lâm sản phụ khác, như: chổi lau, chổi trành, lá vằng… để đến dịp cận tết đem ra bán. Tất cả những lâm sản phục vụ cho dịp tết đều được các thợ lá gom về nhà, chỉ chờ đợi những phiên chợ tết.

Đến thời điểm cận tết, hầu hết các hộ gia đình của những  phu lá tết đều chật kín những lâm sản phục vụ Tết Nguyên đán. Số lá tết do cánh đàn ông mang từ rừng về sẽ được những bàn tay khéo léo của người phụ nữ cẩn thận cuộn lại thành từng gói nhỏ.

Chị Đặng Thị Hương, 30 tuổi, thôn Trung Minh, xã Quảng Châu nói: "Khi lá được đưa từ rừng về thì công đoạn tiếp theo là cuộn lá thành từng gói nhỏ, chừng 10 đến 15 đọt thành 1 gói, sau đó đóng thành mẻ lá lớn. Mỗi gói nhỏ bán ra được 10 đến 15 nghìn đồng..."

Nghề săn lá rừng tuy vất vả nhưng tạo thêm thu nhập, giúp gia đình các phu lá có cái tết sum vầy, sung túc hơn. Sau mỗi chuyến đi từ 2 đến 3 ngày, mỗi phu lá mang về 1 - 2 nghìn đọt lá rừng (1 - 2 triệu đồng/chuyến). "Mỗi năm đến mùa lá tết, gia đình tui cũng kiếm được 5 – 7 triệu đồng. Không nhiều nhưng cũng đủ sắm thêm mấy đồ tết, áo quần mới cho các con. Ai cũng vui cả, lộc rừng mà...", chị Đàm Thị Huế, 50 tuổi, thôn 3, xã Quảng Kim cười tươi cho biết.

X.Phú-Đ.Thanh