.
Tưởng niệm, tri ân các cán bộ, chiến sỹ hy sinh tại hang Lèn Hà năm 1972:

Hang Lèn Hà khúc tráng ca của những người lính thông tin

Thứ Sáu, 01/07/2016, 09:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Di tích cấp Quốc gia hang Lèn Hà nằm ở khu vực núi Lèn Hà, thuộc bản Hà, xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa), là nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt và sự hy sinh cao cả của cán bộ, chiến sĩ Trạm cơ vụ A69, Đại đội 9, Trung đoàn 134, Binh chủng Thông tin trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên tuyến lửa Quảng Bình. Đặc biệt, nơi đây đã chứng kiến sự hy sinh anh dũng của 13 cán bộ, chiến sĩ Trạm cơ vụ A69 vào ngày 2-7-1972. Các anh, các chị đã hiến dâng tuổi thanh xuân để bảo vệ mạch máu thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

>> Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra công tác chuẩn bị lễ tưởng niệm, tri ân các cán bộ, chiến sỹ hy sinh tại hang Lèn Hà

Để đáp ứng yêu cầu bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ Bộ Chính trị, Tổng Quân uỷ, Bộ Tổng tư lệnh chỉ huy cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 8-8-1966, Trung đoàn 134 được thành lập, có nhiệm vụ bảo vệ và khai thác mạng thông tin hữu tuyến điện chiến lược của Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc.

Ngày 7-1-1967, do các tuyến dây trần ngày càng phát triển, nhất là vào phía nam Quân khu 4, Cục Thông tin liên lạc quyết định thành lập Đại đội 7, với nhiệm vụ bảo vệ và khai thác 385,35km đường dây từ Giang Sơn - Đô Lương - Nghệ An đến cao điểm 316 Vĩnh Linh và trạm cơ vụ A69, A70, A72 đóng tại Quảng Bình.    

Chiến trường ngày càng ác liệt, tháng 3-1968, Trung đoàn quyết định tách Đại đội 7 để thành lập Đại đội 9. Đại đội 9 được biên chế thành ba trung đội và ba trạm cơ vụ bảo vệ, khai thác 187km đường dây từ nam sông Lam (Nghệ An) đến bắc sông Troóc (Quảng Bình), có 3 trạm cơ vụ: A68, A69 và A76.
Trạm cơ vụ A69 thành lập vào ngày 7-1-1967, được biên chế một tiểu đội tải ba tổng đài, một tiểu đội nguồn điện, một tiểu đội đường dây và bộ phận hậu cần. Tổng số quân lúc đầu là 19 đồng chí, sau tăng dần lên 33 đồng chí.

Ngay sau khi được thành lập, Trạm cơ vụ A69 đã tìm chọn hang Lèn Hà làm nơi đóng quân. Lèn Hà nằm trong khu rừng già trên địa bàn Thanh Hoá - xã biên giới giáp nước bạn Lào, là một trạm thông tin quan trọng trên tuyến dây trần trục giao thông Bắc - Nam, cách tuyến đường chiến lược 15A khoảng 3km, thường xuyên là trọng điểm bị địch tập trung đánh phá ác liệt. Lèn Hà cao khoảng 150m, có đỉnh cao nhất là 320m, lưng chừng núi có một hang đá rộng khoảng 420m2, được các cán bộ, chiến sĩ cải tạo thành nơi đặt máy móc điện đàm; dưới núi là rừng cây rậm rạp rất dễ ngụy trang được xây dựng khu nhà nghỉ ngơi, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ và hội trường của Trạm cơ vụ A69.

Hang Lèn Hà có địa hình, địa thế thuận tiện cho hoạt động của Trạm, vừa có thể cất giấu dự trữ thiết bị máy móc và đường dây của Trung đoàn 134, thường xuyên dự trữ 700km đường dây bọc dã chiến, sẵn sàng thay thế đường dây trần tuyến trục Bắc - Nam khi bị huỷ diệt.

Trạm cơ vụ A69 có vị trí cực kỳ quan trọng, bảo đảm thông tin Bắc - Nam từ Hà Nội đến đường 9 - Nam Lào, Cụm kho Binh trạm 25 thuộc Đoàn 559 ở Thanh Lạng, Binh trạm 12 ở Cổng Trời, Sư đoàn Phòng không 367, Đồn Biên phòng Cha Lo. Đường dây của trạm nối liền với mạng thông tin của Bộ Tư lệnh 559, chạy dọc đường 12 (Quảng Bình) và đường 8 (Hà Tĩnh), đi qua nhiều trọng điểm địch đánh phá ác liệt, địa hình hiểm trở như Khe Nét, Thanh Lạng, Đò Vàng...

 Người dân đến dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Hang Lèn Hà.
Người dân đến dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Hang Lèn Hà.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Việc liên lạc là việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mệnh, vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phối hợp lực lượng và do đó đảm bảo thắng lợi", các cán bộ, chiến sĩ Trạm cơ vụ A69 đã vượt lên hiểm nguy của bom đạn giặc, bao khó khăn, thiếu thốn, cùng sự khắc nghiệt của núi rừng Trường Sơn, vẫn kiên cường bám trụ, bám máy, bám dây bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với Trung đoàn 132, với lực lượng thông tin của các quân chủng, binh chủng, quân đoàn tạo nên một mạng lưới thông tin thông suốt từ hậu phương ra tiền tuyến; nhất là từ Sở chỉ huy chiến dịch đến các đơn vị tác chiến, góp phần tích cực mang lại thắng lợi to lớn của chiến dịch QuảngTrị năm 1972.

Nhưng vào ngày 2-7-1972, trong lúc cán bộ, chiến sĩ Trạm cơ vụ A69 đang làm nhiệm vụ, máy bay Mỹ ập tới bất ngờ bắn pháo khói vào nhà ăn của Trạm để chỉ điểm, chưa đầy 5 phút sau, hai máy bay B57 đến ném 3 quả bom đánh phá vào hai đầu núi và một quả vào chính giữa hội trường; tiếp đó chúng đánh bom phát quang, bom cháy, khu vực Trạm bốc cháy dữ dội.

Cuộc đánh phá của địch diễn ra trong vòng 5 phút nhưng gây thiệt hại và tổn thất hết sức nặng nề: trạm máy trên hang đá cao bị hư hỏng nặng, mạng cáp nhập đài và khoảng 1.500m đường dây quanh khu vực Trạm bị đứt nát không liên lạc được; 13 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh (trong đó có 10 chiến sĩ nữ), nhiều chiến sĩ bị thương...

Nhưng với tinh thần tất cả cho nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc, các chiến sĩ còn sống đã gạt nước mắt, nén đau thương lao vào nhiệm vụ và chỉ sau 1 giờ đồng hồ, thông tin liên lạc đã được thông suốt, trạm máy được củng cố; đồng thời các đồng chí còn lo cứu chữa thương binh, tìm thi thể và mai táng 13 đồng đội của mình.

Biến đau thương thành hành động cách mạng, cán bộ, chiến sĩ Trạm cơ vụ A69  luôn hoàn thành nhiệm vụ giữ vững thông tin liên lạc, phục vụ cho các mặt trận, các chiến dịch chiến đấu thắng lợi. Trong suốt quá trình chiến đấu và phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và chi viện các chiến trường, cán bộ, chiến sĩ Trạm cơ vụ A69 đã dũng cảm, mưu trí, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để tiếp chuyển hàng trăm nghìn phiên liên lạc kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn phục vụ cho Bộ chỉ huy chỉ đạo các đơn vị chiến đấu. Tiêu biểu là chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971, chiến dịch Cánh Đồng Chum năm 1971, chiến dịch Quảng Trị năm 1972.

Không chỉ ném bom bắn phá, kẻ địch còn dùng mọi thủ đoạn để phá hoại đường dây thông tin liên lạc của ta, nhưng đều bị thất bại. Đặc biệt vào tháng 5-1972, với tinh thần cảnh giác cao độ, cán bộ, chiến sĩ của Trạm cơ vụ A69 đã phát hiện địch cài hai máy nghe trộm vào đường dây thông tin tuyến trục Bắc - Nam (tại khu vực Khe Mài).

Đơn vị đã kịp thời thu hồi, báo cáo lên cấp trên và điều chỉnh một số đoạn, tuyến thông tin để tránh sự phá hoại của địch. Ngoài nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc, cán bộ, chiến sĩ Trạm cơ vụ A69 còn giúp nhân dân địa phương củng cố, xây dựng tổ chức quần chúng vững mạnh, giúp nhân dân hàng nghìn ngày công san lấp hố bom, tu sửa nhà cửa, đường sá...

Trong ác liệt của bom đạn chiến tranh và muôn vàn khó khăn gian khổ, nhưng với tinh thần "Tất cả cho chỉ huy chiến đấu giành thắng lợi", "Tim còn đập mạch máu thông tin còn thông suốt", "Trạm máy là chiến trường, dây máy là vũ khí", "Đứt dây như đứt ruột, gãy cột như gãy xương"... đã trở thành những khẩu hiệu hành động của cán bộ chiến sĩ Trạm cơ vụ A69. Bằng ý chí quyết tâm, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cán bộ chiến sĩ Trạm cơ vụ A69 liên tục 4 năm (1970 - 1973) là '' trạm cơ vụ tiên tiến"; Đại đội 9 có 3 năm liền đạt danh hiệu "Đơn vị quyết thắng"; Trạm cơ vụ A69 đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng Nhì; được đồng chí Thượng tướng Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chí Trung tướng Lê Trọng Tấn - Phó Tổng tham mưu trưởng, đồng chí Thiếu tướng Lê Quang Đạo - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh đoàn 559 điện biểu dương trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào; đồng chí Lê Cừ - Chính uỷ Binh chủng điện khen trong chiến dịch Quảng Trị năm 1972. Năm 1970, 1971 được công nhận là Trạm kiểu mẫu; năm 1972 được Trung đoàn tặng bằng khen...

Chiến tranh lùi xa đã hơn 30 năm, nhưng những chiến công, những thành tích và sự hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Trạm cơ vụ A69 mãi in đậm trong trái tim mỗi người lính, mỗi trái tim con người Việt Nam. Hang Lèn Hà là nơi đã thấm đẫm máu, mồ hôi và nước mắt của các cán bộ, chiến sĩ Trạm cơ vụ A69, Đại đội 9, Trung đoàn 134.

Nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống vẻ vang của bộ đội Thông tin liên lạc anh hùng, với tinh thần "Uống nước nhớ nguồn", tháng 9-2005 Trung đoàn đã cho xây dựng một bia tưởng niệm tại hang Lèn Hà khắc tên của 13 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong ngày 2-7-1972 và một ngôi miếu thờ dưới chân núi Lèn Hà (hố bom năm xưa) để thắp hương tưởng nhớ các cán bộ, chiến sĩ Trạm cơ vụ A69 đã hy sinh anh dũng vì nhiệm vụ bảo vệ mạch máu thông tin liên lạc trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Với giá trị lịch sử tiêu biểu và đặc biệt quan trọng, ngày 7-5-2009, hang Lèn Hà đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp Quốc gia.

13 đồng chí Trạm cơ vụ A69 hy sinh ngày 2-7-1972 tại Hang Lèn Hà:

1. Đàm Văn Trình - SN 1944 - quê ở Đông Thành, Kim Đông, Hưng Yên;

2. Dương Văn Chấn - SN 1946 - quê ở Đoài Côi, Trung Khánh, Cao Bằng;

3. Trần Văn Xay - SN 1946 - quê ở Ngô Quyền, Thanh Ba, Phú Thọ;

4. Vũ Thị Lan -  SN 1950 - quê ở Vũ Tây, Vũ Thư, Thái Bình;

5. Bùi Thị Lung - SN 1954 - quê ở Kim Sơn, Kim Bôi, Hoà Bình;

6. Chu Thị Mạnh - SN 1956 - quê ở Văn Lung, thị xã Phú Thọ, Phú Thọ;

7. Ngô Thị Luận - SN 1955 - quê ở Tân Long, Tân Lập, Phú Thọ;

8. Hoàng Thị Linh - SN 1956 - quê ở Trần Phú, thị xã Phú Thọ, Phú Thọ;

9. Nguyễn Thị Anh - SN 1955 - quê ở Thanh Cù, Thanh Ba, Phú Thọ;

10. Lê Thị Châm - SN 1955 - quê ở Văn Đồn, Đoan Hùng, Phú Thọ;

11. Cao Thị Xuyến - SN 1953 - quê ở Hoằng Kim, Hoằng Hoá, Thanh Hoá;

12. Trần Thị Loan - SN 1954 - quê ở Phú Lộc, Nho Quan, Ninh Bình;

13. Nguyễn Thị Thảo - SN 1953 - quê ở Thanh Lạc, Nho Quan, Ninh Bình.

Nội Hà