.

Thành tựu vĩ đại của người Bàu Tró xưa

Thứ Sáu, 26/12/2014, 16:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Bàu Tró là tên một hồ nước ngọt ở thành phố Đồng Hới, cách trung tâm thành phố chừng 2km về phía đông bắc. Bàu Tró được tạo thành vào thời kỳ cuối Holoxen (nhân sinh) của hệ thứ IV (đệ tứ QIV), cách nay chưa đầy triệu năm. Bàu Tró có hình dạng như một quả bầu hơi eo ở giữa, kéo dài theo hướng tây bắc-đông nam, gần song song với bờ biển, cách biển 300m.

Trên một diện tích khá rộng của các đồi cát ở ven bờ hồ phía tây nam, người ta đã phát hiện dấu tích cư trú, sinh hoạt của người nguyên thủy, có niên đại cách ngày nay trên dưới năm ngàn năm. Các nhà khảo cổ học gọi đây là di tích Bàu Tró, thuộc hậu kỳ thời đại đá mới.

Vào những năm đầu của thế kỷ XX, hai thông tin viên người Pháp của Trường Viễn Đông Bác Cổ là Mác và Đơpirây (Max etDepirey) đã phát hiện ra di tích Bàu Tró.

Năm 1923 Patttơ (E. Tienpatte), một nhà địa chất kiêm khảo cổ học người Pháp đã khai quật di chỉ này. Cuộc khai quật của ông được tiến hành trên một gò cát gần ngôi miếu nhỏ, hiện vật thu được gồm: “...một vài con dao, một số mảnh tước thưa thớt, rìu, bàn mài, hòn ghè (phercutuer), và các bàn nghiền...” (1) có 46 rìu, bôn được chế tác từ đá lửa (Silic), 140 mảnh tước, 9 mảnh không có vết mài, một số mảnh sa thạch (đá cát), một số mảnh nham thạch màu xám, một số vân thổ hoàng bị mài dẹt một bên...

Bên cạnh đó, Pát-tơ còn thu được khá lớn đồ gốm, những mảnh gốm thô, độ nung thấp, có màu xám đen hay màu gạch xỉn, trang trí nhiều loại hoa văn, như văn thừng (thừng mịn, thừng thô, thừng chéo...). Loại hình gốm phong phú đa dạng. Pát-tơ cho rằng đây là một di chỉ cư trú, chủ nhân ở đây sống dựa vào nền kinh tế khai thác, thu lượm những sản vật hiện có trong tự nhiên, chủ yếu là các loài nhuyễn thể.

Mùa hè năm 1976, Viện khảo cổ học Việt Nam điều tra, xác định vị trí hố khai quật của Pat-tơ năm 1923 và tiến hành đào hố thám sát cạnh đó, các nhà nghiên cứu thu được hai rìu đá, nhiều mảnh tước, mảnh gốm màu xám, màu hồng.

Giữa tháng ba năm 1980, Trường đại học Tổng hợp Huế trở lại khai quật Bàu Tró với qui mô lớn. Tham gia khai quật nghiên cứu, có các giáo sư Hà Văn Tấn, Võ Quý (Viện Đông Nam Á). Đoàn khai quật 3 hố, diện tích là 108m2. Tầng văn hóa có xen lẫn vỏ sò, điệp, than, xương cá. Phổ biến là loài điệp (palacura Elacentalines) và loại hình sò huyết có gai (areagranoSeKinnes) như Pát-tơ đã công bố trước đây. Tầng văn hóa có hai loại đặc trưng thể hiện hai loại hình di chỉ khác nhau.

Hồ Bàu Tró. Ảnh: Trần Minh Văn
Hồ Bàu Tró. Ảnh: Trần Minh Văn

Một loại hình cồn đất và một loại hình cồn sò điệp. Việc phát hiện ra loại hình di chỉ cồn đất là một sự kiện khác biệt, một điểm mới so với kết quả khai quật năm 1923 của Pát-tơ. Về đồ đá, có 31 rìu bôn, 47 bàn mài các loại, 7 chày nghiền, một bàn nghiền, ba mũi nhọn, một vòng tay, hai phiến đá có dấu vết của kỷ thuật chế tác, hàng trăm mảnh tước nhỏ có u ghè nổi và rất nhiều viên thổ hoàng bi mài vẹt từ một hay nhiều phía. Về đồ gốm, có 11.974 mảnh vỡ của đồ đựng, đồ đun nấu, đồ thờ cúng...

Hoa văn chủ yếu là văn thừng, thừng thô, thừng mịn, ngoài ra còn có văn khắc vạch, văn ô vuông, văn trổ lỗ... gốm có màu đỏ và màu đen ánh chì có nghĩa lớn. Nó đánh dấu sự xuất hiện của một loại hình trang trí mới, gợi cho ta nhận thức, tìm hiểu bóng dáng cội nguồn của văn hóa Sa Huỳnh ở khu vực này. Gốm Bàu Tró có đặc trưng là những nồi lớn, đáy tròn, thành dày, được trang trí văn thừng và những bát đĩa cạn lòng kích thước nhỏ.

Điều thú vị hơn, Bàu Tró không đơn thuần là một di chỉ “đống vỏ sò” (K, J0 “Kkenmo”deding) như Pát-tơ đã viết mà đây là một di tích có hai loại hình địa phương. Người Bàu Tró không chỉ dựa vào nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên để nuôi sống mình mà còn vươn tới một trình độ cao hơn, tự sản xuất ra lương thực.

Nếu không có sản xuất nông nghiệp thì không thể có cuộc sống định cư lâu dài cho một tập thể người sống thành xóm làng quây quần, đông đúc được. Nếu chỉ đơn thuần dựa vào kinh tế chiếm đoạt, thì cũng chẳng cần một tổ hợp công cụ rìu, bôn, đục phong phú hoàn hảo như thế. Ngoài nông nghiệp, ngành kinh tế sản xuất đóng vai trò chủ đạo trong phương thức sinh hoạt của người Bàu Tró. Họ vẫn duy trì những hình thức kinh tế khai thác như: đánh cá, săn bắn, thu lượm những sản vật sẵn có trong tự nhiên để góp phần cải thiện cuộc sống hàng ngày.

Bên cạnh cuộc sống vật chất, đời sống tinh thần của người Bàu Tró cũng dần dần thay đổi, sự phong phú, đa dạng của loại hình gốm, kỹ thuật chế tác điêu luyện, đồ trang sức tuyệt mỹ, các loại hình và đồ án, họa tiết, mô típ hoa văn trang trí trên gốm, cho thấy trình độ, thẩm mỹ của người nguyên thủy Bàu Tró thời đó. Họ không chỉ biết “làm ăn” mà còn biết làm đẹp cho bản thân mình và những đồ dùng quanh họ.

Người Bàu Tró đã đạt tới trình độ cao như tất cả các cư dân sống ở các vùng khác trên đất nước ta trong giai đoạn hậu kỳ đá mới. Để có được những vòng tay bằng đá tròn đều, duyên dáng, đòi hỏi người chế tạo nó phải biết đến kỹ thuật khoan tách lõi, kỹ thuật mài cưa đá thuần thục. Những mảnh tước kích thước nhỏ, có u ghè nổi rõ được tạo ra trong quá trình lao động. Hay những phiến tước dài bản rộng, thiết diện ngang thân hình tam giác dẹt, dọc thân hơi cong, khum nói lên trình độ đẽo đá vô cùng chuẩn xác, điêu luyện của những người nguyên thủy Bàu Tró lúc ấy.

Người Bàu Tró xưa còn biết tiết kiệm nguyên liệu chế tác công cụ lao động. Hầu hết các công cụ đá như rìu, bôn được chế tác từ loại đá Silic là loại đá rất hiếm ở dọc duyên hải miền Trung, nên khi công cụ bị mẻ trong quá trình lao động họ lại đẽo lại, mài lại và tiếp tục sử dụng. Hiện tượng làm mới công cụ hay nói cách khác là “thanh xuân hóa” công cụ là truyền thống văn hóa, nét đẹp đặc trưng của người Bàu Tró nói riêng, Quảng Bình nói chung. Chất liệu chế tạo gốm thuần nhất, được khống chế ở nhiệt độ vừa phải, chín đều. Loại hình phong phú nhưng ổn định, hoa văn trang trí đẹp, kết hợp hài hòa giữa hình dạng và màu sắc tạo cho gốm Bàu Tró không thể trộn lẫn với gốm các vùng khác được.

Có lợi thế gần rừng, gần biển, lại ở vào vị trí là cầu nối Bắc Nam có nhiều sông ngòi, cửa biển, nên họ có dịp tiếp xúc, giao lưu  văn hóa với Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ, người Bàu Tró không bó hẹp trong lưu vực phía Tây là núi, phía Đông là biển mà họ còn vươn xa ra ngoài lãnh thổ. Di chỉ Bàu Tró có quan hệ gần gũi với di chỉ Thạch Lạc của văn hóa Thạch Lạc (Hà Tĩnh) chẳng hạn như sự phổ biến của gốm thổ hoàng, sự có mặt của gốm có quai (tai) của vòng tay, sự đồng dạng về chất liệu và hình dạng của một số công cụ đá...

Hơn nữa, với những phát hiện, khai quật, thám sát  những năm gần đây trong lòng đất  Đồng Hới và ở Quảng Bình, Bàu Tró còn có quan hệ láng giềng với các di chỉ ở vùng ven sông, ven biển như Lệ Kỳ (Quảng Ninh), Ba Đồn I và Ba Đồn II, Cồn Nền (Quảng Trạch) Bàu Khê (Bố Trạch)... Với quy mô, ý nghĩa và nội dung khoa học quan trọng của Bàu Tró nên các nhà khảo cổ đều thống nhất lấy tên di chỉ này đặt tên cho nền văn hóa hậu kỳ đá mới gồm các di chỉ phân bố ven biển Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế là văn hóa Bàu Tró.

Văn hóa Bàu Tró nói chung, di chỉ Bàu Tró nói riêng còn có ý nghĩa trong việc nghiên cứu thành tựu vĩ đại của lịch sử loài người, đó là việc chinh phục, khai phá đầm lầy, phát triển nông nghiệp trồng lúa nước. Ấy là cuộc “cách mạng đá mới” đã diễn ra ở Việt Nam, là sự bùng nổ dân số bên cạnh sự tiến bộ  của kỹ thuật và dẫn đến cuộc phân công lao động xã hội lớn lần thứ nhất trong lịch sử.

Quá trình tách rời giữa các bộ lạc sống bằng kinh tế sản xuất ra khỏi những bộ lạc sống bằng kinh tế chiếm đoạt (hái lượm, săn bắn, đánh cá) là bước tiến bộ, bước ngoặt quan trọng trong lịch sử nhân loại nói chung, của Bàu Tró nói riêng, để từ đó tạo cơ sở, tiền đề bước sang ngưỡng cửa của văn minh. Và bằng những nguồn tư liệu ở Bàu Tró còn cho phép ta tìm hiểu một cách toàn diện nội dung văn hóa, mối quan hệ văn hóa giữa văn hóa Bàu Tró với văn hóa Sa Huỳnh ở phía Nam và văn hóa Phùng Nguyên ở phía Bắc. Đó là cầu nối, là điểm gối đầu trước sau rất có ý nghĩa trong việc nghiên cứu cội nguồn dân tộc, nghiên cứu thời Vua Hùng dựng nước Văn Lang.

Chúng ta cũng có thể bắt gặp bóng dáng, hơi thở của văn hóa Sa Huỳnh trong lòng văn hóa Bàu Tró. Sự xuất hiện gốm tô màu đỏ, màu đen, ánh chì, sự phổ biến của bôn thân cong, khum, lưỡi, vát... cho ta những nhận thức quý trong việc tìm hiểu cội nguồn hay ít ra là mối quan hệ trước sau của văn hóa Bàu Tró với văn hóa Sa Huỳnh cách xa nhau về thời gian và không gian.

Từ Bàu Tró đến Sa Huỳnh còn phải qua nhiều mắt xích, nhiều gạch nối trong suốt 2.000 năm của lịch sử. Và như vậy, vào cuối thiên niên kỷ thứ 2, đầu thiên niên kỷ thứ 3 trước CN, văn hóa Bàu Tró, người Bàu Tró đã có mặt và phát triển trên đất Quảng Bình với địa điểm sớm nhất ở Đồng Hới, ở Bàu Tró “làng xã thị tộc” được xác lập, là ngọn nguồn tạo nên bản sắc độc đáo của văn hóa Đồng Hới nói riêng, văn hóa Quảng Bình nói chung từ thời đại Bàu Tró đến thời đại Hồ Chí Minh.    

Tạ Đình Hà