.

Làng Đức Phổ

Thứ Sáu, 10/10/2014, 14:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Làng Đức Phổ xưa ở phía tây làng Động Hải (Đồng Hới), cách khoảng 2 km. Làng có lịch sử lâu đời.

Theo Gia phả họ Đặng làng này thì thủy tổ họ Đặng đã vào đây năm Mậu Tý hiệu Lê Thánh Tông thứ 9 (1468). Năm 1555, Dương Văn An viết Ô châu cận lục, có ghi làng Đức Phổ trong bản đồ số 42 trong số 72 xã của huyện Khang Lộc và có ghi rằng: “...Nâng hứng dân như hứng nước, cần nêu Đức Phổ...” Làng Đức Phổ xưa có nhiều lùm lòi, nhiều loại cây gỗ tốt, nhiều động vật hoang dã.

Dưới thời Pháp thuộc, trước Cách mạng tháng Tám, làng Đức Phổ thuộc tổng Thuận Lý, phủ Quảng Ninh. Sau Cách mạng tháng Tám, phủ Quảng Ninh đổi thành huyện Quảng Ninh. Ngày 28/8/1945, xã Trấn Ninh, huyện Quảng Ninh ra đời gồm 8 làng trong đó có làng Đức Phổ. Làng Đức Phổ gồm: Đức Phổ, Diêm Điền, Bình Phúc, Mỹ Cương, Phương Xuân, Trung Nghĩa, Thuận Đức và Phú Vinh.

Năm 1947, tỉnh Quảng Bình cho chuyển xã Trấn Ninh về thị xã Đồng Hới, làng Đức Phổ cũng thuộc thị xã Đồng Hới. Năm 1956, xã Trấn Ninh được chia làm hai xã là Nghĩa Ninh và Đức Ninh. Xã Đức Ninh gồm 3 làng: Đức Phổ, Diêm Điền và Bình Phúc. Năm 2004, Nhà nước cho chia xã Đức Ninh làm hai là phường Đức Ninh Đông (Diêm Điền, Bình Phúc, Đức Trường tức xóm Ải) và xã Đức Ninh (gồm Đức Phổ, thôn Giao Tế, Tân Sơn và Diêm Sơn).

Làng Đức Phổ nhìn từ xóm Đức Trường.    Ảnh: M.Q
Làng Đức Phổ nhìn từ xóm Đức Trường. Ảnh: M.Q

Làng Đức Phổ có địa hình bằng phẳng, đất phù sa màu mỡ, giao thông thuận tiện, lại ở gần đô thị, rất thuận lợi cho dân làm ăn. Công đức của các vị tiền khai vô cùng to lớn để giữ vùng đất phù sa màu mỡ này cho dân chúng an cư lạc nghiệp, xây dựng những công trình văn hóa như đình làng, miếu mạo, chùa làng, giữ gìn và phát huy những bản sắc văn hóa tốt đẹp, quan hệ dân làng hữu ái,...

Trong các di tích văn hóa của làng, có ngôi đình làng và chùa Minh Đức là ngôi chùa cổ rất có giá trị. Đình làng Đức Phổ thờ Thành hoàng làng và các vị đã có công với nước, với làng. Hình thức tế lễ thần cũng như chầu vua chỉ khác là không có ngai vàng mà thôi. Đình làng có kiến trúc 5 gian, là ngôi đình lớn. Các lễ trong năm như Xuân thủ kỳ yên, lễ Hạ tự, lễ Tất niên là các lễ lớn. Đình làng đã bị tàn phá từ lâu.

Chùa Minh Đức là ngôi chùa lớn và có lịch sử lâu đời đến gần 500 năm nay, do 12 dòng họ của xã xây dựng nên, ở thôn Đức Sơn. Các tượng Phật rất nhiều, bằng đất trộn rơm, do các nghệ nhân trong làng nặn ra rất đẹp. Ở chính điện có ba bậc thờ Phật. Hai bên chính điện có bộ tượng La Hán, ông Thiện, ông Ác là những tác phẩm điêu khắc rất có giá trị. Chùa có Sắc tứ Minh Đức tự của vua ban. Có một thời có vị Thiền sư Thích Từ Niệm trụ trì, trùng tu chùa Minh Đức trở nên to lớn, trở thành một tổ đình hưng thịnh. Chùa cũng đã bị tàn phá từ lâu, hiện chỉ còn nền móng, giếng chùa và các cây cổ thụ mà thôi.

Làng Đức Phổ xưa có các xóm: Xóm Trường Ải (Đức Trường nay thuộc phường Đức Ninh Đông), nơi có chùa Phổ Minh. Xóm Cựa (nay là thôn Đức Môn) là xóm đầu làng ở phía nam như cánh cửa đón gió nồm, nam, ở ven đê rào Chéo (sông Phú Vinh). Ở đây có cau ăn trầu ngon nổi tiếng, có lệnh tiến vua. Xóm Bông (xóm Trữa tức Giữa) nay là thôn Đức Hòa, nổi tiếng về nghề trồng bông. Xóm Cụp (nay là thôn Đức Thủy) là vùng đất thấp, được hình thành sau các xóm. Dân xóm giỏi mò cua bắt cá, bắt ốc, trồng lúa nước, khai hoang. Xóm Trung Bình (nay là thôn Đức Giang), xóm Bến Đá, Nương Rùa, Nương Tra, xóm Đài Hai và xóm Cây Đa (nay là thôn Đức Phong), xóm Bồng Lai (thôn Đức Điền). Xóm Cồn Thượng, Cồn Hạ, Nương Lo (Đức Sơn).

Thôn Giao Tế, nơi có nhà nghỉ Giao Tế trong thời chiến tranh chống Mỹ, năm 1973, Chủ tịch Cuba Phidel Castro đã từng nghỉ ở đây, và hiện giờ ở đây là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Thôn Tân Sơn, Diêm Sơn ở phía tây bắc Đức Phổ, là vùng đồi thấp.

Hiện nay, làng Đức Phổ còn lưu giữ được những tư liệu Hán Nôm cũ như các gia phả, các sắc phong. Trước đây, làng có hai vị Cử nhân là Đặng Văn Huấn làm quan Bố Chính đời vua Tự Đức, Đặng Kế là Hoàng Lô Thiếu khanh đời vua Duy Tân, Đề đốc Trần Hữu Tuệ (Đề Huệ), nguyên là Chánh Đề đốc tỉnh Thanh Hóa.      

Hiện nay con cháu làng Đức Phổ có rất nhiều người học hành đỗ đạt cao: có đến 13 vị tiến sỹ. Trong hai cuộc kháng chiến, làng Đức Phổ có gần 120 người hy sinh.

Làng Đức Phổ là một làng có nhiều ngành nghề đặc sắc như nghề mộc, chạm, bún bánh, các món ăn dân dã, có các lễ hội, trò chơi dân gian rất phong phú.

Ngọc Hiên Hiên