.

Tìm về bến phà xưa

Thứ Ba, 03/06/2014, 07:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Dù rằng bến phà Quán Hàu (thị trấn Quán Hàu, Quảng Ninh) đã lùi vào thời gian nhường chỗ cho cây cầu vững chãi bắc qua sông, nhưng mỗi khi nhắc đến bến phà Quán Hàu, người Quảng Bình vẫn rất đỗi tự hào. Tại bến phà này, quân và dân ta đã làm nên những chiến công chói lọi trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Giờ đây, bến phà Quán Hàu đã trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia và là nơi “neo đậu”, tìm về của bao thế hệ khi nhớ về bến sông lịch sử.

Một thời oanh liệt

Qua những trang tư liệu còn ghi lại, trên quốc lộ 1A đi qua Quảng Bình, thực dân Pháp cho xây dựng bến phà Quán Hàu (năm 1886). Bến phà Quán Hàu thuộc huyện Quảng Ninh, bờ nam thuộc xã Võ Ninh, bờ bắc thuộc xã Lương Ninh. Ban đầu, bến phà được xây dựng khá thô sơ, đường lên xuống bằng đất, cán đá dăm.

Phương tiện vượt sông là chiếc phà gỗ, mỗi ngày qua sông chỉ dăm ba chuyến và chèo bằng tay. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng địa phương, công nhân bến phà Quán Hàu đã nhiều lần bãi công, ngừng chạy phà để cản bước chân xâm lược của kẻ thù, cùng toàn dân giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến trường kì anh dũng của dân tộc.

Hòa chung vào khí thế sôi nổi của cả nước, cán bộ chiến sĩ bến phà Quán Hàu bước vào khôi phục và hoạt động trở lại. Bước đầu phương tiện không có, anh em phải tự lên rừng lấy gỗ đóng phà và chèo bằng tay cứ 2 người 1 chèo. Đến năm 1960, nhà nước đầu tư xây dựng, nâng cấp bến phà, hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển sản xuất, chuẩn bị tiềm lực cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Từ đó, bến phà Quán Hàu cũng được đầu tư và chú trọng.

Trong những năm tháng chiến tranh, đế quốc Mỹ đã trút hàng ngàn tấn bom đạn xuống khu vực bến phà, biến nơi đây thành “tọa độ lửa” hòng chặt đứt nguồn lực từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện vào tiền tuyến lớn miền Nam. Trong mưa bom bão đạn, các chiến sĩ trên bến phà Quán Hàu đã anh dũng bắn trả máy bay địch cùng với khẩu hiệu hành động “đầu đội bom, chân bám phà, tay súng, tay lái, miệng hát bài ca chiến thắng” đã trở thành phong trào cách mạng toàn đơn vị.

Với ý chí quyết tâm đánh giặc Mỹ xâm lược, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền nhân dân huyện Quảng Ninh, được sự đùm bọc, giúp đỡ của quân và dân địa phương các xã anh hùng như Lương Ninh, Vĩnh Ninh, Võ Ninh... các cán bộ, chiến sĩ bến phà Quán Hàu đã phát huy truyền thống cách mạng của quê hương “Hai giỏi”, xác định tư tưởng chấp nhận gian khổ hy sinh, quyết chiến quyết thắng, dù tình huống nào cũng bảo đảm mạch máu giao thông thông suốt “phà chờ xe chứ quyết không để xe chờ phà”.

Trước đòi hỏi của cuộc kháng chiến, cấp trên đã quyết định “quân sự hóa” triệt để lực lượng bến phà Quán Hàu chuyển thành đơn vị quân đội dưới sự quản lý, chỉ huy trực tiếp của Huyện đội Quảng Ninh và Ban công binh Tỉnh đội Quảng Bình. Từ những đội tự vệ nòng cốt ban đầu chỉ có 42 người, lực lượng bến phà được tăng cường lên 150 người. 

Cùng với lòng dũng cảm, trí thông minh, sáng tạo và thống nhất ý chí, cán bộ chiến sĩ phà Quán Hàu đã lập nhiều chiến công xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Theo chiều dài lịch sử, chẳng ai có thể đo đếm được mỗi ngày bến phà Quán Hàu có bao nhiêu lượt đưa bộ đội, đưa hàng tiếp tế, đưa vũ khí đạn dược vượt qua mưa bom bão đạn để chi viện cho miền nam ruột thịt. Chỉ biết là chính nơi đây đã có biết bao cái tên đi vào huyền thoại trong kháng chiến của quê hương như tấm gương tận tụy, hy sinh của liệt sĩ Dương Đình Trữa, Hà Văn Cách, Nguyễn Xảo...

Bến phà Quán Hàu còn đó nhưng những chiến sĩ, cán bộ bến phà bây giờ người còn, người mất. Ông Lê Ngọc Lợi (tiểu khu 3, thị trấn Quán Hàu) là một trong số ít người còn sống vẫn luôn dõi theo bến phà. Tất cả những câu chuyện ngày nào như những đoạn phim được người chiến binh già lưu giữ trong kí ức không thể nào quên. “Ngày ấy, bến phà Quán Hàu chìm trong biển lửa và máu. Chúng tôi luôn đứng trước thử thách “chân đạp thủy lôi, đầu đội bom”. Nhiều đồng đội của tôi nằm lại mãi bến sông này. Nhưng vì miền Nam chưa giải phóng, chúng tôi đã vượt qua đau thương và như được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục vững tay lái hoàn thành tốt nhiệm vụ” - Ông Lợi xúc động nhớ lại.

Khi đất nước hòa bình, ông vẫn gắn bó với công việc cho đến ngày bến phà ngừng hoạt động. Quá khứ vẹn nguyên được ông trân trọng đặt vào kí ức, còn hiện tại ông vẫn mải miết bên bến Quán Hàu như duyên, như nợ.

Cần chung tay bảo tồn, gìn giữ

Hơn một thế kỷ đã trôi qua, cảnh vật còn đó, bến phà còn đây, dòng sông Nhật Lệ hiền hòa vẫn đong đầy bao kỷ niệm không thể phai nhòa. Bên cạnh bến phà Quán Hàu giờ đây đã có cây cầu cũng mang tên Quán Hàu của thời kỳ CNH, HĐH, nhưng di tích bến phà Quán Hàu vẫn là nơi mang đậm giá trị truyền thống lịch sử quê hương.

Tại đây có đài ghi công các cán bộ, chiến sĩ bến phà Quán Hàu đã hi sinh anh dũng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhưng lâu ngày di tích lịch sử bến phà Quán Hàu dần xuống cấp. “Một số người dân vô ý thức đã đổ ra đây rác thải, phế thải xây dựng ngổn ngang, cỏ mọc um tùm, nền đất thì chỗ lồi chỗ lõm... Là người dân sống lâu năm ở đây, chứng kiến những điều này tôi cũng không khỏi chạnh lòng xót xa” - một người dân chia sẻ.

Không để di tích trở thành phế tích, tháng 3-2014, UBND thị trấn Quán Hàu đã đầu tư trên 100 triệu đồng từ ngân sách địa phương để san lấp mặt bằng và trồng cây xanh nhằm sửa sang, tu bổ lại tượng đài di tích lịch sử bến phà Quán Hàu. Đó cũng chính là việc làm thiết thực nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo vệ, giữ gìn các di tích lịch sử nói chung, bến phà Quán Hàu nói riêng.

Đầu những ngày tháng 5-2014, trong cái nắng chói chang của mùa hè chúng tôi có dịp lên thăm di tích lịch sử bến phà Quán Hàu. Khung cảnh khuôn viên tượng đài bây giờ đã khác, không còn cảnh cây cối ngả rạp ngổn ngang vì cơn bão số 10 năm ngoái... thay vào đó là những hàng cây xanh tốt và khu đất rộng bằng phẳng vừa được san lấp như xoa dịu cái nóng oi bức của ngày hè. Di tích lịch sử bến phà Quán Hàu đã khoác lên mình diện mạo mới và được UBND thị trấn Quán Hàu bàn giao cho Hội Cựu chiến binh thị trấn quản lý.

Ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Quán Hàu cho biết: “Hằng năm, hàng trăm người đã đến di tích để dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh ở bến phà Quán Hàu. Đảng ủy, chính quyền địa phương luôn xác định di tích cần được bảo tồn và phát huy giá trị. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng vừa qua UBND thị trấn đã trích ngân sách đầu tư tu bổ bước đầu. Hiện nay di tích lịch sử bến phà Quán Hàu vẫn còn một số khó khăn như chưa có hệ thống thoát nước, chưa có hệ thống đê kè nên vào mùa mưa lũ đất thường bị xói lở... Vì vậy, chúng tôi mong muốn tỉnh, huyện, các ban, ngành hữu quan đầu tư thêm kinh phí giúp địa phương duy tu, bảo tồn để di tích lịch sử bến phà Quán Hàu trở thành điểm đến, đón du khách thập phương về thăm viếng”.

Bảo vệ và gìn giữ di tích lịch sử bến phà Quán Hàu là việc đang cần sự chung tay của cộng đồng. Bởi di tích không chỉ có giá trị to lớn về lịch sử mà còn có giá trị giáo dục truyền thống đối với nhân dân Quảng Bình nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.

Nguyễn Lê Minh
(Tổ dân phố 1, Bắc Lý, Đồng Hới)