.

Nhớ về Đại tướng

Thứ Tư, 16/10/2013, 08:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong lần được gặp Đại tướng trước một cuộc họp tại Nghệ An, tôi vẫn còn nhớ mãi lời căn dặn của Đại tướng đối với cá nhân tôi và cán bộ, nhân dân tỉnh nhà rằng thế kỷ 21 là thế kỷ của biển.

Tôi luôn ghi nhớ lời Đại tướng căn dặn

Đồng chí Đinh Hữu Cường, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình

Dẫu biết rằng con người ta không thể tránh khỏi quy luật "sinh, lão, bệnh, tử", nhưng khi nghe tin Đại tướng từ trần, tôi vô cùng thương xót.

Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in những kỷ niệm được gặp Đại tướng. Năm 1990, khi đó tôi đang giữ cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách Khối Văn xã. Trong lần được gặp Đại tướng trước một cuộc họp tại Nghệ An, tôi vẫn còn nhớ mãi lời căn dặn của Đại tướng đối với cá nhân tôi và cán bộ, nhân dân tỉnh nhà rằng thế kỷ 21 là thế kỷ của biển. Phát triển kinh tế biển sẽ là hướng chủ đạo mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều phải đầu tư, chú trọng hàng đầu. Quảng Bình có bờ biển dài, rất thuận lợi cho việc đầu tư phát triển kinh tế biển nên phải hết sức quan tâm...

Đến bây giờ, tôi càng nghiệm ra nhận định và lời căn dặn của Đại tướng là hoàn toàn có lý và rất chính xác... Năm 2000, trong một lần ra Hà Nội thăm Đại tướng, sau khi hỏi thăm tình hình quê nhà, Đại tướng căn dặn không nên làm mía đường và sản xuất xi măng bằng công nghệ lò đứng. Thực tế cho thấy sản xuất xi măng sử dụng công nghệ lò đứng là rất ô nhiễm môi trường, hiệu quả không cao; làm mía đường không thể cạnh tranh được với các nhà sản xuất vốn đã có rất nhiều kinh nghiệm cũng như tiềm lực kinh tế trong nước và trên thế giới. Với cương vị lãnh đạo tỉnh, tôi đã cùng với tập thể lãnh đạo tỉnh có những định hướng khắc phục kịp thời.

Tuy nhiên, nghiêm túc mà nói, kết quả cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được như mong đợi. Đấy là điều làm tôi áy náy nhất. Một vấn đề nữa mà tôi được Đại tướng căn dặn trên cương vị chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy trong lần ra Hà Nội thăm đó là phải tranh thủ sự đồng ý của các bộ, ngành Trung ương xúc tiến xây dựng cảng biển Hòn La và Cửa khẩu quốc tế Cha lo.

Lúc này có rất nhiều ý kiến trái ngược nhau của các bộ, ngành Trung ương nhưng tinh thần là không đồng ý. Tôi và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã có lời với Đại tướng và được Đại tướng đồng ý ngay bằng cách viết thư tay gửi Bộ Giao thông vận tải. Khu neo đậu tàu thuyền và bây giờ là Cảng biển Hòn La được hình thành và xây dựng ngay sau đó. Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo cũng được tiến hành, mở ra hướng phát triển mới cho tỉnh nhà những năm về sau.

Có một điều nữa mà tôi muốn chia sẻ với tập thể lãnh đạo, cán bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà là trong rất nhiều lần được gặp Đại tướng, điều mà người luôn căn dặn là phải nỗ lực phấn đấu không ngừng để xây dựng Quảng Bình thành một tỉnh gương mẫu. Gương mẫu cả trong phát triển kinh tế, xây dựng quê hương, gương mẫu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thầy và trò Trường THPT Chuyên Quảng Bình dâng vòng hoa kính viếng Đại tướng. Ảnh: T.H
Thầy và trò Trường THPT Chuyên Quảng Bình dâng vòng hoa kính viếng Đại tướng. Ảnh: T.H

Giờ đây, khi Đại tướng đã mãi mãi đi xa, những lời căn dặn của người vẫn vẹn nguyên trong tôi. Nguyện một lòng theo gương của người, dù đã nghỉ hưu, tuổi đã cao, tôi sẽ vẫn nỗ lực cố gắng để xứng đáng với những ước nguyện của Đại tướng, góp chút công sức nhỏ bé của mình xây dựng quê hương Quảng Bình ngày càng giàu đẹp, trở thành một tỉnh gương mẫu...  

Đại tướng đã tiếp cho chúng tôi sức mạnh

Cựu chiến binh Lê Đình Ngân, Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An

Gặp chúng tôi trước ngày linh cửu Đại tướng được đưa về án táng tại Vũng Chùa-Đảo Yến, xã Quảng Đông (Quảng Trạch), cựu chiến binh Lê Đình Ngân nghẹn ngào: "Nghe tin Đại tướng từ trần đã mấy ngày nay nhưng đến giờ tôi mới vào được Quảng Bình. Vào Quảng Bình vì tôi không thể ra Hà Nội. Vào Quảng Bình vì tôi muốn được thắp nén tâm nhang ở quê nhà nơi Đại tướng được sinh ra. Vào Quảng Bình vì tôi muốn được chứng kiến và đưa tiễn Đại tướng về nơi yên nghỉ cuối cùng..."

Qua những lời tâm sự, ông Ngân nghẹn ngào kể cho chúng tôi nghe một kỷ niệm mà mình có được từ những ngày còn trong quân ngũ. Đó là chuyện về bức điện của Đại tướng gửi các đơn vị làm nhiệm vụ mở tuyến đường mòn Hồ Chí Minh năm 1973. Bức điện đã tiếp thêm sức mạnh để đơn vị của ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Mở đường mòn Hồ Chí Minh là nhiệm vụ hết sức khó khăn, khi mà vũ khí trang bị, dụng cụ thiếu thốn; rừng thiêng nước độc bệnh tật, đói rét nên nhiều cán bộ, chiến sĩ nản lòng, sinh bệnh tư tưởng làm việc cầm chừng.

Đúng vào thời điểm đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi điện hỏi thăm cán bộ, chiến sĩ. Bức điện đã được quán triệt tới các đơn vị trong buổi chào cờ đầu tuần. Ông Ngân không còn nhớ cụ thể câu từ của nội dung bức điện, nhưng tinh thần là: Giữa Đại tướng và người chiến sĩ đều bình đẳng về chính trị, kinh tế, ai hoàn thành nhiệm vụ thì người đó có vinh dự, từ đó có cơ hội thể hiện trách nhiệm của mình với dân, với Đảng và quân đội. Các anh em đang thực hiện nhiệm vụ rất khó khăn, nặng nề nhưng rất cao cả, tôi mong anh em hãy quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ vì miền Nam...

Quán triệt nội dung bức điện, đơn vị ông Ngân đã tổ chức thi đua với tinh thần và quyết tâm cao nhất. Chỉ trong thời gian rất ngắn kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị được nâng cao lên gấp nhiều lần, được chỉ huy Đoàn 559 biểu dương.

Kỷ niệm về bức điện của Đại tướng vẫn được ông Ngân nâng niu, giữ gìn. Nay Đại tướng mất đi, với tấm lòng tiếc thương vô hạn, ông Ngân mong muốn ngay sau lễ tang Đại tướng, Quân đội nên phát động phong trào thi đua học tập đạo đức, phong cách, tác phong của vị anh cả để tạo cơ hội cho các đơn vị lập nhiều thành tích mới trong thực hiện nhiệm vụ chính trị báo công với Tổng Tư lệnh.

Với chúng tôi, những người yêu lịch sử, Đại tướng vẫn còn sống mãi

Mai Thị Diệu, GV Lịch sử, Trường THPT Chuyên Quảng Bình

Biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp ốm đã lâu nên tôi đã chuẩn bị cho mình một tâm thế khi đón nhận tin xấu nhất. Phải chấp nhận, thế nhưng không khỏi bùi ngùi, tiếc thương.

Tôi nghĩ đến việc bác Giáp ra đi vào đúng ngày 30-8 âm lịch. Tại sao bác lựa chọn ra đi vào ngày cuối tháng, cái ngày mà ở Việt Nam, mọi người đều hướng tâm mình đến tổ tiên, ông bà, các vị thần linh. Không hiểu sao tôi cứ thích nghĩ rằng: đó là thời khắc linh thiêng và như vậy, cảm thấy sự ra đi của bác Giáp trọn vẹn hơn. Rồi đây, cứ cuối tháng, mỗi khi thắp một nén nhang, hẳn rằng mọi người sẽ nghĩ đến Đại tướng- một bậc Thánh nhân của dân tộc, bởi khi còn sống, nhân dân đã suy tôn ông là "huyền thoại sống".

Trong các bài giảng của mình, tôi vẫn luôn nói với học sinh, môn lịch sử không hề khô khan. Mỗi lời nói của các nhân vật lịch sử đều là những bài học quý cho chúng ta, ngay trong từng hoàn cảnh cụ thể nhất. Ví dụ như, câu nói "Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các em có thể vận dụng ngay trong cuộc sống của mình. Đó là biết chớp thời cơ, nỗ lực hết sức trước cơ hội quý, mà để làm được điều đó cần có sự chuẩn bị chu đáo, kĩ lưỡng từ trước. Ở ông, chúng ta còn học cách làm người, từ những việc nhỏ nhất: lời nói đi đôi với việc làm, luôn phải có trách nhiệm với lời nói của mình. Ở vị trí nào cũng phải cố gắng làm tốt công việc của mình chứ không nên than thân trách phận.

Đại tướng đã trở về với đất mẹ, nhưng với chúng tôi, những người yêu lịch sử thì người vẫn còn sống mãi. Rồi đây, trong mỗi bài giảng, cô trò chúng tôi lại say sưa nói về những chiến công hiển hách, về những thời khắc lịch sử của dân tộc gắn liền tên tuổi của ông với lòng tôn kính, ngưỡng mộ.

“Người Việt Nam ở nước ngoài rất tự hào về Đại tướng Võ Nguyên Giáp”

Giáo sư TSKH Nguyễn Ngọc Thành - con em Quảng Bình đang sống và làm việc tại Ba Lan

Qua thông tin báo chí quốc tế, tôi cùng những người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Ba Lan hết sức bàng hoàng xúc động khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Lòng tôi cảm thấy hụt hẫng như vừa mới mất đi một người kính yêu nhất trong gia đình. Và tôi liền lên đường trở về quê hương Quảng Bình để được thắp nén hương kính viếng hương hồn vị đại tướng mà tôi suốt đời kính trọng.

Tôi nghĩ rằng, đối với những vĩ nhân như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sự ra đi đã để lại cho dân tộc Việt Nam một di sản tinh thần vô giá: Đó là niềm tự hào về một vị tướng lừng danh sinh ra từ một đất nước có truyền thống anh hùng bất khuất luôn yêu chuộng  tự do độc lập và hòa bình. Nhìn dòng người kính cẩn đưa tiễn Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng trong đó có rất nhiều thanh niên trẻ tuổi tôi cảm thấy đó là biểu hiện cụ thể của lòng yêu nước và niềm tri ân vị tướng suốt đời cống hiến cho độc lập tự do của dân tộc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng của nhân dân, vị tướng của hòa bình. 

Trước cảnh  hàng triệu người Việt Nam trong nước và trên toàn thế giới kính trọng ngưỡng mộ tiễn đưa Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng, niềm tự hào dân tộc trong mỗi một người dân Việt Nam được nhân lên gấp bội, tình đoàn kết giữa những người Việt trên khắp thế giới và lòng yêu nước càng được đánh thức.

Chúng con lớn hơn khi nghĩ về Đại tướng

Đoàn viên Nguyễn Thị Thu Hiền ở phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh

"Em quê ở Lệ Thủy, vào lập nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh đã gần 10 năm nay. Dẫu chưa một lần được gặp Đại tướng nhưng khi nghe tin người mất, em đã sắp xếp công việc, đưa con trai 3 tuổi về quê tiễn Đại tướng về nơi yên nghỉ cuối cùng". - Hiền tâm sự.

Mấy ngày qua, em và con trai luôn theo thông tin về Lễ Quốc tang Đại tướng qua ti vi. Trong lòng em luôn dâng trào một niềm thương nhớ, nỗi xót xa khi quê hương Lệ Thủy của em, tỉnh Quảng Bình của chúng ta, dân tộc Việt Nam mất đi một người con ưu tú, một thiên tài quân sự lỗi lạc.

Vì tuổi đời còn trẻ nên những mất mát, hy sinh của các thế hệ cha, anh đi trước vì một đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất và tấm gương Đại tướng cả cuộc đời cống hiến cho non sông vẹn toàn chúng em chỉ được biết đến qua các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng em luôn nguyện phấn đấu hết mình, mong góp chút sức lực nhỏ bé của mình cùng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Tự hào là người con Lệ Thủy như Đại tướng, em xin hứa sẽ không ngừng nỗ lực cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao, luôn là đoàn viên xuất sắc để cùng với thế hệ trẻ thành phố mang tên Bác và thế hệ tương lai của đất nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mãi mãi vững bền.

Em xin gửi đến người một nén tâm nhang với lòng biết ơn vô hạn. Cầu mong Đại tướng an giấc ngàn thu!

"Đại tướng quý Thanh niên xung phong như bộ đội"

Ông Nguyễn Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch

Tôi đã đến thị trấn Ba Đồn từ lúc 8 giờ sáng để tiễn đưa Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng. Hòa vào tiếng khóc của hàng chục triệu con tim Việt Nam, tôi vô cùng thương tiếc, bồi hồi và xúc động. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một thiên tài quân sự mà cả thế giới biết đến và rất ngưỡng mộ. Với tôi, bác Võ Nguyên Giáp là vị Đại tướng của nhân dân, được nhân dân hết lòng kính trọng. Suốt cuộc đời Đại tướng luôn chăm lo cho từng cụ già, em nhỏ, cán bộ, chiến sỹ...

Đặc biệt, người đã dành tình cảm sâu sắc cho lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) chúng tôi. Đại tướng đã từng nói: "Trong phẩm chất TNXP có phẩm chất bộ đội". Bởi TNXP cũng làm nhiệm vụ cho Tổ quốc, cũng sẵn sàng chiến đấu hy sinh như bộ đội. Suốt cuộc đời tôi và lực lượng TNXP luôn ghi nhớ công ơn to lớn và nguyện làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ của Đại tướng và lấy đó để giáo dục con cháu.