.

Nghiên cứu 'Binh thư' của Đại tướng (kỳ 3): Đại tướng được 'chọn mặt gửi vàng'

Thứ Tư, 23/10/2013, 16:01 [GMT+7]

Đặt bên cạnh khá nhiều gương mặt được đào tạo bài bản, từng tốt nghiệp Học viện quân sự Hoàng Phố ở Trung Quốc, tại sao Hồ Chủ tịch lại trao quyền tổng chỉ huy cho một thầy giáo dạy sử? Đó là câu hỏi luôn được các nhà nghiên cứu đưa ra khi bàn về Đại tướng.

Cần nói thêm, trong thời kì liên minh Quốc – Cộng chống phát xít Nhật, Học viện Hoàng Phố (Quảng Châu) được Liên Xô trực tiếp hỗ trợ để đào tạo hàng loạt sĩ quan cao cấp cho Trung Quốc. Với sự tham gia của rất nhiều giảng viên quân sự Liên Xô, từ khóa IV, trường võ bị này đã nhận đào tạo cả một số học viên Việt Nam như Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Hoàng Văn Thái, Nam Long... Nhiều năm sau đó, họ đều là những tướng lĩnh chủ chốt của VN trong 2 cuộc kháng chiến.

Đăng đàn bái tướng ở Định Hóa

4 năm sau khi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp trở thành tổng chỉ huy quân sự đầu tiên của cách mạng (Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, thành lập ngày 22-12-1944). Cứ theo dòng chảy ấy, 4 năm sau nữa, ông trở thành Đại tướng đầu tiên của VN và bắt đầu những chiến công quan trọng nhất của mình.

"Chúng ta bắt buộc phải đặt một câu hỏi tế nhị: tại sao, thay vì những gương mặt khác, Hồ Chủ tịch lại dành vị trí Tổng chỉ huy quân sự đầu tiên cho Võ Nguyên Giáp – một giáo viên sử học ở tuổi 34"? - TS Vũ Tang Bồng (Viện Lịch sử Quân sự VN), nói. "Sẽ không đủ nếu chỉ giải thích rằng Bác có sự nhạy cảm đặc biệt để sớm nhìn ra tài năng thiên bẩm của Đại tướng".

Ngọn đồi Nà Lọm (Định Hóa, Thái Nguyên) - nơi Võ Nguyên Giáp trở thành Đại tướng đầu tiên của VN- hiện đã trở thành di tích lịch sử và vẫn được nhân dân gọi là Đồi phong tướng. Trong những ngày qua, rất đông người dân Thái Nguyên đã tới đây thắp hương tưởng niệm ông
Ngọn đồi Nà Lọm (Định Hóa, Thái Nguyên) - nơi Võ Nguyên Giáp trở thành Đại tướng đầu tiên của VN- hiện đã trở thành di tích lịch sử và vẫn được nhân dân gọi là Đồi phong tướng. Trong những ngày qua, rất đông người dân Thái Nguyên đã tới đây thắp hương tưởng niệm ông.

Thẳng thắn, TS Bồng đưa ra quan điểm cá nhân: "Đại tướng có 2 đặc điểm nổi trội là khả năng vận động quần chúng cực tốt và sự uyên bác, chỉn chu, ham nghiên cứu của một giáo sư sử học."Theo phân tích của ông, ưu điểm thứ nhất rất phù hợp với quan điểm xây dựng và tổ chức lực lượng quân sự của VN - vốn thể hiện rõ qua cái tên Tuyên truyền Giải phóng quân. Ưu điểm thứ hai sẽ được phát huy và nâng cao thành sự sáng tạo của Đại tướng trong suốt 2 cuộc chiến tranh sau này, khi chúng ta phải đương đầu với những đội quân chuyên nghiệp, bài bản và có ưu thế quân sự tuyệt đối.

Xa hơn, Đại tá Lê Thế Mẫu (nguyên chuyên gia Viện chiến lược Quốc phòng) nhận xét: "Sự lựa chọn ấy nằm ở việc Hồ Chủ tịch hiểu rất rõ: chỉ chiến tranh nhân dân, với đặc trưng về việc huy động nhân tố con người, biến cuộc kháng chiến thành mục tiêu của toàn dân, mới là lựa chọn hợp lý nhất để giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến này. Và, với sự tương đồng tuyệt đối từ Đại tướng, Hồ Chủ tịch đã tìm được một gương mặt để vận dụng cực kì xuất sắc tư tưởng quân sự vốn là đặc trưng của lịch sử VN ".

Trong câu chuyện với TT&VH, TS Vũ Tang Bồng nhiều lần sử dụng cụm từ "đăng đàn bái tướng" khi nói tới lễ phong tặng danh hiệu Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp ngày 28-5-1948. "Không chỉ qua tư liệu, tôi đã được nghe những người có mặt tại đó kể lại. Đó là một lễ phong tặng vừa có tính tôn vinh, vừa thể hiện niềm tin tuyệt đối của  Chủ tịch vào Đại tướng" - TS Bồng nói - "Hầu hết những gương mặt chủ yếu của Chính phủ kháng chiến khi đó như Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại... cũng đều có mặt trên ngọn đồi Nà Lọm (Định Hóa, Thái Nguyên). Nhắc lại sự kiện ấy, anh em chiến sĩ vẫn gọi là lễ "Đăng đàn bái tướng" cho vị Đại tướng đầu tiên của VN và các cấp chỉ huy khác.

Quyết định đầu tiên về chiến tranh nhân dân

Sau thời điểm toàn quốc kháng chiến 1946, lực lượng quân sự và tự vệ VN lần lượt rút lên các căn cứ địa, an toàn khu trên cả nước để bắt đầu cuộc chiến tranh trường kì.

Theo TS Vũ Tang Bồng, ở  thời kì đặc biệt này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phải đối mặt với những lựa chọn đầu tiên trong việc xây dựng chiến lược quân sự. Bởi, một nguyện vọng rất phổ biến trong quân đội khi đó là sớm được chính quy hóa và ham đánh lớn.

Tướng Giáp trở thành Tổng chỉ huy quân sự đầu tiên năm 1944, khi đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập.
Tướng Giáp trở thành Tổng chỉ huy quân sự đầu tiên năm 1944, khi đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập.

"Đa phần, những chuyên gia quân sự đầu tiên của VN khi ấy đều học ở trường Hoàng Phố, hoặc chịu ảnh hưởng một phần từ học thuyết quân sự Liên Xô. Ngoài ra, các hàng binh người Nhật, hoặc các nhóm chiến sĩ quốc tế cũng là một nguồn cung cấp kiến thức quân sự khá quan trọng" - TS Bồng nói - " Cộng cùng tâm lý nôn nóng, khao khát sớm giành thắng lợi, những lý luận quân sự hiện đại được nhắc tới đã tác động tới chúng ta khá nhiều".

TS Bồng cho biết: Ngay từ sau 1946, một số đơn vị quân sự cấp Đại đoàn đã được thành lập tại mặt trận Nam Trung Bộ như Đại đoàn 23, Đại đoàn 21, nhưng sau đó phải hoãn lại vì chưa đủ điều kiện. Vài năm sau, nhiều lãnh đạo của Chính phủ kháng chiến cũng đề nghị sớm thành lập một lực lượng cấp Đại đoàn để tham gia đánh lớn trong các chiến dịch phản công.

Các sử liệu quân sự hiện có đều ghi rất rõ về quyết định của tướng Giáp trong giai đoạn này bằng cụm từ "đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung". Vắn tắt, với trang bị thô sơ và sự non trẻ về kinh nghiệm tác chiến, lực lượng quân sự VN không có sự tập trung để tham gia những trận đánh lớn theo mô hình chiến tranh quy ước. Ngược lại, các lực lượng cần phân tán theo quy mô từng đại đội chủ lực, tránh mũi nhọn tấn công của quân viễn chinh Pháp, từ đó từng bước tiến sâu vào hoạt động trong các vùng tạm chiếm của địch.

"Đó là một quyết định cực kì sáng suốt, khi các đại đội chủ lực có vai trò dìu dắt, phát triển phong trào du kích địa phương và liên tục mở rộng thế trận, kéo giãn hậu phương của người Pháp thành tiền phương của mình" - TS Bồng nói - "Và, với việc tận dụng sức mạnh và sự ủng hộ của nhân dân như vậy, sự phát triển về lực lượng quân sự của VN được đẩy lên rất nhanh, để khi cần thiết có thể lập tức phối hợp, tác chiến tập trung ở quy mô cấp tiểu đoàn".

Nhưng,  tướng Giáp sẽ còn phải giải quyết tâm lý nôn nóng, khao khát được đánh lớn, đánh gấp như vậy trong nhiều năm sau đó, cho tới tận chiến dịch Điện Biên Phủ.

(Còn nữa)

Theo Hoàng Nguyên (Thể thao & Văn hóa)