.
Hướng tới kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604 -2014):

Quảng Bình trong thời kỳ thống trị của phong kiến phương bắc

Thứ Sáu, 27/09/2013, 13:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau khi chiếm được Âu Lạc, Triệu Đà sát nhập Âu Lạc vào nước Nam Việt. Triệu Đà chia Âu Lạc làm hai quận là Giao Chỉ (Bắc bộ) và Cửu Chân (Bắc Trung bộ). Quảng Bình thuộc phía nam quận Cửu Chân. Cũng như ở hai quận Giao chỉ và Cửu Chân, nhân dân Quảng Bình lúc bấy giờ phải chịu sự thống trị hà khắc của triều đại phong kiến Nam Việt. Triệu Đà cử quan lại từ phía bắc xuống cai trị, đưa quân lính xuống đóng đồn hòng đề bẹp ý chí quật cường của nhân dân Âu Lạc. Triệu Đà cho kiểm kê hộ khẩu ở hai quận Giao chỉ và Cửu Chân để bắt phu, bắt lính và bộc lột thuế khoá.

Sự thống trị của triều đình Nam Việt chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Năm 111 trước công nguyên,  triều đình nhà Hán ở phía bắc sau khi phế truất vương triều Tần, tiếp tục nuôi mộng bá vương, đã đưa quân xuống đánh Nam Việt. Sau một thời gian chống cự, Triệu Đà chịu thất bại, nước Nam Việt bị tiêu diệt, đất đai Âu Lạc chuyển sang tay nhà Hán. Từ đó nhân dân Âu Lạc chịu sự thống trị của triều đình phong kiến nhà Hán.

Sau khi chiếm được Nam Việt, nhà Hán lập Bộ Giao Chỉ gồm 6 quận đất Nam Việt của Triệu Đà cũ và 3 quận của đất Âu Lạc trước đây là Giao Chỉ (Bắc bộ) Cửu Chân (Bắc Trung bộ) và Nhật Nam (Trung Trung bộ). Theo sự phân chia đơn vị hành chính thời nhà Hán thì vùng đất Quảng Bình ngày nay thuộc quận Nhật Nam. Để thiết lập bộ máy cai trị ở nước ta, nhà Hán cử một viên quan Thái thú đứng đầu mỗi quận và một viên Đô uý chỉ huy lực lượng quân sự.

Đối với vùng đất chiếm được của Âu Lạc trước đây triều đình nhà Hán thực hiện chính sách bóc lột chủ yếu là cống nộp sản vật quý hiếm như: sừng tê giác, ngà voi, đồi mồi, ngọc châu, vàng bạc... Chúng còn thực hiện chính sách bóc lột tô thuế nặng nề, chiếm đất lập trang trại, nắm độc quyền sản xuất và mua bán muối, sắt, những sản phẩm chiến lược lúc bấy giờ. Bên cạnh chính sách bóc lột nặng nề, nhà Hán còn thực hiện chính sách đồng hoá, âm mưu thôn tính nước ta về lâu dài.

Nhà Hán đã đưa người Hán từ phía bắc xuống định cư để đồng hoá về mặt chủng tộc. Chúng cho nhiều tội nhân và dân nghèo xuống ở Giao chỉ. Chúng bắt nhân dân ta tuân theo "lễ giáo" phong kiến Hán, từ cách ăn mặc đến việc lấy vợ lấy chồng. Chúng mở một số trường học nhằm đào tạo những quan lại tay sai đắc lực cho chính quyền đô hộ, truyền bá tư tưởng, đạo đức phong kiến phương bắc hòng xoá bỏ nền văn hoá Âu Lạc đã có trước đó.

Trước tình hình đó, để bảo vệ nền văn hoá độc lập dân tộc, nhân dân các dân tộc của nước Âu Lạc trước đây đã nổi lên chống lại ách đô hộ của nhà Hán mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.

Tháng 3 năm 40, hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị con gái Lạc tướng huyện Mê Linh (miền Sơn Tây và tỉnh Vĩnh Phú ngày nay) đã phát động cuộc khởi nghĩa ở cửa sông Hát. Được sự ủng hộ của nhân dân, những người yêu nước ở khắp nơi kéo về tụ nghĩa ở Mê Linh. Từ  Mê Linh, nghĩa quân tiến công thành Luy Lâu (Thuận Thành - Hà Bắc), thủ phủ chính quyền nhà Hán ở Giao Chỉ. Nhiều cuộc nổi dậy của nông dân hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng liên tiếp nổ ra ở các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và cả Hợp Phố (nay thuộc Quảng Đông - Trung Quốc).

Dưới ngọn cờ của Hai Bà Trưng, các cuộc khởi nghĩa của các địa phương đã thống nhất thành một phong trào khởi nghĩa rộng lớn cuả nhân dân đứng lên chống ách đô hộ của nhà Hán. Đặc biệt trong hàng ngũ tướng lĩnh của các cuộc khởi nghĩa có nhiều phụ nữ tham gia. Trước sức mạnh của lòng căm thù và ý chí quật cường của nhân dân, chính quyền đô hộ nhanh chóng sụp đổ. Quan quân Đông Hán hoảng sợ, bỏ chạy tháo thân về nước. Chỉ trong một thời gian ngắn, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã quét sạch quân xâm lược nhà Hán ở 65 huyện thành, khôi phục nền độc lập cho đất nước.

Trong cuộc khởi nghĩa đó, nhân dân quận Nhật Nam trong đó có những người dân Quảng Bình thời đó đã cùng với nhân dân trong cả nước đoàn kết một lòng, nêu cao ý thức dân tộc không cam chịu sự thống trị của phong kiến phương bắc, đứng lên giành độc lập. Tinh thần đó là sự khởi đầu cho một truyền thống kiên cường đấu tranh cho những giai đoạn lịch sử kế tiếp sau.

Đất nước được độc lập, nhưng so sách lực lượng giữa ta và địch quá chênh lệch, nền độc lập chưa thể giữ vững lâu bền được. Nghe tin Hai Bà Trưng khởi nghĩa, chiếm hết huyện thành, vua Quang Vũ nhà Hán sai Mã Viện đem hai vạn quân cùng hai nghìn thuyền xe sang xâm lược nước ta. Trưng Vương cùng các tướng lĩnh lãnh đạo quân và dân ta anh dũng chống giặc. Nhưng thế giặc quá mạnh, gần một năm trời chống quân xâm lược, cuộc kháng chiến bị tiêu hao và thất bại. Lãnh tụ của cuộc kháng chiến là Hai Bà Trưng về Hát Môn rồi gieo mình xuống dòng sông Hát tự tận vào tháng 5 năm 43.

Sau cuộc kháng chiến của Hai Bà Trưng thất bại, nhà Hán lập lại ách thống trị với nước ta. Chính sách nô dịch, bóc lột và đồng hoá của chúng được đẩy mạnh hơn trước. Mã Viện chia lại các khu vực hành chính, cắt huyện to, nhập huyện nhỏ, đặt thêm quận, lập thêm châu và đặt các chức huyện lệnh và huyện trưởng cai trị trực tiếp. Ở mỗi huyện chúng xây thành quách làm chỗ đóng quân, tăng cường trấn áp nhân dân ta, thực hiện chính sách đồng hoá với quy mô lớn và triệt để hơn. Chúng thực hiện pháp luật nhà Hán trên đất Việt, thủ tiêu chế độ Lạc tướng, bãi bỏ pháp luật cũng như những phong tục tập quán của người Việt nhằm biến nước ta thành châu, quân, huyện của nhà Hán. Với những chính sách đó, chúng âm mưu thống trị lâu dài và đồng hoá, xoá bỏ văn hoá, lịch sử vẻ vang của dân tộc ta.

Cuối thế kỷ II, đầu thế kỷ III, chính quyền Đông Hán tan rã ở Trung Quốc diễn ra cục diện "Tam quốc" (ba nước là Ngụy, Thục, Ngô) quyền thống trị nước ta tập trung trong tay Sĩ Nhiếp. Sau khi Sĩ Nhiếp chết, đất nước ta lệ thuộc vào phong kiến Ngô.

Năm 280, Tấn diệt Ngô, tạm thời thống nhất Trung Quốc. Nước ta lại rơi vào ách thống trị của nhà Tấn.
Mặc dầu có những nỗ lực to lớn, bọn thống trị phong kiến phương bắc vẫn không thể với tay xuống dưới cấp huyện, vẫn không thể khống chế nổi cơ sở bên dưới, nghĩa là không khống chế trực tiếp được đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Trong phong trào chống ngoại xâm và những truyền thống mạnh mẽ của xã hội dựa trên nền tảng công xã của người Việt đã hạn chế phạm vi thống trị của kẻ địch, khiến cho chính sách thống trị của chúng rốt cuộc vẫn là chính sách "ràng buộc" lỏng lẻo, nhiều miền đất nước ta còn ngoài phạm vi thống trị của phong kiến phương bắc. Chính vì lẽ đó, khi nước Lâm Ấp được thành lập ở phía nam, người Chiêm Thành đánh ra phía bắc chiếm hầu hết quận Nhật Nam, địa phận Quảng Bình trở thành một phần lãnh thổ của Chiêm Thành vào giữa thế kỷ thứ tư (năm 347).

Cũng như nhân dân ở hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân phía bắc, nhân dân các dân tộc ở phía nam ở quận Nhật Nam bị các triều đại phong kiến Trung Quốc bóc lột nặng nề. Phương thức bóc lột bằng cống nạp là phương thức bóc lột cơ bản của các triều đại phong kiến phưong bắc. Phương thức bóc lột đó nhằm vơ vét tài nguyên sản vật quý hiếm buộc nhân dân ở các địa phương phải lên rừng xuống biển làm các nghề nguy hiểm để cống nộp. Số lượng cống phẩm phụ thuộc vào tình hình cai trị, khả năng bóc lột và nhu cầu của bọn xâm lược.

Cùng với việc cống nộp nhân dân ở các địa phương thuộc quận Nhật Nam còn bị bóc lột tô thuế và lao dịch nặng nề. Chính vì vậy, cũng như nhân dân ở các Giao Chỉ và Cửu Chân, nhân dân ở các dân tộc quận Nhật Nam luôn nổi lên thống lại quân xâm lược giành quyền sống cho dân tộc mình.

Trung tâm của các cuộc khởi nghĩa ở Nhật Nam là huyện Tượng Lâm. Nhân dân ở đây chủ yếu là người Chăm, vốn có truyền thống thượng võ và tinh thần quật cường không cam chịu sống nô lệ đã nhiều lần nổi lên chống lại ách thống trị của quân Đông Hán. Năm 100, hơn 2.000 nhân dân của huyện Tượng Lâm đã nổi lên đánh đuổi quân Đông Hán, nhưng cuộc khởi nghĩa thất bại, lãnh tụ nghĩa quân bị chém đầu. Trước sự phản kháng quyết liệt của nhân dân ở đây chính quyền Đông Hán phải thi hành những chính sách cai trị cứng rắn đặt chức "Tướng binh trưởng" để đàn áp phong trào nổi dậy của quần chúng nhân dân. Không chịu khuất phục, nhân dân ở huyện Tượng Lâm tiếp tục nổi dậy và cuối cùng cũng đã giành được thắng lợi.

Niên hiệu Vĩnh Hoà năm thứ hai dưới triều Hán Thuận Để Bảo, tức năm Đinh Sửu (137), nhân dân Tượng Lâm dưới sự chỉ huy của Khu Liên đã nổi dậy, được nhân dân cả quận Nhật Nam hưởng ứng nhất tề đứng lên đánh phát quận huyện, giết bọn quan lại thống trị. Về sự kiện này, Đại Việt sử ký toàn thư chép:

"Người Nam ở huyện Tượng Lâm, quận Nhật Nam (ở địa giới nước Việt Thường xưa) là bọn Khu Liên đánh phá quận huyện, giết trưởng lại. Thứ sử Giao Châu là Phan Diễn đem quân châu vào quân Cửu Chân hơn vạn người đi cứu ứng, nhưng quân lính ngại đi xa. Mùa thu tháng 7, quân hai quận làm phản, đánh phủ trị, thế chuyển thành mạnh".

Cuộc khởi nghĩa của Khu Liên được nhân dân ở các huyện thuộc quận Nhật Nam hưởng ứng. Thứ sử Giao Châu lúc bấy giờ là Phan Diễn đã huy động lực lượng lớn quân lính phía bắc nhưng phần đông là người Việt phản đối. Lực lượng khởi nghĩa phát triển mạnh, lan rộng ra các địa phương khác trong quận Nhật Nam làm cho bọn thống trị Đông Hán phải vất vả đối phó.

Tháng 10 năm Giáp Thân (144), nhân dân ở quận Nhật Nam lại nổi dậy, liên kết với nhân dân ở quận Cửu Chân đánh phá các quận ấp của bọn thống trị Đông Hán.

Theo Địa chí Quảng Bình