Người Mã Liềng: Những điều chưa biết...

Cập nhật lúc 14:31, Chủ Nhật, 17/02/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Xuân về, người Mã Liềng cư trú dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ ở huyện Tuyên Hóa lại rộn ràng đón Tết như bao miền quê khác. Nhưng ở đây có những cái lạ và độc đáo trong phong tục, tập quán mà ít người biết đến...

Thiên nhiên là mẹ

Người Mã Liềng ở Quảng Bình sống ở bản Kè, bản Cáo, bản Chuối, bản Cà Xen thuộc hai xã Lâm Hóa, Thanh Hóa (Tuyên Hóa) dưới chân ngọn núi Giăng Màn. Họ có những tục lệ đón Tết với những ý nghĩa đặc biệt, mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện tính đoàn kết, chung sức, chung lòng của tộc người này.

Lễ cúng thần thiên nhiên là nghi lễ đã đi vào tiềm thức và trở thành bất khả xâm phạm trong tín ngưỡng và trong các quy định chuẩn mực đạo đức của người Mã Liềng từ thế hệ này qua thế hệ khác. Cứ 3 năm một lần người ta làm một lễ rất lớn nhưng đối với ngày Tết, việc cúng thần thiên nhiên là điều không thể thiếu của người Mã Liềng.

Mặc dù đời sống khó khăn, thiếu thốn nhưng lễ cúng thần thiên nhiên vẫn được tổ chức hàng năm vào mồng 2 Tết Nguyên đán. Bởi người Mã Liềng không quên ơn “ma rừng, ma nhà” đã giúp đỡ họ. Ma rừng không cho con thú, con chim phá rẫy. Ma nhà giúp họ sức khỏe, ít ốm đau và tránh nhiều sự rủi ro khác. Với người Mã Liềng, thiên nhiên là mẹ hiền của muôn loài.

Lễ vật quy định trong lễ cúng thần thiên nhiên gồm có: động vật bốn chân, động vật hai chân, các sản phẩm hái từ rừng hay từ nương rẫy (các loại hạt, củ, quả, thân, hoa, lá cành đều được cả). Ý nghĩa đơn giản của việc cúng thần thiên nhiên của người Mã Liềng là sau một năm làm lụng vất vả, các thần tạo hóa về làng, phù hộ cho cả làng và mỗi gia đình.

Do người Mã Liềng tin vào thần thiên nhiên nên việc thờ thần con ong là một nghi lễ đặc biệt, bắt buộc mỗi năm một lần, họ xem con ong là thần thiên nhiên ban phước đến cho họ. Do vậy, khi mùa ong đến bất cứ gia đình nào mà chưa may mắn được gặp tổ ong, chưa có dịp làm lễ cúng ong, thì nghiễm nhiên gia đình đó chưa thể sử dụng bất cứ sản phẩm nào liên quan đến con ong.

Lễ cúng thần thiên nhiên của người Mã Liềng.
Lễ cúng thần thiên nhiên của người Mã Liềng.

Quy định dễ nhận thấy người Mã Liềng tin tưởng vào thần thiên nhiên là trước khi vào rừng làm bất cứ một việc gì phải xin phép thần rừng. Nếu vào rừng lấy măng, lấy củi, tìm kiếm thức ăn, thì các hành vi xin phép đơn giản hơn. Mỗi người có thể tự thể hiện các thủ tục xin phép của mình theo tục truyền. Nhưng nếu vào rừng tìm con ong đầu mùa thủ tục nghiêm khắc hơn rất nhiều. Lễ nghi phải được tổ chức theo truyền thống, già làng và thầy tâm linh là người thực hiện nghi lễ này.

Theo quan niệm của người Mã Liềng, lễ cúng thần thiên nhiên là một cơ hội gặp gỡ để nhắc nhở con cháu các nơi về tụ họp, trẻ lắng nghe già, già bảo ban và truyền lại cho trẻ những tín ngưỡng truyền thống không thể bỏ qua này.

Lễ cúng “ma nhà”

Ma nhà của người Mã Liềng dưới dãy núi Giăng Màn đó chính là linh hồn của tổ tiên, của cha ông họ. Đối với người Kinh, thờ ông bà, tổ tiên trong ngày Tết là điều hết sức bình thường nhưng ở người Mã Liềng thì lại khác. Theo họ, khi đã chết là hết, họ không bao giờ quan tâm đến mồ mả nữa vì họ đã cúng và đưa linh hồn người chết về nhà sau khi chôn cất xong.

Ma nhà luôn luôn thường trực trong nhà của người dân Mã Liềng, giúp đỡ họ những lúc khó khăn, quở phạt họ nếu làm những điều không đúng. Ma nhà giúp họ sức khỏe, ít ốm đau và tránh nhiều sự rủi ro. Quan niệm mọi sinh vật đều có tình cảm, có linh hồn, khi chết thể xác có thể mất đi nhưng linh hồn vẫn tồn tại, đó chính là “ma nhà” của người Mã Liềng.

Nếu như không tìm hiểu thì ai cũng nghĩ là người Mã Liềng không nhớ những người đã khuất, không nhớ đến ông bà tổ tiên. Với họ, chết là hết, không quan tâm đến mồ mả nhưng khi tìm hiểu vào cuộc sống của người dân, chúng tôi mới biết tổ tiên quan trọng như thế nào với người Mã Liềng. Không có phong tục cúng, kị hàng năm, nhưng ngày Tết là ngày mà mỗi gia đình trong dân bản đều làm lễ cúng ông bà tổ tiên mình. Lễ cúng này trước hết là để tưởng nhớ những người đã khuất, sau là để con cháu vui quần sum họp.

Trưởng bản Cao Dụng (bản Kè, Lâm Hóa) cho biết: “Lễ cúng ma nhà rất quan trọng với dân bản nơi đây ngày Tết là dịp con cháu nhớ về nguồn cội, nhớ về tổ tiên ông bà. Ma nhà giúp họ sức khỏe, ít ốm đau và tránh nhiều rủi ro khác nên lễ cúng ma nhà được người dân bản chú trọng. Lễ vật bắt buộc con cháu đưa đến gia đình bố mẹ là một con gà, mâm xôi, chai rượu và cơm”.

Lễ vật tuy nhỏ bé nhưng nó thể hiện tính đoàn kết trong nội bộ gia đình người Mã Liềng. Mâm cơm dâng bố mẹ ngày Tết của người Mã Liềng dưới chân núi Trường Sơn càng thấm đượm nghĩa tình và lòng đầy thành kính.

Tiếng đàn, sáo ngày Tết

Khi những cây lộc vừng đâm chồi nảy lộc, hoa đào, hoa mai nở là lúc người Mã Liềng ở huyện Tuyên Hóa náo nức chuẩn bị đón chào năm mới. Họ đánh chiêng, gẩy đàn trơ bon và dùng ống pia đi trên những con đường bê tông sạch sẽ để cầu mong thần linh phù hộ cho năm mới sung túc, mưa thuận, gió hòa.

Tiếng sáo, tiếng đàn ngày Tết của người Mã Liềng cũng là tiếng lòng hò hẹn của bao đôi trai gái giữa núi rừng. Trưởng bản Phạm Thành (bản Chuối, Lâm Hóa) tự hào khoe với chúng tôi là nhờ tiếng sáo, tiếng đàn mà những đôi trai gái thành vợ thành chồng và những lễ hội thêm sôi nổi, bản làng thêm vui.

Ngày nay, nó đang dần mai một dần theo thời gian năm tháng. Về các bản ở xã Lâm Hóa, Thanh Hóa tiếng đàn, tiếng sáo đã vắng bóng. Khi hỏi về tiếng đàn, tiếng sáo thì trưởng bản Cao Dụng (bản Kè, Lâm Hóa) lắc đầu và bảo không còn nữa. Ở Lâm Hóa, chỉ có bản Chuối người ta còn sử dụng đàn trơ bon, ông Phạm Thành cho biết: “Đàn này chỉ sử dụng ngày Tết, ngày hội, đám cưới... cây đàn làm bằng một ống nứa đơn sơ, có buộc hai sợi cước, dùng một thanh nứa nhỏ để kéo, con trai kéo đàn, con gái hát du dương theo đàn rất hay”.

                                                                       Thanh Hoa






 

,
.
.
.