Về Lệ Thủy xem lễ hội đua thuyền

Cập nhật lúc 09:15, Thứ Sáu, 08/06/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Từ bao đời nay, với người dân Lệ Thuỷ, sông Kiến Giang đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật của họ. Nước sông Kiến Giang tưới mát đồng lúa trong những ngày nắng hạn, giúp người dân Lệ Thủy có được những mùa vàng bội thu. Sông Kiến Giang cũng là nơi diễn ra lễ hội đua thuyền vào mỗi dịp Tết Độc Lập làm nức lòng người dân cả tỉnh và được cả nước biết đến.

Ngày 2 tháng 9 hàng năm, người dân Lệ Thuỷ lại tưng bừng với lễ hội chào đón Tết Độc lập. Ngoài Tết Nguyên đán, người dân nơi đây ăn Tết Độc lập cũng có bánh trái, cỗ bàn gồm đủ các món xôi, gà, bánh chưng, hoa thơm quả ngọt. Với người dân Lệ Thuỷ, lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang vào dịp Tết Độc lập đã trở thành máu thịt.

Gần đến ngày lễ hội, người dân Lệ Thủy nô nức chuẩn bị mọi thứ. Các làng, xã rộn ràng tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng cưa, đục... của thợ đóng thuyền. Công việc đầu tiên và cũng quan trọng nhất để tham gia lễ hội là chuẩn bị thuyền. Thuyền bơi (thuyền nam) cũng như thuyền đua (thuyền nữ) thường được đóng bằng các loại gỗ nhẹ, chịu nước như dổi, huệng... do các sơn tràng lấy về từ rừng sâu.

Thuyền được cấu thành do 5 miếng ván ghép lại. Ván thuyền dày khoảng 4cm, được bào nhẵn, đánh dầu bóng chống thấm nước. Đáy thuyền gọi là tấm tiếp, tiếp theo là hai tấm tè và trên cùng là hai tấm mạn. Các phần được nối với nhau bằng một loại đinh đặc biệt chuyên dùng cho đóng thuyền. Sau khi ghép xong người ta đặt đòn thang và chỗ ngồi cho trải bơi (vận động viên), một thuyền bơi khoảng 13-15 cặp trải bơi, một thuyền đua khoảng 10-13 tay chèo với số đòn thang tương ứng. Giữa thuyền được chia đôi bởi một thân gỗ thẳng tắp từ đầu đến cuối gọi là đòn cân. Đòn cân có tác dụng làm chắc và cân đối thuyền, là chỗ thúc nêm theo kỹ thuật của thợ đóng thuyền. Tiếp đến là phần mũi thuyền và đuôi thuyền, mũi thuyền được tạo theo hình đầu rồng có hoa văn, đầu mũi được sơn đỏ gọi là mũi đoóc, phần lái với hoa văn đuôi rồng uốn lượn với mong muốn con thuyền đầy sức mạnh rẽ sóng tiến lên.

Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang luôn thu hút hàng vạn người dân về tham gia cổ vũ.
Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang luôn thu hút hàng vạn người dân về tham gia cổ vũ.

Chiếc thuyền hoàn thành dài khoảng 17m, lòng thuyền rộng từ 1 - 1,2m. Thuyền đua cũng cấu tạo giống thuyền bơi nhưng ngắn hơn và hẹp hơn, đủ cho 10-13 tay chèo. Mái chèo của thuyền đua dài 3m, mặt bản rộng 0,3m, chèo của thuyền nam gọi là chầm, dài khoảng 1m, mặt bản rộng 0,3m, có tay cầm. Cả chầm và chèo đều được đánh dầu bóng hoặc sơn màu chống thấm nước. Một chiếc thuyền khi xuất phát phải đủ các vị trí về nhân sự như: đốc lái (người lái thuyền) ở vị trí sau cùng của đuôi thuyền, gõ mõ (người tạo nhịp bơi cho thuyền) đứng ở giữa thuyền, người tát nước và người dự bị. Riêng thuyền đua, người tạo nhịp gọi là người gõ sanh, sanh được làm bằng hai thanh gỗ tạo âm thanh để chị em theo nhịp mà chèo. Người gõ sanh ngồi ở đầu mũi thuyền, mặt đối diện với người chèo, vừa gõ vừa động viên.

Sáng ngày 2-9, khắp các ngả đường nghìn nghịt người, xe đổ về trung tâm huyện. Niềm vui rạng ngời trên từng khuôn mặt, rất đông nam thanh nữ tú, người già, trẻ em tập trung hai bên bờ sông chờ xem, cổ vũ lễ hội. Dưới sông, những chiếc ca nô, thuyền bè lớn nhỏ tất cả đều rợp cờ hoa với các băng rôn, biểu ngữ mang nội dung cổ động. Mặt sông Kiến Giang dậy sóng. Hệ thống loa phóng thanh phát những bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi những thành quả lao động của người dân góp phần xây dựng nên một đất nước hoà bình, ấm no.

Trung tâm huyện lỵ Lệ Thuỷ bừng lên một không khí lễ hội vui tươi mang tính đặc trưng của vùng quê lúa. Mặt trời đã lên. Mặt sông rộn rã tiếng máy ca nô, tiếng mái chèo khua nước của các thuyền nhỏ. Đò bơi đã dàn hàng ngang trên vạch xuất phát. Tất cả các ca nô, thuyền nhỏ đều dạt sang hai bên bờ. Sau phát súng lệnh, trai bơi như gầm lên gồng mình. Mặt sông cuộn sóng. Hàng chục đò bơi bật lên lấy đà cho cuộc tranh tài. Trên bờ, tiếng reo hò vang dội.

Người reo hò, kẻ vẫy nón. Các bà, các mẹ xắn quần quá gối, lội ra mép sông dùng nón lá múc nước tạt theo thuyền tạo những vòng cung nước lung linh... Sau thuyền đua là hàng trăm thuyền máy rợp cờ, băng rôn khẩu hiệu, trống nện liên hồi chạy theo cổ vũ, động viên. Sông Kiến Giang vốn nhỏ, chảy hiền qua các làng mạc nay dậy sóng bạc đầu nâng những con thuyền chạy với niềm phấn khích của cả vạn con người đang vẫy tay reo hò không ngớt. Hết mái xắp lấy đà, đò đua chuyển theo mái khoan dưỡng sức cho chặng nước rút. Tiếng hò liên tiếp dội vào hai bên sông: "Khoan dô khoan - Hò khoan. Lên hô lên - Hô lên". Cứ đến nhịp hò là hàng chục trai bơi đẩy mái chầm vục xuống nước đều rắp, tạo sức mạnh đẩy con thuyền vượt lên...

Những năm về trước, người dân Lệ Thủy chứng kiến thời khắc xuất phát và về đích của các đò đua chủ yếu tập trung trên cây cầu Mũi Viết nhỏ bé. Giờ đây đã có cây cầu Kiến Giang to đẹp vươn mình nối đôi bờ ở một vị trí đắc địa. Người dân thoả sức reo hò, cổ vũ từ trên cây cầu này và cũng có thể phóng tầm mắt dõi theo các đò bơi đi xa hơn. Khoảnh khắc các đò bơi về đích mới là lúc bừng lên niềm phấn khích của cả các trai bơi lẫn người cổ vũ. Cầu Mũi Viết chật ních người. Hai bên bờ sông tiếng hò reo như sấm dậy. Các trai bơi như được tiếp thêm sức mạnh, rướn người vục mái chầm sâu hơn, kịp về đích nhanh nhất.

Trong niềm hân hoan chiến thắng, đại diện các đò bơi đón cúp từ tay các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện. Những mệt nhọc do thả sức trên đường đua giờ đây như tan biến hết. Chỉ có những tràng cười, những cái ôm siết chặt của các mẹ, các chị là nối tiếp nhau mãi...

Trải qua hàng ngàn năm, người dân vùng sông nước Kiến Giang gắn bó với dòng sông. Mọi sinh hoạt, lao động sản xuất đều trông cậy vào con thuyền, từ cấy hái, gặt mùa, giỗ chạp, tảo mộ, chợ búa... đến khi nhắm mắt xuôi tay cũng con thuyền ngược dòng lên thượng nguồn mai táng. Từ lao động mà kết tinh nghệ thuật chèo thuyền, bơi thuyền. Lễ hội đua thuyền ở Lệ Thuỷ cũng là một hình thức thi đấu thể thao cấp huyện mà số lượng đò bơi, đò đua tham gia lên đến vài ba chục. Tuyển thủ cùng thi đấu một lúc lên đến 500-600 người.

Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc khánh 2-9, ngoài lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang, khắp nơi trong huyện cũng đã dấy lên một không khí đua sức tranh tài với các môn bóng đá, bóng chuyền, ca hát, bài chòi... Người dân Lệ Thuỷ đã tạm gác lại việc đồng áng, bỏ sang bên những lo toan trăn trở với cuộc mưu sinh để cùng với cả nước, cả tỉnh vui một niềm vui thật trọn vẹn trong ngày Tết Độc lập. Không chỉ với ý nghĩa đó, lễ hội đua thuyền còn cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, làm ăn thuận lợi. Thắng hay thua sau cuộc tranh tài cũng đều vui. Đò nào theo làng đó, cùng con cháu ở xa tìm về liên hoan chúc mừng và hẹn mùa lễ hội năm sau.

                                                                                    Nguyễn Hoàng






 

,
.
.
.