.

Trường nghề khó tuyển sinh, doanh nghiệp thiếu lao động

Chủ Nhật, 15/10/2017, 14:31 [GMT+7]

(QBĐT) - Mặc dù Trung ương, tỉnh, huyện đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên, khuyến khích thí sinh học nghề, tuy nhiên, hiện nay, nhiều trường trung cấp, cao đẳng nghề vẫn gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. Điều này khiến cho nhiều công ty, doanh nghiệp cũng gặp áp lực  trong công tác tuyển dụng lao động tay nghề cao. 

Trường nghề khó tuyển sinh

Năm 2014, Luật Giáo dục nghề nghiệp ra đời đã quy định chế độ ưu đãi đối với học sinh tốt nghiệp THCS, nếu học lên trình độ trung cấp sẽ được miễn học phí 100%. Cùng với đó, nhiều chính sách khác cũng ưu tiên dành cho thí sinh học nghề nhưng đến nay, theo các trường trung cấp, cao đẳng nghề, tỷ lệ học sinh học nghề lại tương đối thấp.

Nhiều trường nghề trên địa bàn tỉnh đang chật vật để tuyển học viên.
Nhiều trường nghề trên địa bàn tỉnh đang chật vật để tuyển học viên.

Ông Hồ Văn Chiêu, Trưởng phòng đào tạo, Trường trung cấp nghề số 9 cho biết, công tác tuyển sinh vào đầu năm học của trường gặp rất nhiều khó khăn. Để hoàn thành số lượng kế hoạch đào tạo, trường phải giao chỉ tiêu tuyển sinh cho từng giáo viên.

Do đó, đầu năm học, các giáo viên phải đi về các địa phương, vùng sâu, vùng xa và vào từng hộ gia đình để vận động phụ huynh và học sinh lựa chọn con đường học nghề. Tuy nhiên, dù công tác tuyển sinh vất vả là vậy nhưng hàng năm, trường cũng không tuyển đủ học viên.  Nhiều nghề phải tạm dừng đào tạo do không tuyển được học viên nào.

Không chỉ riêng trường hợp Trường trung cấp nghề số 9 gặp khó trong công tác tuyển sinh mà hiện nay, nhiều trường nghề khác cũng cùng chung hoàn cảnh. Thạc sĩ Đào Thanh Tùng, Trưởng phòng đào tạo Trường cao đẳng nghề Quảng Bình cũng cho biết, công tác tuyển sinh vào đầu mỗi năm học của trường cũng gặp không ít gian nan. Các giáo viên phải đến các địa bàn vùng xa và gặp từng gia đình để tuyên truyền về các chính sách ưu đãi học nghề, việc làm sau khi ra trường.

Thế nhưng, số lượng học sinh đăng ký vào học cũng tương đối thấp. Năm 2017, theo kế hoạch, nhà trường sẽ đào tạo 200 học viên thuộc bậc cao đẳng nghề, nhưng thực tế tính đến tháng 10 này, trường chỉ đào tạo được 92 học viên. Đối với bậc trung cấp nghề, kế hoạch là 300 học viên, nhưng hiện tại chỉ có là 242 học viên.

Lý giải về việc mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ cho các đối tượng học nghề nhưng các trường dạy nghề vẫn phải chật vật trong công tác tuyển sinh, ông Trần Văn Thụ, Phó Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề số 9 lý giải, hiện nay, tâm lý chung của nhiều học sinh và phụ huynh là phải theo học bằng được đại học còn không quan tâm hiệu quả sau khi ra trường có xin được việc làm phù hợp hay không.

Chính vì vậy, hầu hết các trường dạy nghề khó tuyển được học viên. Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều trường THPT đang thiếu học sinh nên số lượng học sinh tốt nghiệp THCS lựa chọn học tiếp lên trung cấp nghề là rất ít.

Em Hoàng Tuấn, hiện đang học lớp 12 của một trường THPT ở Quảng Ninh chia sẻ: “Bố mẹ em chỉ mong em học trường THPT rồi thi vào đại học để xin việc. Nếu học có bằng cấp cao thì dễ xin việc hơn, chứ học nghề cơ hội tìm việc làm thấp, nếu có thì cũng làm những công việc vất vả”.

Doanh nghiệp thiếu lao động tay nghề cao

Số lượng tuyển sinh hàng năm ít, một số nghề không có học sinh đăng ký học phải ngừng đào tạo là thực trạng chung của các trường dạy nghề hiện nay. Hệ quả là không ít công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động tay nghề cao nhưng lại không tuyển được.

Bà Hồ Thị Ái Nga, Phòng phát triển nguồn nhân lực Công ty cổ phần điện Liên Thành Việt Nam cho biết, Công ty có hai chi nhánh ở phía Nam và phía Bắc, nên nhu cầu về lao động là rất lớn. Để đáp ứng về số lượng lao động có tay nghề cao, Công ty đã gửi công văn tuyển dụng đến các trường nghề ở trong nước, trong đó có Quảng Bình.

Do đối tượng tuyển dụng là các em mới ra trường, nên Công ty cũng đã thông báo về các quyền lợi được hưởng, như: miễn phí chỗ ở, mức lương ban đầu là hơn 5 triệu đồng/tháng, được chia lợi nhuận công trình, được xét tăng lương 2 lần/ năm...

Tuy nhiên, so với nhu cầu tuyển hơn 200 lao động tốt nghiệp các trường nghề chuyên về điện dân dụng công nghiệp, cơ điện lạnh, cơ khí thì tới thời điểm này Công ty chỉ mới tuyển được 100 em.

Thạc sĩ Hà Trí Dũng, Trưởng phòng tuyển sinh Trường cao đẳng nghề Quảng Bình cho hay, hàng năm, rất nhiều doanh nghiệp và công ty trong và ngoài tỉnh đều gửi công văn hoặc gọi điện thoại đến trường để tuyển dụng lao động. Tuy nhiên, với số lượng đào tạo còn tương đối thấp của một số ngành hiện nay, trường không thể đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, công ty.

Đơn cử như năm 2015, 2016 các ngành thuộc hệ trung cấp, như: kỹ thuật xây dựng, cắt gọt kim loại, trường không tuyển được học viên nào. Năm 2017 này mới bắt đầu đào tạo được 1 lớp gồm 30 em. Bên cạnh đó, một số ngành nghề đào tạo hệ trung cấp mà các doanh nghiệp đang rất cần, như: kỹ thuật xây dựng, điện công nghiệp, trường cũng đào tạo với số lượng tương đối thấp.

Các doanh nghiệp đang thiếu lao động tay nghề cao.
Các doanh nghiệp đang thiếu lao động tay nghề cao.

Thạc sĩ Hà Trí Dũng cũng cho biết thêm, hiện nay, một số doanh nghiệp, công ty may và du  lịch trên địa bàn tỉnh cũng đang có nhu cầu cao về lao động, như: Công ty may S&D, xưởng may Ngô Cảnh, KCN Cam Liên... Tuy nhiên, hàng năm, trường cũng chỉ đáp ứng một số lượng ít lao động.

Ông Hồ Văn Chiêu, Trưởng phòng đào tạo, Trường trung cấp nghề số 9 cũng chia sẻ, rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và cả trong nước đều gọi điện đến trường để đặt hàng lao động. Với các nghề như kỹ thuật chế biến món ăn, quản trị khách sạn, trường đáp ứng được một số lượng ít lao động. Tuy nhiên, những nghề, như: điện, cơ khí, trường rất khó đáp ứng, vì số lượng học viên theo học quá ít.

Thạc sĩ Đoàn Thanh Tùng, Trưởng phòng đào tạo, Trường cao đẳng nghề Quảng Bình nói: “Hiện nay, không ít trường họp các em học 4 năm đại học nhưng sau khi tốt nghiệp không tìm việc làm đã quay trở lại học nghề. Hiện tại, trường đang đào tạo 2 lớp cao đẳng nghề với 42 em đã có bằng đại học gồm những ngành, như: chế biến món ăn, công nghệ ô tô. Năm 2016, 50 em đã tốt nghiệp đại học cũng với ngành nghề kể trên”.

“Sau khi tốt nghiệp, dù cầm trên tay tấm bằng đại học nhưng gần 2 năm không xin được việc, mình quyết định chuyển qua học nghề chế biến món ăn. Đây là nghề mình thích từ lâu và cũng dễ tìm được việc làm. Dự định sau này, nếu có vốn mình sẽ tự mở một quán ăn nhỏ để phát triển kinh tế”, Nguyễn Tuấn Minh, một học viên đang học ngành chế biến món ăn tại Trường cao đẳng nghề Quảng Bình tâm sự.

Có thể nói, câu chuyện về những cử nhân mặc dù đã cầm trên tay tấm bằng đại học nhưng buộc phải quay trở lại học nghề đang phản ánh đúng thực trạng “thừa thầy thiếu thợ” hiện nay. Chính vì vậy, đã đến lúc cần thay đổi tư duy về bậc học. Không chỉ có con đường học lên đại học mới có thể tìm được việc làm mà học nghề cũng chính là cách thức để các bạn trẻ có thể tìm được việc làm phù hợp với năng lực và sở thích của mình. Đó cũng là giải pháp nhằm giảm áp lực về tuyển sinh, giải “bài toán” tuyển dụng học viên, lao động cho các trường nghề và doanh nghiệp hiện nay.

Đ.Nguyệt