.

Chuyện cô giáo vùng cao

Chủ Nhật, 19/02/2017, 10:21 [GMT+7]

(QBĐT) - “Nghề giáo viên ở đây không như ở dưới xuôi đâu. Ngoài nhiệm vụ là dạy chữ trước mỗi buổi học chúng tôi còn phải đến từng nhà học sinh để vận động và chở các em đến trường”. Đó là tâm sự của cô giáo Trương Thị Hải Yến (SN 1979) khi nói về chuyện “trồng người” xã vùng cao biên giới Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa.

Trong một chuyến đi thiện nguyện lên xã biên giới Lâm Hóa, Tuyên Hóa, chúng tôi tình cờ gặp cô giáo Trương Thị Hải Yến, giáo viên Trường tiểu học và THCS Lâm Hóa. Nhìn những tấm giấy khen UBND xã tặng cô giáo Trương Thị Hải Yến vì thành tích trong công tác vận động học sinh đến trường, chúng tôi phần nào cũng hình dung được những gian nan mà cô cùng với các giáo viên nơi đây đang gặp phải.

Chia sẻ với chúng tôi, cô Trương Thị Hải Yến cho biết, mặc dù việc giảng dạy ở đây gặp rất nhiều khó khăn, vất vả, nhưng chưa lúc nào cô cảm thấy chán nản hay muốn từ bỏ nghề giáo viên của mình. Vốn sinh ra và lớn lên ở xã Lâm Hóa, dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng với niềm đam mê được đi học và khao khát thay đổi cuộc sống chính mình, cô giáo Trương Thị Hải Yến đã chăm chỉ theo học hết cấp THCS và thi đậu lên cấp THPT. Mặc dù lúc đó, cả xã chỉ có mình cô học cấp THPT,  đường sá đi lại rất vất vả, nhưng tuần nào cô cũng một mình đi bộ đường rừng hơn 1 tiếng đồng hồ để đến điểm trường ở xã Thanh Hóa. Cứ như vậy, suốt 3 năm học, cô đã không bỏ buổi học nào. Cuối cùng, sau những nỗ lực, cố gắng của mình, Trương Thị Hải Yến cũng thi đậu vào Trường đại học Sư phạm và trở thành một giáo viên về dạy học cho con em trong xã của mình.

 Cô Trương Thị Hải Yến bên cạnh những học sinh mà mình đã từng vận động đến trường.
Cô Trương Thị Hải Yến bên cạnh những học sinh mà mình đã từng vận động đến trường.

Thế nhưng, việc dạy học ở một xã vùng cao còn nhiều khó khăn như Lâm Hóa lại không phải là chuyện dễ dàng. Toàn xã có 54% dân số là người Mã Liềng và gần 50% là hộ nghèo.

Khi mà cái ăn chưa đủ no cùng nhận thức của đồng bào còn kém thì chuyện học hành dường như quá xa vời. Trong suy nghĩ của đa số đồng bào nơi đây, đi học, biết được cái chữ không thể giúp họ kiếm được cái ăn và thoát được cái nghèo. Chính vì vậy, ở xã Lâm Hóa, chuyện học sinh tự ý bỏ học ở nhà đi rẫy không phải là chuyện hiếm.

Cô Trương Thị Hải Yến cho biết, ở Trường tiểu học và THCS Lâm Hóa, bình quân mỗi khóa học, số học sinh là con em người Mã Liềng chiếm khoảng 60% học sinh toàn trường. Đây thực sự là một thách thức lớn với nhiều giáo viên của trường, bởi số lượng các em nghỉ học ở nhà đi nương rẫy rất nhiều. Nhiều em bỏ học ba đến bốn ngày liền. Ngoài những nguyên nhân do nhà xa hoặc gia đình muốn các em ở nhà phụ giúp công việc, cũng không ít em dù gia đình không bắt đi rẫy cũng không muốn đến trường vì thích ở nhà đi chơi hơn.

Để vận động các em đến trường, Ban giám hiệu nhà trường đã thành lập các nhóm giáo viên cứ trước mỗi buổi học đều đến tận nhà thuyết phục và chở các em đến lớp. Mỗi giáo viên đều có nhiệm vụ chở từ 2 đến 3 em học sinh. Kể về chuyện này, cô Yến chia sẻ thêm: “Do nhiều em đi rẫy hoặc đi rừng cùng gia đình từ rất sớm, vì vậy nếu đến muộn một chút là không gặp, nên mình đã huy động thêm cả chồng đi vận động và chở các em đến trường”. Không chỉ có việc đưa các em đến lớp, về nhà rồi xong, cô cùng các giáo viên của trường còn làm công tác tư tưởng cho các em và gia đình, như: việc học chữ quan trọng như thế nào và có thể giúp bà con thoát được đói nghèo ra sao. Chính nhờ những đợt vận động như vậy mà số lượng học sinh quay lại lớp ngày càng đông hơn.    

Cô Trương Thị Hải Yến cho biết, hơn mười năm làm giáo viên ở xã Lâm Hóa, cô không nhớ mình đã vận động và chở bao nhiêu học sinh đến trường. Bây giờ, khi ý thức của một số người dân đang dần được nâng lên, các em thường xuyên bỏ học giờ đã đến lớp chuyên cần và chăm chỉ học hành hơn. Cô Yến vui mừng nói: “Biết được những khó khăn của học sinh nơi đây, vừa qua, một số đơn vị, tổ chức đã tặng xe đạp với hy vọng sẽ giúp các em có phương tiện để đến trường. Các em vui lắm và đi học cũng chuyên cần hơn”.

Sau quãng thời gian dài vất vả, lặn lội đưa đón học sinh tới trường, đến hôm nay, được nhìn thấy các em tự mình đến lớp chuyên cần là món quà ý nghĩa lớn đối với cô Yến và những giáo viên cắm bản nơi đây. Đó là niềm động viên để những người làm giáo viên như cô Trương Thị Hải Yến tiếp tục thực hiện nhiệm vụ “trồng người” cao cả của mình ở vùng đất còn nhiều khó khăn này.  

Đ.Nguyệt